65 sản phẩm dự thi Hackcovy 2020, sáng tạo công nghệ chống đại dịch

Cuộc thi “Hack Cô Vy 2020” là một sân chơi bổ ích, không chỉ dành cho cộng đồng yêu công nghệ mà còn đóng góp những ý tưởng thiết thực, chung tay phòng, chống dịch COVID-19.

Hưởng ứng phong trào sáng tạo công nghệ giải quyết các vấn đề của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP và AngelHack tổ chức cuộc thi trực tuyến hackathon “Hack Cô Vy 2020” từ ngày 24-26/4/2020.

Đây là một sân chơi năng động, sáng tạo và ý nghĩa dành cho những người yêu khởi nghiệp và công nghệ để ứng phó với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra.

Các đội chơi khi giành chiến thắng có cơ hội tham gia chương trình ươm tạo HACKcelerator của AngelHack để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Thử thách đặt ra đối với các đội thi là phát triển một ứng dụng có ảnh hưởng tích cực và lâu dài giúp giải quyết những vấn đề xã hội mà dịch COVID-19 gây ra dựa trên 1 trong 6 vấn đề trọng tâm ứng với 6 trong 15 Mục tiêu Phát triển bền vững của UNDP.

Các chủ đề được chương trình đặt ra bao gồm giáo dục, sức khỏe, khí hậu, thông tin, bệnh nhân và kinh tế/việc làm.

Chỉ trong vòng 48 giờ, cuộc thi đã thu hút hơn 420 đơn đăng ký cùng 65 sản phẩm dự thi được gửi về ban tổ chức. Mỗi đội thi, mỗi sản phẩm đều có những màu sắc riêng và đều thể hiện mong muốn được đóng góp các giải pháp bền vững cho những vấn đề nan giải trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

[Việt Nam không ghi nhận ca mắc bệnh mới hoặc tái nhiễm COVID-19]

Với các tiêu chí dựa trên khả năng ứng dụng, giải pháp sáng tạo, thiết thực, khả năng ảnh hưởng, thiết kế dễ hiểu và đẹp mắt, 8 ý tưởng xuất sắc nhất đã được ban tổ chức lựa chọn để trao giải.

Cuộc thi “Hack Cô Vy 2020” là một sân chơi bổ ích, không chỉ dành cho cộng đồng yêu công nghệ mà còn đóng góp những ý tưởng thiết thực, chung tay phòng, chống dịch COVID-19. Kết thúc chương trình, ban tổ chức đã trao giải các đội thi giành chiến thắng.

Tại hạng mục gieo hạt dành cho các đội xây dựng 100% ý tưởng và sản phẩm trong 48 giờ, giải thưởng gồm 2.000 USD cùng nhiều phần quà từ Nền tảng Amazon Web Services và Chương trình ươm tạo Hackcelerator của AngelHack đã được trao cho 3 đội chơi: đội DHSYN với ứng dụng Quaranhome - giải pháp hệ thống quản trị khu cách ly nhằm hỗ trợ cư dân khu cách ly cập nhật tin tức; đội Ò Óoo với ứng dụng Sechi, hỗ trợ và thúc đẩy hành vi chia sẻ trách nhiệm trong gia đình; Kids Team với ứng dụng Zero Waste giúp giảm thiểu và tái sử dụng lượng thực phẩm bỏ đi.

Trong hạng mục tăng tốc dành cho các đội có sản phẩm khả dụng tối thiểu (Minumum viable product - MVP), phần thưởng trị giá 2.000 USD được trao cho đội AIOZ với dự án BettleBot nhằm hỗ trợ y bác sỹ và bộ phận an ninh theo dõi, quản lý, giao tiếp từ xa và phát hiện những vi phạm về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Đồng thời, Chương trình ươm tạo khởi nghiệp của VinAI cũng dành tặng 3 phần quà với giá trị 1.000 USD cùng những hỗ trợ đi kèm dành cho 3 đội có sản phẩm sử dụng AI xuất sắc nhất, gồm: đội Mắm cùng sản phẩm GudNews (nền tảng website nhằm hạn chế tiêu thụ nguồn tin giả, đăng điểm tin ngắn thu thập tin tức qua các trang báo chính thống được kiểm duyệt...); sản phẩm BettleBot của đội AIOZ và Dự án hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh X-Ray phổi bất thường có khả năng mắc COVID-19 của đội Import Keras.

Gây ấn tượng với ban tổ chức khi chọn vấn đề chia sẻ công việc trong gia đình làm chủ đề dự thi, đội Ò Óoo với sản phẩm Sechi đã giành được cú đúp giải thưởng ở hai hạng mục là “Gieo hạt dành cho các đội thi xây dựng 100% ý tưởng và sản phẩm trong vòng 48 giờ” và “Thử thách VinAI.”

Đội Ò Óoo có 5 thành viên năng động đến từ thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, đảm nhận các phần việc để hỗ trợ thực hiện sản phẩm.

Nói về sản phẩm dự thi, bạn Linh Chu (sinh năm 1995, đội trưởng đội Ò Óoo) chia sẻ: "Vận hành bằng cách thay đổi nhận thức về bình đẳng trách nhiệm trong gia đình, Sechi là ứng dụng nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới bằng cách cho phép ghi nhớ nhanh, chia sẻ công việc với người thân và cùng nhau tạo dựng thói quen tốt. Sản phẩm của nhóm nhấn mạnh vào trải nghiệm “cùng nhau” thực hiện, cùng nhau chia sẻ... trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng."

“Điều đặc biệt của Sechi đó là tính năng 'gửi trân trọng,' nghĩa là không phải 'giao việc' cho nhau, mà là yêu cầu trợ giúp, là tôi trân trọng nỗ lực chia sẻ của bạn bởi tôi tôn trọng bạn và bạn là người quan trọng với tôi," bạn Linh Chu nhấn mạnh.

Với ý tưởng cho ra mắt nền tảng kết nối người dùng có thể quyên góp hoặc bán thực phẩm thừa với những người có nhu cầu, giúp giảm lượng thực phẩm bỏ đi, sản phẩm Zero Waste của đội Kids Teams (ở Thành phố Hồ Chí Minh) chinh phục được ban tổ chức và giành giải tại hạng mục gieo hạt dành cho các đội xây dựng 100% ý tưởng và sản phẩm trong 48 giờ. Hai thành viên của nhóm đều là kỹ sư phần mềm.

Nói về ứng dụng dự thi của nhóm, bạn Lê Văn Ninh cho biết, hiện nay ở Việt Nam, phần lớn các công ty sẽ tập trung vào bán các đồ cũ đã qua sử dụng nhưng hầu như không có sản phẩm nào nhằm giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm.

Đây cũng là lý do để Kids Team hình thành ý tưởng Zero Waste. Khi hình dung về những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, chúng ta nghĩ về khói bụi, tràn dầu, xe hơi, rác thải nhựa... Nhưng một hành động mà mỗi ngày đều gây tổn hại môi trường, ít ai nghĩ đến, đó là lãng phí thực phẩm. Lượng thực phẩm bỏ đi sản sinh ra một lượng lớn khí metan - khí gây nên hiệu ứng nhà kín. ZeroWaste ra đời với mục đích giải quyết tình trạng này.

Với giao diện thân thiện, dễ sử dụng và tính năng gợi ý sản phẩm thông minh, khi mọi người có sản phẩm thừa muốn tặng hoặc bán giảm giá... thì có thể sử dụng ứng dụng ZeroWaste.

Là một cuộc thi công nghệ tại Việt Nam nêu cao tinh thần sáng tạo vì cộng đồng, cuộc thi “Hack Cô Vy 2020” là một hoạt động ý nghĩa và nhân văn của cộng đồng khởi nghiệp công nghệ.

Thông qua cuộc thi, các ý tưởng và mối quan hệ hợp tác mới được hình thành, là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của cộng đồng các nhà sáng kiến công nghệ-xã hội trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục