7 tháng sau khi nhận tiền cứu trợ bão, người phụ nữ bất ngờ bị "đòi" lại tiền

FEMA đã gửi đi khoảng 150.000 bức thư yêu cầu hoàn lại tiền thường chứa đầy những lời buộc tội khó hiểu như “ứng dụng không chứng minh được tình trạng cư trú,” hay thậm chí là “awhm.”
Bão Katrina gây ngập lụt tại New Orleans. (Nguồn: CBS News)

Vào tháng 8 năm 2005, cơn bão mạnh có tên Katrina tấn công vào bờ biển New Orleans của Mỹ đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề.

Dù sau đó, 90% dân số của thành phố đã được sơ tán, nhưng lực lượng chức năng đã bị chỉ trích vì sự chậm chạp trong công tác cảnh báo, cũng như sự thiếu chuẩn bị về lương thực và đồ cứu trợ khẩn cấp.

Tuy nhiên, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi cơn bão qua đi, có rất nhiều nạn nhân của bão Katrina đang bị FEMA, Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ yêu cầu trả lại tiền cứu trợ.

Bão Katrina đã cướp đi hầu như mọi thứ Sheila Moore có trên thế giới này. Vì vậy, khi FEMA cho biết cô có đủ các tiêu chuẩn để nhận hàng nghìn USD cứu trợ khẩn cấp, cô đã đồng ý nhận khoản tiền này. Tuy nhiên, 7 tháng sau đó, vào tháng 7/2006, Moore nhận được một bức thư từ FEMA yêu cầu cô phải hoàn trả khoản tiền 14.749 USD trong vòng 30 ngày.

"Tôi không có tiền để trả lại khoản này. Tôi không thể trả lại được," cô nói. "Tôi phải làm gì đây?"

Số tiền cứu trợ khẩn cấp đó được chi cho thực phẩm, quần áo và cả một chiếc ôtô cũ để cô đi làm. Chiếc ôtô thậm chí còn trở thành nhà của cô trong một khoảng thời gian.

Sau cơn bão Katrina, FEMA đã giải ngân các quỹ khẩn cấp cho hơn 700.000 hộ gia đình. Các kiểm toán viên sau đó cho biết cơ quan này đã trả quá nhiều nhiều tiền cho những người mà họ cho là không đáp ứng được các điều kiện hoặc không xứng đáng.

Vì vậy, sau đó FEMA đã gửi đi khoảng 150.000 bức thư yêu cầu hoàn lại tiền. Những bức thư này thường chứa đầy những lời buộc tội khó hiểu như “ứng dụng không chứng minh được tình trạng cư trú,” hay thậm chí là những mã hóa bí ẩn như “awhm.”

Bão Katrina gây ngập lụt tại New Orleans. (Nguồn: US News)

Những người nhận được thư sau đó phải gọi đến đường dây nóng trợ giúp của FEMA, nhưng nhận được rất ít câu trả lời hay thông tin chi tiết vì sao họ lại gặp phải tình huống này.

Ranie Thompson, một luật sư cho biết khách hàng của cô nằm trong số hàng nghìn người mà cô gọi là nạn nhân của một quy trình sai lầm được xây dựng dựa trên một giả định về tội phạm.

“Họ không có phương tiện đi lại, họ phải vật lộn với các vấn đề về sức khỏe, và bạn muốn họ trả lại cho bạn 20.000 USD. Bạn đang đùa tôi đấy à,” cô nói.

Sheila Moore và luật sư của cô đã dành một năm rưỡi để đấu tranh với FEMA trước khi cơ quan này thừa nhận cô không còn nợ 14.000 USD nữa. Lý do là gì? Có người đã viết sai tên cô trên đơn xin trợ cấp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng như Steila. Trước đó, sau khi cơn bão đã qua, Quốc hội Mỹ nhận được báo cáo cho biết khoảng 1 tỷ USD tiền cứu trợ cho các nạn nhân Katrina đã được sử dụng cho những mục đích gian lận, với những nạn nhân giả mạo sau đó đã chi tiền vào các kỳ nghỉ ở Hawaii, vé xem bóng đá, trang sức kim cương và cả xem các video khiêu dâm.

Những báo cáo gửi đến Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ cho thấy FEMA đã trả tiền cho những người chưa từng bị bão Katrina tàn phá nhà cửa, và thậm chí còn thanh toán cho hơn 1.000 tù nhân. Trong đó, FEMA đã trả hơn 20.000 USD cho một tù nhân khi người này kê khai tài sản hư hại là một hộp thư bưu điện.

Trong vụ gian lận nghiêm trọng nhất trên phương diện cá nhân, FEMA đã chi trả 26 khoản hỗ trợ cho một người nộp hồ sơ xin hỗ trợ về tài sản bị hư hại tại 13 địa chỉ khác nhau ở Louisiana, Mississippi và Alabama, bằng cách sử dụng 13 số an sinh xã hội khác nhau. Chỉ có một trong số các số này là hợp lệ, và cuộc điều tra cho thấy người này chưa bao giờ sống tại bất kỳ địa chỉ nào trong số 13 địa chỉ trên.

FEMA cũng đã trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho những người đang sống tại những khách sạn sang trọng, thanh toán các hóa đơn khách sạn trị giá 8.000 USD cho một “nạn nhân,” đồng thời hỗ trợ người này 2.358 USD để thuê nhà.

Thẻ ghi nợ của Fema cũng trở thành mục tiêu dễ dàng cho những kẻ muốn gian lận. Những khoản phí đáng lẽ dành cho việc khắc phục hậu quả do bão lại được dùng để mua một chiếc đồng hồ nạm kim cương, hoa tai và nhẫn kèm một kỳ nghỉ trọn gói 7 ngày tại Cộng hòa Dominica với chi phí lên đến 3.700 USD.

Ngoài ra, những người xin hỗ trợ cũng sử dụng thẻ này để mua rượu sâmpanh, hoặc trả tiền cho luật sư trong một vụ ly hôn, cũng như chi một khoản đáng kể để mua sách khiêu dâm dành cho người lớn.

FEMA sau đó đã thu hồi được một phần các khoản tiền đã chi sai. Tuy nhiên, vụ gian lận tiền cứu trợ này cũng đã gây sốc tại Quốc hội Mỹ. Các kiểm toán viên cho biết có đến 16% số tiền xin cứu trợ là gian lận.

Và hầu hết các khoản chi không đúng cách này là do FEMA không xác định được danh tính những người khiếu nại hoặc xác nhận được địa chỉ của họ.

Trong một khía cạnh khác, công cuộc cứu hộ sau bão Katrina được coi là một thất bại thảm hại của FEMA, đặc biệt khi cơ quan này đã chi tới 236 triệu USD để cung cấp chỗ ở cho những người sơ tán trên những con tàu du lịch.

FEMA đã thuê ba tàu du lịch do Carnival sở hữu. Các tàu này có sức chứa 7.116 giường, với chi phí 1.275 USD mỗi tuần cho một người. Trong khi đó, chi phí cho một chuyến du lịch Caribe khởi hành từ Texas chỉ là 559 USD một tuần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục