7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất: Tai nạn cướp đi sinh mạng 195 người

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất, tai nạn và ùn tắc giao thông giảm.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 (từ 14-20/2, tức 29 đến mùng 5 Tết Mậu Tuất), tai nạn và ùn tắc giao thông giảm.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, hành vi vi phạm giao thông vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Do đó, các lực lượng Công an và Thanh tra giao thông cần phải quyết liệt xử lý, không có tâm lý nể nang, xuê xoa vi phạm.

Cả nước có 195 người chết

Theo báo cáo sơ bộ tổng hợp của Văn phòng Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất, toàn quốc xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông làm chết 195 người, bị thương 199 người.

[35 vụ tai nạn giao thông làm 24 người chết trong ngày mùng 4 Tết]

Chỉ tính riêng ngày 20/2 (ngày 5 Tết Mậu Tuất), toàn quốc xảy ra 29 vụ, trong đó có 24 vụ tai nạn, 5vụ va chạm giao thông đường bộ, làm chết 16 người, 34 người bị thương.

Trong 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán Mậu Tuất, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài đã giảm đáng kể so với những năm trước, chỉ xảy ra ùn tắc tại một số trạm thu phí, tuyến đường trục chính tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Lực lượng chức năng đã ứng trực kịp thời xử lý sự cố và đưa giao thông thông suốt trở lại.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận, tình trạng đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến.

“Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với 7 ngày Tết Đinh Dậu 2017, không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, ít xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính,” ông Hùng cho biết.

Thừa nhận tình hình tai nạn giao thông còn diễn biễn phức tạp, tăng cao trong các ngày 30, 1, 2 Tết Nguyên đán vừa qua, theo ông Hùng, tai nạn giao thông tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị (trên các Quốc lộ, đường tỉnh và khu vực nông thôn), chủ yếu liên quan đến môtô, xe máy; tai nạn xảy ra ở các đoạn ngoài đô thị.

Lý giải tai nạn giao thông tăng cao, Ủy ban An toàn giao thông chỉ ra ra nguyên nhân trực tiếp là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn, chủ yếu là lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn, sai phần đường, làn đường, quá tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu; người đi môtô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường;

Ngoài ra, hạn chế về về lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát; hạn chế về năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải công cộng, dịch vụ vận tải hợp đồng; vẫn còn còn tâm lý nể nang trong ngày Tết của lực lượng chức năng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong việc xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện.

Còn “nhồi nhét, hét giá” khách

Về vận tải, còn xảy ra tình trạng chở quá số người quy định (nhồi nhét khách), tăng giá vé ôtô quá mức quy định ở một số nhà xe; hiện tượng đón, trả khách dọc đường, không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến trên hầu hết các tuyến giao thông có mật độ xe chở khách cao, đặc biệt là trên Quốc lộ 1; nhu cầu đi lại bằng xe chở khách hợp đồng tăng cao tại khu vực nông thôn, trong khi chất lượng phương tiện và người lái còn hạn chế.

“Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm để kiếm lời, mặt khác do một bộ phận hành khách có thói quen vẫy xe trên đường, không chịu đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định; đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm,” ông Hùng cho hay.

[Bến xe và các cửa ô dày đặc người lên Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất]

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, số lượt phản ánh đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giảm đáng kể so với tết những năm trước, với tổng số hơn 150 lượt gọi/7 ngày; chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ ngày 13-14/2 (tức ngày 28 và 29 Tết) và ngày 19-20/2 (tức ngày mồng 4 và mồng 5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc).

Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng gia trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông.

Công an và Thanh tra giao thông sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe....

Không có tâm lý nể nang, xuê xoa vi phạm

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các ngày sau Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2018 (hết tháng 3/2018), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

[Xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm an toàn giao thông]

Lực lượng Công an không nể nang, xuê xoa các hành vi có tần suất vi phạm cao và phổ biến như vi phạm quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, Sở Giao thông Vận tải các địa phương tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành.

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tăng cường công tác cấp cứu, điều trị nạn nhân tai nạn giao thông. Báo cáo tình hình tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2018.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng liên ngành tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát nghiêm trên các tuyến kết nối đến địa điểm tổ chức lễ hội và khu vực diễn ra Lễ hội.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và các giải pháp khắc phục tại các địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao; tổ chức kiểm tra phương án bảo đảm an toàn giao thông tại các địa phương có các Lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch và dự lễ hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục