Triển khai trồng rừng, phát triển cây cao su, trồng ngô trên đất hai vụ lúa, phát triển du lịch cộng đồng... hàng loạt các dự án của những đội viên thuộc Dự án 600 phó chủ tịch xã đã góp phần làm cho cuộc sống của những người dân nghèo nơi vùng khó bớt chút cơ cực, nhọc nhằn. Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội nghị sơ kết Dự án sáng nay (27/6), tại Hà Nội, các đội viên lại cho rằng: “Qua một năm công tác, những điều mà chúng tôi đóng góp cho xã là vô cùng nhỏ bé, chưa có gì nổi bật, nhưng điều các đội viên Dự án chúng tôi nhận được thì vô cùng to lớn”. Ngày đầu gian khó Nhớ lại những ngày đầu đặt chân về xã Hóa Phúc (Minh Hóa, Quảng Bình), chị Ngô Thị Hương vẫn không khỏi xúc động: “Cầm trên tay quyết định làm phó chủ tịch xã mà... run. Khó khăn chồng chất khó khăn.” Chị phải làm quen với môi trường mới lạ trong khi bản thân không có kinh nghiệm thực tiễn, phải học ăn, học nói, học gói, học mở để có thể sống được, làm việc được với bà con. Địa hình các huyện vùng khó đều phức tạp đến mức các đội viên không hình dung trước được. Ở Minh Hóa, người dân phải đối mặt với những cơn khát nước kéo dài khi mùa khô hạn đến, rồi lại bàng hoàng tiếp nhận những cơn lũ dữ đội. Bên cạnh đó là sự khác biệt về phong tục tập quán, bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về điều kiện sống mà các đội viên chưa thể thích nghi trong một sớm một chiều. Đây cũng là chia sẻ của chị Vũ Thị Chiến, Phó chủ tịch xã Giao Thiện (Lang Chánh, Thanh Hóa). Giao Thiện là một trong những xã nghèo nằm ở phía Tây Nam của huyện Lang Chánh với 96% đồng bào là người dân tộc thiểu số. Chiến bảo, chị đã về Giao Thiện với một nỗi băn khoăn trải dài cùng những lo âu, trăn trở: Liệu mình sẽ bắt đầu như thế nào? Sẽ sống ra sao giữa vùng đất xa lạ, không người thân, không bạn bè? Chị cũng không đếm nổi biết bao đêm nằm ôm gối khóc một mình ở ủy ban vắng người vì sợ. Nhưng thực tế địa phương không cho Chiến nhiều thời gian để lo âu. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ được nửa tháng thì toàn huyện Lang Chánh chìm trong trận lụt lịch sử. Cả xã Giao Thiện gồm 9 thôn, bản bị chia cắt nhau hoàn toàn, mất điện, mất phương tiện liên lạc, nước lũ lại dâng quá nhanh khiến cô Trưởng ban phòng chống lũ lụt xã Vũ Thị Chiến vô cùng hoang mang. “May nhờ có sự nhắc nhở, đôn đốc thường xuyên của đồng chí Chủ tịch xã, tôi đã bình tĩnh và kịp thời xử lý các tình huống,” chị Chiến chia sẻ.
Các trí thức trẻ dự Hội nghị sơ kết Dự án, cùng nhau nhìn lại chặng đường một năm làm phó chủ tịch xã.
(Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
(Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Khó khăn là thế nhưng Chiến bảo, có một thử thách còn lớn hơn nữa, đó là sự thiếu tin tưởng của người dân. Lăn lộn ngoài đồng ruộng cùng anh em khuyến nông, vận động bà con trồng ngô nhưng Chiến chỉ nhận được sự hoài nghi, sự vào cuộc thờ ơ, gượng ép của nhiều gia đình. Chiến đã phải nhờ đến sự giúp sức của các ban ngành đoàn thể, tất cả cùng ra quân trồng ngô để tạo thành một không khí sôi nổi trên đồng ruộng. Đất lạ hóa quê hương Chị chiến cười tươi nói: “Sau vụ đông trồng ngô năm 2012, tôi được mọi người gọi bằng cái tên thân mật, gần gũi hơn là ‘cô Chiến ngô đông’. Chỉ ngần thôi cũng đủ để cô phó chủ tịch xã trẻ thấy ấm lòng. “Giờ đây, Giao Thiện là nhà, là quê hương thứ hai của tôi. Mỗi bản làng, mỗi người dân, mỗi cánh đồng đã trở nên gần gũi, thân quen như gia đình tôi vậy. Tiếng nói của mỗi người dân nơi quê mới với những điệu khắp Thái, điệu xường Mường đã thân thuộc và ngấm sâu vào suy nghĩ, gắn liền với của cuộc sống hàng ngày của tôi,” chị xúc động nói. Còn với anh Đặng Phúc Long, Phó chủ tịch xã Phình Hồ (Trạm Tấu, Yên Bái), công việc mới, vùng đất mới đã giúp anh trưởng thành hơn rất nhiều dù chỉ sau một năm. “Cái được nhiều nhất ở dây có lẽ là chúng tôi đã được trải nghiệm, được rèn luyện chín chắn và trưởng thành hơn, điều mà lớp trẻ chúng tôi rất thiếu, và đó là điều vô cùng quý với chúng tôi,” anh Long chia sẻ. “Khi về địa phương, có nhiều người hoài nghi về khả năng của chúng tôi. Nhưng sau một năm, chúng tôi có thể khẳng định mình đủ khả năng và năng lực để đảm nhận chức trách của một phó chủ tịch xã,” anh Long tự hào nói. Cùng tâm sự ấy, chị Nguyễn Thị Huyền, Phó chủ tịch xã Xuân Cẩm (Thường Xuân, Thanh Hóa) bảo, sau gần một năm giữ chức vụ phó chủ tịch xã, với nhiều kỷ niệm vui buồn, nhiều trải nghiệm trên hành trình đem sức trẻ và bầu nhiệt huyết về với bản làng, chị luôn tự hào về con đường mình lựa chọn và không ngừng phấn đấu để hoàn thành tốt nghiệm vụ. “Không chỉ với cá nhân tôi mà với cả các đội viên khác, được cống hiến sức trẻ, tri thức để giúp xã nghèo vượt khó không chỉ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bà con nhân dân mà còn mang lại ý nghĩa lớn lao cho tuổi trẻ chúng tôi. Đó là con đường đẹp nhất mà tôi đã chọn,” chị Huyền xúc động nói./.
Phạm Mai (Vietnam+)