65 năm thực hiện tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh xuất phát từ quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng," tin tưởng vào sức mạnh to lớn của nhân dân trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước.
65 năm thực hiện tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhân 65 năm Bác Hồ viết bài báo "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật ra ngày 15/10/1949, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết "65 năm thực hiện tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh" của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết.

Tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh là một hệ thống những quan điểm, phương thức dân vận được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm của Người. Nhưng tư tưởng ấy được thể hiện một cách toàn diện và sinh động nhất là bài "Dân vận," đăng trên Báo Sự thật cách đây tròn 65 năm (ra ngày 15/10/1949) tại chiến khu Việt Bắc. Từ đó đến nay, bài báo "Dân vận" của Bác đã trở thành tài liệu rất tiêu biểu, có giá trị to lớn, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trong công tác dân vận của Đảng ta.

Tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh trước hết xuất phát từ quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng," tin tưởng vào sức mạnh to lớn của nhân dân trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc trưng của công tác dân vận là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phương pháp công tác dân vận là tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Quy trình công tác dân vận phải thực hiện các bước khoa học, chặt chẽ: Tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của họ - Dân biết; Trao đổi, bàn bạc - Dân bàn; Động viên và tổ chức toàn dân thi hành - Dân làm; Cùng với dân kiểm thảo, rút kinh nghiệm, khen thưởng, phê bình - Dân kiểm tra. Lực lượng làm công tác dân vận là "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân." Việc bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ làm công tác dân vận được Người đúc kết thành 12 chữ - 6 tiêu chí rõ ràng: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm."

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, Đảng ta quan tâm đến công tác dân vận và sớm thành lập Mặt trận, các đoàn thể để tổ chức lực lượng tham gia các cao trào cách mạng. Lắng nghe ý kiến tâm huyết của nhân dân, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Dựa vào dân, xuất phát từ thực tiễn của nhân dân, ngày 27/3/1990, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khoá VI) đã ban hành Nghị quyết 8B-NQ/TW về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; ngày 25/02/2010, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Quyết định số 290-QĐ/TW về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Những nghị quyết và quyết định trên là dấu mốc quan trọng đối với quá trình đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận ở nước ta.

Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến công tác dân vận, đó là một hệ thống các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp rất hoàn chỉnh và giá trị, đảm bảo cho thắng lợi công tác dân vận của Đảng. Đó là các nghị quyết về đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng đội ngũ doanh nhân; công tác thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh; về giai cấp công nhân; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đội ngũ trí thức. Quốc hội đã xây dựng nhiều luật quan trọng như: Luật Công đoàn, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Người cao tuổi, Luật Thanh niên...

Trải qua 84 năm tiến hành công tác dân vận dưới sự lãnh đạo của Đảng, 65 năm tìm hiểu và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về bài viết "Dân vận," kết quả công tác dân vận của Đảng được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận được đổi mới. Quán triệt các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống nhân dân, phân công đồng chí chủ chốt trong cấp ủy chuyên trách công tác dân vận. Cho đến thời điểm này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ra nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo đến từng giai cấp, giai tầng trong xã hội nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều hướng vào chăm lo đời sống nhân dân, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; mở rộng dân chủ, phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ của nhân dân.

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Từ thực tiễn cuộc sống và sự sáng tạo của nhân dân, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW về "Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội" và "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền." Đây là những quy định rất cụ thể về nội dung, đối tượng, phương thức giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tập hợp, quy tụ các cá nhân tiêu biểu trong dân tộc, tôn giáo, nhân sỹ, trí thức, doanh nhân tham gia đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp... Thực hiện tích cực chức năng giám sát các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, đảng viên, công chức. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân góp phần tích cực vào giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; giám sát đầu tư cộng đồng, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống tham nhũng, lãng phí. Các tổ chức quần chúng ngày càng phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hội theo sở thích, ngành nghề, theo giới, lứa tuổi; từng bước khắc phục "hành chính hóa"...

Thứ ba, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước ngày càng được tăng cường. Nhà nước quan tâm, tập trung xây dựng hệ thống pháp luật, chế độ chính sách về các quyền và nghĩa vụ của công dân. Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận, là văn bản cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, được triển khai tích cực ở các cấp, đạt nhiều kết quả. Cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức hằng năm đã xây dựng chương trình, kế hoạch đi cơ sở, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với dân; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; quan hệ giao tiếp, thái độ ứng xử với nhân dân có chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng hách dịch, cửa quyền gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Công tác dân vận chính quyền đã góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, dân chủ, công khai, minh bạch; hạn chế những sách nhiễu, gây phiền hà cho công dân và tổ chức.

Các bộ, ngành và địa phương đã tiếp nhận, giải quyết tích cực đơn thư thuộc thẩm quyền; chỉ đạo giải quyết các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thông báo kết luận thanh tra để nhân dân giám sát. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, hoạt động đi vào nền nếp, đảm bảo các điều kiện để nhân dân tham gia quyết định, giám sát...

Thứ tư, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không ngừng được đẩy mạnh. Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các phong trào cách mạng của quần chúng, huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực xã hội tham gia, làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình kinh tế-xã hội; dân chủ xã hội được mở rộng và phát huy; công tác quốc phòng-an ninh được tăng cường. Cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo"; huy động các nguồn lực xã hội giúp đỡ, hỗ trợ chương trình xóa đói, giảm nghèo. Đẩy mạnh các phong trào thi đua "Dân vận khéo," "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới;" giúp nhau phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, giải quyết việc làm. Đặc biệt, trong giai đoạn bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhân dân cả nước đã hưởng ứng cuộc vận động: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng... góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kiềm chế lạm phát, nâng cao đời sống dân sinh...

Tuy nhiên, công tác dân vận trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém: Việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận còn chưa kịp thời, kém hiệu quả; chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, thành phần dân cư, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân... Việc thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa kịp thời, nhất là cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ." Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức. Một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết; quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước...

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác dân vận; chưa thấy hết trách nhiệm và chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận chậm được đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn. Tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số cơ sở yếu kém, giảm sút vai trò lãnh đạo, không sát dân, không làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân. Việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, đoàn thể chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Kỷ niệm 84 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, 65 năm Ngày Bác Hồ viết bài "Dân vận," 15 năm "Ngày Dân vận của cả nước," mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng dân vận của Bác và tập trung làm tốt một số nội dung: Tiếp tục quán triệt và triển khai trong các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới;" Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội;" "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền." Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân vận; xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vận động nhân dân kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò quan trọng công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới. Nâng cao trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; phát huy trách nhiệm, năng lực tham mưu về công tác dân vận của đội ngũ cán bộ và Ban dân vận các cấp, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội khi tiến hành công tác dân vận của Đảng.

Củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tiến hành công tác dân vận phải gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sử dụng hiệu quả các kênh thông tin, các lực lượng để tuyên truyền, giáo dục đường lối đối ngoại, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, những vấn đề về quốc phòng-an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới," các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội phát động.

Tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận phù hợp với từng địa bàn, hướng mạnh về cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức, các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Nâng cao chất lượng của các chương trình phối hợp, nghị quyết liên tịch... đã được ký kết. Tham mưu, đề xuất đổi mới cơ chế hoạt động phối hợp giữa chính quyền với các ban, ngành, Mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội các cấp nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp trong công tác dân vận. Đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận trong đồng bào các dân tộc thiểu số, tín đồ, chức sắc các tôn giáo.

Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, hệ thống Ban dân vận các cấp. Thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong các loại hình cơ quan, đơn vị. Lựa chọn đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết và kinh nghiệm bố trí vào cơ quan dân vận các cấp; quan tâm phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, quy hoạch để có đội ngũ cán bộ có trình độ và năng lực làm công tác dân vận.

Tư tưởng dân vận của Bác đã được khẳng định trong thực tiễn suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam: Trong hoạt động cách mạng, làm tốt công tác dân vận sẽ được nhân dân nuôi dưỡng, che chở, giúp đỡ để hoàn thành mọi nhiệm vụ; trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tốt công tác dân vận sẽ phát huy được sáng kiến, kinh nghiệm, nguồn lực và sự ủng hộ của nhân dân để công tác đạt hiệu quả cao; trong xây dựng nông thôn mới, làm tốt công tác dân vận sẽ huy động được nội lực, nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công làm các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng; biết lắng nghe ý kiến nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh... Hiệu quả của việc làm tốt công tác dân vận là nhân dân được hưởng lợi, cán bộ được trưởng thành, tổ chức không ngừng phát triển, mối quan hệ Đảng-Dân ngày càng gắn bó mật thiết, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và phát huy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục