63 tỉnh thành kết nối phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ

Hiện đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ.
63 tỉnh thành kết nối phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ ảnh 1Làm thủ tục hải quan. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết tính đến hết tháng 3/2017, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Hệ thống này sẽ cho phép tự nhận biết trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.

Văn phòng Chính phủ đang triển khai tích hợp thông tin kết quả thực hiện theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lên hệ thống kết nối liên thông cập nhật tình hình theo dõi kết quả một cách tự động, chính xác. Hiện 100% các tỉnh thành phố, 19/30 bộ ngành đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Trong số 20 bộ, ngành được giao thực hiện 83 dịch vụ công trực tuyến, đã có 78 dịch vụ (chiếm 94%) được triển khai, trong đó 64 dịch vụ đạt mức độ 3 và 16 dịch vụ đạt mực độ 4. Ngoài ra, các bộ, ngành đã chủ động cung cấp 34 dịch vụ công trực tuyến.

Có 32/63 địa phương đã triển khai từ 22 đến 44/44 dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 50% trở lên. 27/59 địa phương đã triển khai thực hiện được từ 2 đến 20/44 dịch vụ công trực tuyến, đạt dưới 50%. Cả nước vẫn còn 3 địa phương chưa triển khai. Như vậy, các địa phương thực hiện 1102 dịch vụ công trực tuyến (1037 dịch vụ mức độ 3, 65 dịch vụ mức độ 4) và chủ động triển khai 7.105 dịch vụ (6622 dịch vụ mức độ 3 và 483 dịch vụ mức độ 4).

Cũng theo Văn phòng Chính phủ, hiện đã có 34 trong số 73 nhiệm vụ các bộ, ngành Trung ương được giao tại Nghị quyết 36a cơ bản được hoàn thành, đạt tỷ lệ trên 46%, tăng 5% so với cuối năm 2016.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là các đơn vị đã hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị còn lại đa phần đã hoàn thành một số nghiệm vụ được giao cụ thể trong Nghị quyết 36a, nhưng có 3/23 cơ quan chưa hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ, trong đó, có nhiều nhiệm vụ có thời hạn cụ thể đã qua nhưng một số Bộ vẫn chưa thực hiện xong.

Theo kết quả xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin-truyền thông năm 2016, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam công bố ngày 22/3/2017, nhóm Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, đơn vị dẫn đầu thuộc về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hai đơn vị này cũng dẫn đầu từ các bảng xếp hạng năm 2014 và 2015. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng hạng từ vị trí số 12 (năm 2015) lên hạng 3 năm 2016. Đứng cuối bảng xếp hạng là Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thanh tra Chính phủ. Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt dẫn đầu trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố.

Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tập trung, triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 36a, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ có thời gian cụ thể. Các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 theo Danh mục được Thủ tướng Chính phủ đồng ý ban hành.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung triển khai các giải pháp nâng cao nhóm chỉ số về hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực theo phương pháp đánh giá của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế như UNDP, ITU, UNESCO để nâng cao thứ hạng chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc giai đoạn tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục