Trong tuần qua, cộng đồng công nghệ đổ dồn sự chú ý về sự kiện F8 của Facebook, nơi Mark Zuckerberg công bố chiến lược đưa mạng xã hội này trở thành trung tâm của thế giới mạng.
Dưới đây là những sự kiện nổi bật của thế giới công nghệ trong 7 ngày qua:
Facebook muốn trở thành trung tâm của thế giới mạng
Tuần qua, cái tên "Facebook" hay "Mark Zuckerberg" đã trở thành đề tài bàn tán của giới công nghệ toàn cầu. Chỉ trong một tuần lễ, "Gã khổng lồ" Facebook đã liên tiếp phát đi những thông báo mà tựu chung lại là thông điệp: mạng xã hội lớn nhất thế giới muốn trở thành trung tâm của thế giới mạng.
Đầu tiên là thông tin mạng xã hội này đang xúc tiến đàm phán với các nhà xuất bản, các hãng tin tức để đưa thông tin thời sự trực tiếp xuất hiện trên bảng thông báo (News Feed) của Facebook thay vì cách chia sẻ liên kết trang hiện nay.
Điều này có nghĩa là người dùng Facebook sẽ không cần vào các trình duyệt web truyền thống để đọc tin tức mà có thể ở ngay trong mạng xã hội. Rõ ràng, đây là một bước đi chiến lược, táo bạo và có thể mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa giới truyền thông và mạng xã hội.
Tiếp sau đó, mạng xã hội này "bày tỏ" mong muốn trở thành người trợ lý ảo thân cận với người dùng khi chính thức công bố chức năng "đã quen biết," "On This Day," giúp người dùng không quên những sự kiện kỷ niệm.
Ganh đua với đối thủ Google, Facebook cũng không ngại đầu tư hẳn một đội máy bay không người lái dùng năng lượng Mặt Trời để đưa Internet tới những vùng xa xôi nhất trên thế giới, qua đó ngầm truyền đi thông điệp: "Facebook sẽ có ở mọi nơi, mọi chỗ trên thế giới."
Và cuối cùng là sự kiện F8 ở San Francisco, nơi giám đốc điều hành Mark Zuckerberg chính thức phát đi những thông báo chiến lược đưa Facebook trở thành trung tâm của thế giới mạng.
Zuckerberg đã giới thiệu về nền tảng Messenger Platform, với mục tiêu nâng cấp dịch vụ tin nhắn tức thời hiện nay lên thành một mạng xã hội riêng, có khả năng tích hợp các ứng dụng, chia sẻ video, hình ảnh của bên thứ ba.
CEO của Facebook cũng giới thiệu về dự án biến Facebook trở thành trang chia sẻ video lớn nhất thế giới, "vượt mặt" Youtube của đối thủ Google và dự án chia sẻ lợi nhuận quảng cáo, doanh thu với các nhà phát triển ứng dụng, các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Với hơn 1,3 tỷ người dùng cùng các nguồn lực mạnh mẽ sẵn có, Mark Zuckerberg và Facebook đang cho thấy họ thực sự có đủ khả năng biến tham vọng trên trở thành hiện thực.
Yahoo sẽ rút hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc Đại lục
Yahoo Inc có kế hoạch rút hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc Đại lục trong năm nay, sau khi "gã khổng lồ công nghệ" này thông báo sẽ đóng cửa trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Bắc Kinh.
Nguồn tin trong ngành cho biết quyết định trên của Yahoo có thể sẽ làm mất khoảng 300 việc làm ở Trung Quốc Đại lục và số nhân viên ở đây, phần lớn là kỹ sư, sẽ phải rời vị trí làm việc vào cuối tháng này.
Động thái trên của Yahoo không làm giới chuyên gia trong ngành ngạc nhiên trong bối cảnh công ty này đang chịu sức ép gia tăng từ các cổ đông hối thúc giảm chi phí và cải thiện lợi nhuận.
Microsoft mở cửa cho các nhà phát triển ứng dụng Windows 10
Microsoft mới phát hành bộ công cụ cho phép các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng cho hệ điều hành sắp phát hành Windows 10.
Trong khi "Gã khổng lồ" phần mềm có kế hoạch phát hành phiên bản hệ điều hành Windows mới nhất trong mùa Hè tới, các nhà phát triển có thể bắt đầu làm quen với các công cụ lập trình có sẵn mà Microsoft mới cung cấp.
Các ứng dụng Windows 10 sẽ chạy trên một loạt các thiết bị, bao gồm Xbox One, máy tính, điện thoại, và máy tính bảng.
Bộ phát triển ứng dụng có tên Preview SDK ban đầu sẽ cho phép các nhà phát triển tinh chỉnh ứng dụng của họ để làm việc trên các màn hình kích thước khác nhau và tối ưu hóa chúng cho cả hai loại màn hình cảm ứng và sử dụng con chuột/bàn phím.
Đây là một động thái bất ngờ khi nhiều người mong đợi Microsoft sẽ để việc phát hành bộ công cụ lập trình ứng dụng cho Windows 10 đến hội nghị các nhà phát triển Build diễn ra vào tháng Tư để thảo luận về cách phát triển và xây dựng các ứng dụng cho Windows 10.
Microsoft tìm cách mở rộng tầm với vào hệ điều hành Android
Microsoft hôm 23/3 vừa qua đã công bố thiết lập quan hệ đối tác với Samsung và các nhà sản xuất khác để cài đặt các dịch vụ của hãng, bao gồm cả Word và Skype, trên các thiết bị chạy hệ điều hành Android của đối thủ Google.
Động thái này là một phần trong nỗ lực thúc đẩy các ứng dụng, phần mềm của Microsoft, trong bối cảnh các thiết bị phát triển cho hệ điều hành Windows bị tụt hậu trên thị trường, đồng thời cung cấp các dịch vụ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng phần cứng của Apple cùng hệ điều hành Android.
Microsoft cho biết họ đang mở rộng một thỏa thuận với Samsung - vốn đã nhất trí về cài đặt trước các dịch vụ Microsoft trên điện thoại thông minh cao cấp của Samsung - bao gồm một số máy tính bảng.
Thỏa thuận này sẽ cung cấp Microsoft Word, Excel, PowerPoint, OneNote, OneDrive và Skype trên "các máy tính bảng Samsung Android được lựa chọn."
EU muốn phổ cập không gian số cho người dân trên toàn châu lục
Ngày 25/3, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch tham vọng nhằm định hình lại không gian số còn thiếu liên kết tại lục địa này, theo đó sẽ cho phép người dân châu Âu có thể xem phim và truyền hình (sử dụng ứng dụng BBC iPlayer) khi đi lại ở bất kỳ đâu trong khối.
Một trong những đề xuất của kế hoạch nói trên là phổ biến rộng tất cả các dịch vụ trực tuyến, từ âm nhạc, phim ảnh đến truyền hình trên toàn châu Âu.
Dự kiến, Liên minh châu Âu sẽ chính thức công bố kế hoạch liên quan vào ngày 6/5.
Mặc dù Liên minh châu Âu hiện là liên minh kinh tế lớn nhất thế giới với 500 triệu người tiêu dùng, song khối này vẫn có sự khác biệt và bị chia tách về nhiều mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông và Internet.
Gã khổng lồ Google khẳng định không bỏ rơi kính thông minh Glass
Mặc dù đã đình chỉ bán hàng kính thông minh Glass và kết thúc chương trình Explorer cuối tháng Một, Google vẫn đang tích cực phát triển công nghệ kính đeo thông minh của hãng.
Chủ tịch điều hành của Google Eric Schmidt đã khẳng định lại cam kết trên trên tờ Wall Street Journal.
Sau sự thất vọng của người dùng với phiên bản đầu tiên, mục tiêu dài hạn của dự án Glass vẫn không thay đổi: phát triển một thiết bị đeo sẵn sàng cho người tiêu dùng với sức hấp dẫn.
Phiên bản tiếp theo của Glass, mà Google được cho là đang phát triển, sẽ cần phải gọn nhẹ hơn và kín đáo, có thể thông qua một thiết kế cắt bớt mắt kính.
Theo Wall Street Journal, Google cũng được cho là đang tập trung vào việc tạo cho phiên bản tiếp theo một mức giá phải chăng hơn và cải thiện tuổi thọ pin, chất lượng hiển thị hình ảnh và chất lượng âm thanh./.