Với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt” trong bất cứ tình huống nào dù chống càn hay trên đường di chuyển căn cứ phải mang vác nặng nề, cán bộ Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt liên tục.
Những kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng có nhiều đóng góp quan trọng, hợp thành Đội quân Thông tấn nhưng họ luôn thầm lặng sau những dòng tin từ chiến trường.
Cách đây đúng 60 năm, ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng đã chính thức ra đời sau bản tin đầu tiên được phát đi.
Từ đó, chính thức thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, duy trì mạch thông tin thông suốt từ chiến trường miền Nam đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.
[Ký ức về một lớp người cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn]
Với điện báo viên Đoàn Văn Thiều, một trong những người chứng kiến thời khắc đặc biệt này, những ký ức về buổi phát tin đầu tiên vẫn còn như mới hôm qua.
Tiếng nói của những người yêu nước miền Nam Việt Nam
Sau một thời gian ngắn chuẩn bị về lực lượng và phương tiện, đúng 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), qua chiếc máy phát sóng 15W, Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên của mình.
Bản tin tiếng Việt có tiêu đề là "Giải phóng xã," phát đối ngoại với hô hiệu tiếng Anh là LPA phát trên sóng điện 31m.
Dưới tiêu đề có ghi “Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam.”
Lúc này, Thông tấn xã Giải phóng chỉ là đơn vị kỹ thuật truyền tin có khoảng 10 người gồm những cán bộ và thanh niên yêu nước đến từ các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Trong số đó, điện báo viên Đoàn Văn Thiều, nguyên Phó Văn phòng Thông tấn xã Giải phóng, là một trong những người thuộc lớp điện báo viên đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng cùng các nhà báo Phùng Văn Dựng (Hai Dựng), Đặng Văn Song, Võ Văn Khuê, Trương Văn Phia, Trần Văn Ấn...
Trong lời ra mắt, Thông tấn xã Giải phóng trịnh trọng thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới: “Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.”
Hai tháng sau đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.
Thông tấn xã Giải phóng đã nhanh chóng chuyển toàn bộ văn kiện của Mặt trận ra Việt Nam thông tấn xã, từ đó phát ra thế giới để thông báo về một tổ chức chính trị có quyền trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam để cổ vũ, tập hợp mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân miền Nam yêu nước chống Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Gần 60 năm đã qua nhưng với điện báo viên Đoàn Văn Thiều, nguyên Phó Văn phòng Thông Tấn xã Giải phóng, buổi chiều ngày 12/10/1960, buổi phát bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng tại căn cứ Chàng Riệc vẫn như mới vừa hôm qua.
Ông Thiều nhớ lại lúc đó, đơn vị mới thành lập, cơ sở vật chất chưa có gì. Những người có mặt tại buổi phát tin đầu tiên đó chỉ có anh Ba Đỗ (Đỗ Văn Ba), anh Dựng (Phùng Văn Dựng), anh Song (Đặng Văn Song), anh Khuê (Võ Văn Khuê), anh Phia (Trương Văn Phia).
Bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng được những điện báo viên phát bằng một chiếc máy phát Trung Quốc.
Bàn ghế cũng chưa có nên mọi người đều ngồi trên một chiếc tăng vải. Lúc đó, ngoài anh Ba Đỗ thì những người còn lại đều chỉ là người mới, chưa biết gì về kỹ thuật điện báo.
“Hôm đó, anh Song thì quay magoro, anh Ba Đỗ phát tin còn chúng tôi vừa tò mò vừa hồi hộp ngồi quanh, cũng không biết rõ bản tin có nội dung gì vì anh Ba Đỗ cầm giấy phát tin. Chỉ biết đó là bản tin đầu tiên, phát lên để chứng tỏ sự có mặt của ta (Thông tấn xã Giải phóng - PV) và chỉ ngay ngày hôm sau đài BBC đưa tin về sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng. Cũng từ sau hôm đó, các bản tin của ta được liên tục được truyền đi,” ông Đoàn Văn Thiều, nhân chứng cuối cùng của buổi chiều phát tin lịch sử ấy tự hào kể lại.
Buổi phát tin đầu tiên chỉ mười mấy phút vào buổi chiều 12/10/1960 năm ấy đã trở thành dấu mốc đánh dấu sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng, trở thành dấu ấn đầy tự hào của các thế hệ cán bộ Thông tấn xã Giải phóng.
Bám "chặt" theo... cứ
Trong giai đoạn 1960-1972, Thông tấn xã Giải phóng liên tục thay đổi căn cứ từ chiến khu Tây Ninh, sang Mã Đà (chiến khu Đ, Đồng Nai), có lúc ở giáp biên giới Campuchia hoặc tạm lánh sang đất bạn Campuchia, rồi trở về chiến khu Lò Gò (Tây Ninh) khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Đông Dương.
Sau Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam (10/10/1961), tại căn cứ Mã Đà, Ban Tuyên giáo Xứ ủy được đổi thành Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và cũng từ đó Trung ương Cục có mật danh “R.”
Từ giữa tháng 12/1961 đến tháng 1/1962, các cơ quan R được lệnh quay trở về vùng Bắc Tây Ninh. Riêng Ban Tuyên huấn R và Ban An ninh R được bố trí đóng tại vùng phía Tây quốc lộ 22, tại vùng Suối Cây, bên cạnh trảng Tà Nốt, cách biên giới Campuchia khoảng 3km theo đường chim bay.
Năm 1962, Thông tấn xã Giải phóng đóng quân tại bìa trảng Cố Vấn, gần biên giới Campuchia.
Tại trảng này thời chống Pháp, đoàn cố vấn quân sự của ta giúp quân kháng chiến Campuchia (Issarak) đóng quân ở đây nên có tên là trảng Cố Vấn.
Trong năm 1965, Thông tấn xã Giải phóng rời căn cứ Suối Cây và tạm trú tại căn cứ Cây- Dầu-Trời-Đánh, sát bờ sông Vàm Cỏ Đông.
“Trong quá trình di chuyển dài ngày, trên đường hành quân, khi đến giờ phát tin, các kỹ thuật viên dừng lại đặt máy thu phát, phát xong bản tin ra tổng xã tại Hà Nội là lại thu dọn để tiếp tục hành quân. Hay khi địch càn vào căn cứ, cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng cầm súng chiến đấu để bảo vệ căn cứ, phương tiện làm việc, đồng thời bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt với tổng xã Hà Nội và các địa phương,” nguyên điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng Đoàn Văn Thiều chia sẻ.
Cùng trải qua giai đoạn này, nhà báo Thanh Bền, nguyên phóng viên Thống tấn xã Giải phóng, nhìn nhận cực nhất là phải dời căn cứ khiến mọi công việc, mọi sinh hoạt đều bị xáo trộn.
Tuy nhiên, có một việc không được xáo trộn là phát tin phải giữ vững mệnh lệnh “Dòng điện không bao giờ tắt” của Thông tấn xã Giải phóng.
“Suốt thời gian trong chiến khu, tôi đã có tám lần dời cứ, vất vả nhất là anh em điện báo viên và kỹ thuật viên sửa chữa máy móc luôn phải khiêng vác máy nổ nặng hàng tấn, cộng thêm lỉnh kỉnh dụng cụ đồ nghề nhưng lại vận chuyển bằng cách cõng trên đôi vai, băng rừng, lội suối bất kể ngày lẫn đêm, khi mưa bão,”nhà báo Thanh Bền bồi hồi nhớ lại.
Êkíp không thể thiếu nhau
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, ngoài Tổng xã đặt tại Căn cứ Trung ương cục miền Nam ở Tây Ninh (gọi là R), Thông tấn xã Giải phóng còn xây dựng các phân xã (thường gọi các T) ở khắp miền Nam, trong đó lực lượng đông và hoạt động mạnh nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ, khu Sài Gòn-Gia Định, Tây Nam Bộ, Trung Trung Bộ...
Hệ thống phân xã này chịu sự quản lý trực tiếp về nhân sự, sinh hoạt đảng-đoàn của Ban Tuyên huấn các khu, tỉnh-thành từ Cà Mau đến Quảng Trị.
Các phân xã được bố trí từ 1-2 báo vụ viên là lực lượng trực tiếp truyền tin, ảnh từ cơ sở, nhất là thông tin nóng từ các chiến trường miền Nam và tin nóng từ trung tâm đô thị Sài Gòn để phát trên các bản tin hàng ngày của Thông tấn xã Giải phóng, cung cấp trực tiếp cho Việt Nam thông tấn xã ở Hà Nội và Đài phát thanh Giải phóng...
Ở cả Nam Bộ và Trung Bộ, Thông tấn xã Giải phóng còn có hệ thống các đài Minh ngữ phát hàng ngày nhiều thông tin phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và lãnh đạo.
Đài Minh ngữ Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ ra đời cuối năm 1960. Ngoài đáp ứng yêu cầu truyền tải tin tức phục vụ lãnh đạo cách mạng ở các tỉnh Liên khu V, Đài thường xuyên làm nhiệm vụ truyền về Việt Nam thông tấn xã tin, bài tình hình chiến trường ở Khu V.
Riêng ở cứ đã có tới 3 hệ thống đài thu phát, nằm cách nhau khoảng 500m. Một đài thu tin từ Hà Nội phát vào, một đài phát tin ra và một đài liên lạc với các địa phương có quân số đông hơn.
Theo ông Đoàn Văn Thiều, công việc của người điện báo viên cơ quan báo chí giai đoạn đó rất nguy hiểm vì gắn với tín hiệu, máy móc thu phát thông tin nên việc đảm bảo giữ bí mật, an toàn rất được ưu tiên.
“Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cán bộ trong đơn vị và ở từng vị trí như người làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, quan sát từ trên cao, người khẩn trương quay máy phát điện, người thu-phát thông tin sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ,” ông Đoàn Văn Thiều chia sẻ.
“Các tổ, êkíp này luôn đi chung và không thể thiếu nhau trong suốt quá trình hoạt động viết và truyền tin về chiến khu R, nhất là phóng viên tin và điện báo viên. Riêng phóng viên ảnh có thể tác nghiệp độc lập, rồi xuống hầm tráng phim và gửi về chiến khu R bằng đường giao liên,” nhà báo Hà Huy Hiệp - nguyên điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng cho biết.
Trong điều kiện khó khăn về trang thiết bị, “thiếu trước hụt sau,” cũng như liên tục phải di chuyển căn cứ những kỹ thuật viện, điện báo viên đã luôn cố gắng, tìm kiếm những giải pháp tối ưu để thực hiện việc thu phát tin một cách tốt nhất, không bị “đứt sóng” với căn cứ, Tổng xã ở Hà Nội./.