65 trường dự Diễn đàn Hiệu trưởng Đại học Việt Nam-Liên bang Nga

Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam-Liên bang Nga được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Lãnh đạo các trường đại học Việt Nam - Liên bang Nga tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Việt Hà/TTXVN)

Diễn đàn Hiệu trưởng Đại học Việt Nam-Liên bang Nga lần thứ Nhất đã được tổ chức chiều 28/5, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

Diễn đàn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Medvedev Alexey Mikhailovich; Đại sứ Liên bang Nga tại Hà Nội Vnukov Konstantin Vasilievich cùng đại diện lãnh đạo 30 cơ sở giáo dục đại học của Liên bang Nga và 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Trường Đại học Văn Lang là hai cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ tổ chức Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Lê Hải An cho biết Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam-Liên bang Nga được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Cùng với 90 văn bản hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học hai nước đã ký kết còn hiệu lực, 16 văn bản được ký mới ngay tại Diễn đàn lần này là minh chứng cho sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học trong việc khai thác tiềm năng và cơ hội hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa hai nước.

Hợp tác về giáo dục là điểm sáng trong mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Số lượng học bổng Liên bang Nga cấp cho công dân Việt Nam tăng dần hàng năm và đã tăng đáng kể từ 795 học bổng năm 2015 lên 965 học bổng vào năm 2019. Đồng thời, phía Việt Nam cũng tiếp tục cử học sinh đi học tại Nga.

Hiện nay, Liên bang Nga là nước được Việt Nam cử số lượng sinh viên và cán bộ sang học tập, nghiên cứu nhiều nhất trong số gần 50 nước tiếp nhận lưu học sinh diện Hiệp định. Hiện nay, có hơn 6.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Liên bang Nga ở mọi bậc học, trong đó khoảng 3.000 lưu học sinh diện tự túc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cũng luôn sẵn sàng tiếp nhận và đào tạo lưu học sinh Liên bang Nga. Đến nay, có hơn 250 sinh viên và giảng viên Nga sang thực tập tiếng Việt tại Việt Nam, khoảng gần 50 sinh viên đại học và sau đại học tại Việt Nam.

Ngoài ra, hai bên có những hoạt động hợp tác khác như tổ chức các kỳ thi Olympic tiếng Nga, Olympic Toán học, Vật lý và Tin học cho học sinh các trường phổ thông; bồi dưỡng giáo viên tiếng Nga cho Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Hải An mong muốn với những ý tưởng, đề xuất và cam kết giữa các cơ sở giáo dục đại học tại Diễn đàn này, hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Về phía Liên bang Nga, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Medvedev Alexey Mikhailovich cũng khẳng định: Liên bang Nga và Việt Nam đã có nền tảng hợp tác khoa học-giáo dục sâu sắc, mạnh mẽ. Diễn đàn lần này được tổ chức nhằm đặt ra những mục tiêu cụ thể để mối quan hệ hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa hai nước phát triển hơn nữa.

Các trường đại học của Liên bang Nga mong muốn đưa thêm nhiều giáo viên, sinh viên sang Việt Nam trao đổi, học tập về văn hóa, khoa học và giáo dục. Đồng thời, hy vọng số lượng và chất lượng học sinh Việt Nam học tập tại Liên bang Nga sẽ được tăng cường trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn, Hiệu trưởng các trường đại học của hai nước tập trung trao đổi, thảo luận về 5 vấn đề, bao gồm: Tăng cường các chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Liên bang Nga và Việt Nam; đẩy mạnh trao đổi sinh viên; tăng cường trao đổi giảng viên; hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế trên cơ sở phát huy hiệu quả của chương trình học bổng Hiệp định giữa hai Chính phủ; cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác đã ký bằng các kế hoạch chi tiết đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả.

Về chương trình, ưu tiên các lĩnh vực mà Nga có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng, công nghệ thông tin, luật, mỏ-địa chất, giao thông, kinh tế-quản lý, nông nghiệp, nghiên cứu về biển, thủy sản, môi trường, giáo dục, y tế.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An phát biểu khai mạc. (Ảnh: Việt Hà/TTXVN)

Bên cạnh đó, hai bên xây dựng thỏa thuận tiến tới công nhận tín chỉ và văn bằng lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc tích lũy tín chỉ và nhận văn bằng trong thời gian học tập tại trường đối tác để tăng chỉ số hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học.

Hai bên xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giảng viên Việt Nam, đặc biệt là cựu học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục đào tạo của Nga trở về nước, hiện đang công tác trong các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam.

Đối với nghiên cứu khoa học, Chính phủ hai nước khuyến khích các trường xây dựng nhóm nghiên cứu xuất sắc theo các lĩnh vực có thế mạnh của mỗi bên với sự tham gia của giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh của các bên.

Các nhóm nghiên cứu này cần chủ động xây dựng dự án, chương trình nghiên cứu chung để khai thác hiệu quả hơn các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất của các bên. Đồng thời, chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm nguồn kinh phí tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, cùng tham gia nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

Dự kiến sau Diễn đàn, một Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam-Liên bang Nga sẽ được thiết lập nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học hai nước; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực, hai bên cùng có lợi. Mỗi bên sẽ có một cơ sở giáo dục đại học làm đầu mối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục