60 năm bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc của Phòng không-Không quân

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Phòng không-Không quân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc vùng trời.
Tên lửa C-75M3 tham gia diễn tập bắn đạn thật năm 2022. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Cách đây tròn 60 năm, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, để đáp ứng yêu cầu chiến đấu hiệp đồng chỉ huy thống nhất, ngày 22/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng Phòng không-Không quân, trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Phòng không-Không quân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, cùng quân và dân cả nước đánh bại các cuộc tấn công xâm lược, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.

“Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng”

Bộ đội Phòng không-Không quân là thành phần chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, là lực lượng nòng cốt trong tác chiến đất đối không, tác chiến trên không; thường xuyên sẵn sàng chiến đấu chống tiến công đường không của địch, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng Trời Quốc gia.

Ngược dòng lịch sử, ngày 22/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QÐ thành lập Quân chủng Phòng không-Không quân, trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.

Đại tá Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không được bổ nhiệm làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Tính, nguyên Cục trưởng Cục Không quân được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân. Quân chủng Phòng không-Không quân ra đời đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Chỉ chưa đến một năm sau ngày thành lập, cùng với các lực lượng vũ trang, Quân chủng Phòng không-Không quân đã bước vào chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ.

Lực lượng không quân tiêm kích non trẻ Việt Nam đã thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mở mặt trận trên không thắng lợi,” ra quân đánh thắng trận đầu bắn rơi 4 máy bay Mỹ trong 2 ngày 3 và 4/4/1965.

[Quân chủng Phòng không-Không quân cần dựa vào dân, lấy dân là gốc]

Chiến thắng trận đầu của các lực lượng Phòng không-Không quân trên bầu trời miền Bắc có ý nghĩa to lớn cả về quân sự và chính trị; khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội ta, của lực lượng và thế trận phòng không nhân dân trên miền Bắc. Ngày 3/4 trở thành ngày truyền thống của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Ngày 7/1/1965, Trung đoàn Tên lửa 236 Phòng không đầu tiên được thành lập và ngày 24/7/1965 đã ra quân đánh thắng trận đầu tiêu diệt gọn một tốp máy bay Mỹ. Ngày 24/7, trở thành ngày truyền thống của Binh chủng tên lửa. Cũng từ đây, Quân chủng Phòng không-Không quân đã có đủ bốn binh chủng: cao xạ, radar, không quân và tên lửa. (Trước đó, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Trung đoàn pháo Cao xạ chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã được thành lập ngày 01/4/1953; Tiểu đoàn 4, tiền thân của bộ đội radar, được thành lập ngày 15/6/1956).

Phát huy chiến công của những trận đầu ra quân, Quân chủng Phòng không-Không quân cùng các lực lượng phòng không ba thứ quân càng đánh, càng mạnh và nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt; nghệ thuật tác chiến của Quân chủng đã từng bước phát triển từ đánh độc lập, nhỏ lẻ, phát triển lên đánh hiệp đồng tập trung.

Không chỉ chiến đấu bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc, bảo vệ thông suốt tuyến đường vận chuyển chiến lược, bộ đội Phòng không-Không quân còn tham gia nhiều chiến dịch lớn và đều lập công xuất sắc như Chiến dịch Khe Sanh (năm 1968), Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971), Chiến dịch giải phóng Quảng Trị (năm 1972) và suốt tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Có thể nói, từ Bắc đến Nam, các mục tiêu trọng điểm, các mục tiêu địch đánh phá bằng không quân ác liệt nhất đều gắn bó với những đơn vị và những chiến công oanh liệt của bộ đội Phòng không-Không quân.

Sau thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường, để cứu vãn nguy cơ bị thất bại hoàn toàn chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh," đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô và tính chất ngày càng ác liệt.

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, thông minh, sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng, vượt lên khó khăn, Bộ đội Phòng không-Không quân đã cùng quân và dân miền Bắc lập nhiều chiến công hiển hách, đỉnh cao là đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác trong 12 ngày đêm từ 18 đến 29/12/1972.

Pháo Phòng không Zsu-23 diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngay từ những giây phút đầu của chiến dịch, Bộ đội Phòng không-Không quân đã kịp thời phát hiện mục tiêu và giáng trả những đòn đích đáng, cùng quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay Mỹ; trong đó có 34 chiếc B52, 5 F111, diệt và bắt sống nhiều phi công, làm nên chiến thắng lịch sử "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không," đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các đơn vị cao xạ, tên lửa, radar, không quân đã tổ chức hành quân thần tốc cùng các binh đoàn bộ binh tiến vào giải phóng miền Nam; các đơn vị không quân ngoài việc sẵn sàng chiến đấu ở miền Bắc, đã sử dụng tất cả máy bay hiện có lập "cầu hàng không" phục vụ công tác chỉ huy, tiếp tế, vận tải, cơ động lực lượng, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công trên các chiến trường, các đơn vị phòng không bám sát bộ binh, hiệp đồng chặt chẽ cùng pháo binh, xe tăng bắn máy bay, tiêu diệt sinh lực địch, chi viện đắc lực cho các mũi tiến vào Sài Gòn.

Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Quân chủng Phòng không-Không quân đã bắn rơi 2.635 máy bay Mỹ, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ trong đó có 64 chiếc B.52, 13 chiếc F.111, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.

Từ Bắc đến Nam, trên các mục tiêu trọng điểm, các địa danh đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nhất bằng không quân và hải quân như Hàm Rồng, Truông Bồn, Linh Cảm, Đồng Lộc, Xuân Sơn, Khe Tang, Khe Ve, Tà Lê, Phu La Nhích; các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vinh, Thái Nguyên, Việt Trì và nhiều địa danh trên chiến trường Đông Dương như Cánh Đồng Chum, Pa Thí... đều ghi dấu chân người chiến sỹ Phòng không-Không quân cùng những chiến công lẫy lừng.

Ở từng chiến dịch và trong mỗi trận đánh, Bộ đội Phòng không-Không quân đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tìm ra nhiều cách đánh hay, độc đáo, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành nhanh chóng.

Qua chiến đấu, Bộ đội Phòng không-Không quân đã được tôi luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần can trường, gan góc và tài trí thông minh, sáng tạo, được đúc kết thành phương châm sống và chiến đấu của Bộ đội Phòng không-Không quân như “Vạch nhiễu tìm thù,” “Nhằm thẳng quân thù mà bắn,” “Thà hi sinh chứ nhất định không chịu rời trận địa,” “Đã xuất kích là mang chiến thắng trở về,” “Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng”… Với một tinh thần “Tất cả tình yêu dành cho bầu trời, nghĩa vụ dành cho đất nước” để xây dựng sức mạnh và niềm tin chiến thắng kẻ thù.

Xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Phòng không-Không quân Việt Nam luôn giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ;” sẵn sàng hy sinh quên mình, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cống hiến tài năng, trí tuệ vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc, xây dựng nên truyền thống: “Trung thành vô hạn-Tiến công kiên quyết-Đoàn kết hiệp đồng-Lập công tập thể.”

Tên lửa Spyder tiêu diệt mục tiêu ngay từ quả đạn đầu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.”

Theo đó, Quân chủng triển khai toàn diện các giải pháp, tập trung vào các yếu tố: con người, tổ chức biên chế và vũ khí, trang bị; nhằm tạo chuyển biến mới về chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân chủng.

Để thực hiện tốt các nội dung yêu cầu này, Quân chủng Phòng không-Không quân sẽ tiếp tục tập trung tăng cường giáo dục chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho cán bộ, chiến sỹ luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị vững vàng, quán triệt và chấp hành nghiêm túc cương lĩnh, đường lối của Đảng; xây dựng ý chí quyết tâm cao, tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, xây dựng, kiện toàn tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, không ngừng nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của Quân chủng. Đây là vấn đề cốt lõi, mang tính xuyên suốt quá trình xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Trong đó, ưu tiên bảo đảm quân số, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ đặc biệt và đơn vị tiến thẳng lên hiện đại.

Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, lấy huấn luyện thực hành là chính, nhất là thực hành bay, bảo đảm an toàn bay. Trong đó, đặc biệt chú trọng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật có trong biên chế, vũ khí, trang bị hiện đại, mới được biên chế, bảo đảm sát thực tế chiến đấu và đối tượng tác chiến.

Cùng với đó là thực hiện tốt công tác kỹ thuật, hậu cần cho các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Quân chủng Phòng không-Không quân đang trong quá trình hiện đại hóa, được trang bị ngày càng nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đặt ra yêu cầu cao, thách thức lớn đối với công tác kỹ thuật, hậu cần. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ vào việc quản lý, khai thác cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; có kế hoạch đầu tư chế tạo, sản xuất và mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tiếp tục nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, nghệ thuật tác chiến Phòng không-Không quân, góp phần phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, làm cơ sở xây dựng lực lượng Phòng không-Không quân hiện đại.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục