Theo trang HK01 của Hong Kong (Trung Quốc), giới truyền thông Mỹ nhận định ban lãnh đạo Trung Quốc đã xây dựng các chương trình đẩy nhanh phát triển công nghệ tiên tiến như chip, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử trong 5 năm tới, tăng cường đặt cược trong cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ.
Theo một dự thảo đề cương kinh tế được Chính phủ Trung Quốc công bố tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội), giai đoạn 2021-2025, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc sẽ tăng với tốc độ trên 7%/năm, tỷ lệ này cao hơn so với 5 năm trước đây.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sửa đổi các quy định pháp luật và chính sách, hỗ trợ dòng vốn mạo hiểm chảy vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng cường tín dụng ngân hàng và mở rộng ưu đãi thuế để khuyến khích hoạt động R&D.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia kinh tế và phân tích chuyên ngành cho rằng điểm đột phá của “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14” là nhấn mạnh công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo.
[Trung Quốc khẳng định không nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề trọng yếu]
Ngoài ra, quy hoạch còn bao gồm mục tiêu triển vọng của Trung Quốc đối với năm 2035, khi đó Trung Quốc hy vọng “đạt được những đột phá quan trọng về công nghệ then chốt, đi đầu trong số các quốc gia đổi mới sáng tạo.”
Báo này cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực cạnh tranh với Mỹ trên phương diện công nghệ mũi nhọn và phát triển chuỗi cung ứng độc lập để giúp doanh nghiệp thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng Mỹ.
Trước khi Trung Quốc ban hành những chính sách và biện pháp này, Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã gia tăng áp lực tối đa đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc, điển hình là "người khổng lồ" công nghệ viễn thông Huawei, cắt đứt việc cung ứng một số linh kiện then chốt.
Hiện nay, Chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đang tiến hành đánh giá trên diện rộng về chính sách công nghệ của Mỹ đối với Trung Quốc, đồng thời tìm cách hợp tác với các đồng minh để duy trì địa vị dẫn đầu trong bối cảnh Trung Quốc đạt được nhiều tiến bộ. Mỹ đang đối diện với sức ép áp dụng nhiều hành động hơn.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đã yêu cầu các nghị sỹ soạn thảo một dự luật dựa trên đề xuất trước đó để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ.
Đề xuất này chủ trương đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 5 năm để nghiên cứu cơ bản trên các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán hiệu năng cao (HPC) và ngành chế tạo tiên tiến…
Chuyên gia kinh tế Tạ Đống Minh đến từ ngân hàng OCBC ở Singapore nhấn mạnh cả Trung Quốc và Mỹ đều đang tìm cách phát triển những ưu thế công nghệ giống nhau.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản ở cấp trung ương sẽ tăng 10,6% trong năm nay, đồng thời lập quy hoạch hành động 10 năm. Những tiến bộ của nghiên cứu cơ bản có thể dẫn đến những đột phá về tri thức mới, các lĩnh vực nghiên cứu khoa học này được coi là chìa khóa của tiến bộ công nghệ.
Tờ The Wall Street Journal nhấn mạnh đây cũng là một lĩnh vực mà Trung Quốc luôn đi sau Mỹ trong quá khứ.
Kế hoạch 5 năm này đã liệt kê 7 lĩnh vực chiến lược được coi là quan trọng hàng đầu đối với “an ninh quốc gia và phát triển toàn diện,” bao gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, vi mạch, nghiên cứu gen và công nghệ sinh học, khoa học thần kinh và hàng không vũ trụ.
Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ lên kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thí nghiệm quốc gia và tăng cường các dự án học thuật để ươm tạo và hỗ trợ một số công nghệ nói trên.
Vaccine, thăm dò biển sâu và nhận dạng giọng nói cũng được đưa vào mục tiêu phát triển.
Theo Alex Capri, chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Học viện Thương mại, Đại học quốc gia Singapore, dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo và điện toán có thể giúp Trung Quốc thu được lợi ích khổng lồ trong chiến tranh hỗn hợp và thu thập thông tin tình báo.
Các công nghệ mũi nhọn khác có thể giúp Trung Quốc có thể mở rộng năng lực quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phát huy vai trò chủ đạo trong quân sự hóa không gian, thương mại kỹ thuật số và hệ sinh thái xoay quanh đồng tiền kỹ thuật số.
Hiện nay, vai trò của Trung Quốc đã ngày càng lớn.
Theo một báo cáo của Đại học Stanford vừa mới công bố, gần đây Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng trích dẫn của các tạp chí liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu International Business Strategies, tính đến cuối năm 2020 đã có 690.000 trạm phát sóng mạng di động thế hệ mới 5G được đưa vào sử dụng trên toàn Trung Quốc, trong khi ở Mỹ chỉ có 50.000 trạm.
Mục tiêu trong quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc là nâng tỷ lệ người sử dụng 5G lên trên 50%, đồng thời đặt nền tảng cho mạng viễn thông 6G.
Tuy nhiên, kinh phí nghiên cứu cơ bản và R&D của Mỹ vẫn vượt trội Trung Quốc.
Trong quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, dự kiến tỷ trọng kinh phí nghiên cứu cơ bản/kinh phí R&D tăng lên mức trên 8%.
Tờ Nhân dân nhật báo dẫn lời quan chức Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc Diệp Ngọc Giang cho biết chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc năm 2020 là 150 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ USD).
Ngược lại, theo một báo cáo năm 2020 của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF), chi cho nghiên cứu cơ bản của Mỹ năm 2018 là 97 tỷ USD, chiếm khoảng 17% tổng kinh phí R&D của Mỹ./.