6 thay đổi về chính sách trợ cấp cho người có công đang gây tranh cãi

Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) sẽ có những thay đổi về mở rộng đối tượng nhưng cũng sẽ quy định chặt hơn quy trình xét hưởng chế độ.
(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)
(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) trình Chính phủ nhằm hoàn thiện, bổ sung các quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có công.

Hiện nay, trong dự thảo đang có 6 nội dung thay đổi gây tranh cãi.

Bổ sung chính sách chất độc da cam cho thế hệ thứ 3

Dự thảo Pháp lệnh đang đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi đối với đối tượng thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên tiếp tục thực hiện theo chế độ bảo trợ xã hội, chưa cần bổ sung chính sách mới.

Theo cơ quan chuyên môn về khám chữa bệnh thì hiện nay chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn đầy đủ để xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Thực tế khám chữa bệnh thì nguyên nhân gây ra dị dạng, dị tật không phải chỉ do chất độc hóa học mà còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với thế hệ thứ 3. 

Theo Cục Người có công, số lượng các cháu bị dị dạng, dị tật tuy không nhiều song căn cứ xác định không rõ ràng, qua tham khảo chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng nhất là những người dân sinh sống tại địa bàn bị nhiễm chất độc hóa học. Mặt khác, các cháu cũng đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội nên việc bổ sung chính sách người có công với các cháu đang phải lấy ý kiến thêm.

6 thay đổi về chính sách trợ cấp cho người có công đang gây tranh cãi ảnh 1Dự thảo đề xuất bổ sung thêm chính sách chất độc da cam/dioxin cho thế hệ thứ 3. (Ảnh minh hoạ: Lâm Khánh/TTXVN)

Sửa đổi về điều kiện công nhận liệt sỹ

Quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có hai luồng ý kiến về việc công nhận liệt sỹ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát: Thương binh từ 81% trở lên chết vì vết thương tái phát và thương binh từ 61% chết vì vết thương tái phát.

Hiện nay, số thương binh có tỷ lệ thương tật dưới 81% khi chết được xác nhận là liệt sỹ đang không nhận được sự đồng tình của thương binh nặng và địa phương. Do đó, dự thảo đang có hai phương án: Xác nhận liệt sỹ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên hoặc quy định như hiện hành (tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên).

Cả hai phương án đều quy định điều kiện bắt buộc phải có bênh án điều trị thường xuyên vết thương tái phát và xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên.

Thêm đối tượng chưa được tặng huân huy chương

Dự thảo đang đề xuất bổ sung đối tượng người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian được tặng huân chương, huy chương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không bổ sung đối tượng này vào Pháp lệnh vì những người hoạt động kháng chiến chưa đủ thời gian tặng huân chương, huy chương mà được tặng Bằng khen đã được hưởng các chế độ ưu đãi trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng.

Nếu bổ sung đối tượng này vào dự thảo Pháp lệnh thì sẽ phải thực hiện bổ sung các chế độ chính sách trong khi đã hưởng chế độ trợ cấp một lần. Ngoài ra, số lượng đối tượng này tương đối lớn (khoảng 1,7 triệu người).

[Đề xuất chi thêm 116 tỷ đồng để tăng trợ cấp một lần cho người có công]

Đặc biệt, việc bổ sung vào Pháp lệnh dẫn đến có thể phải xem xét một số đối tượng tương tự như: Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế… Do đó, việc bổ sung đối tượng đang lấy thêm ý kiến.

Mở rộng đối tượng bị địch bắt tù đày

Pháp lệnh hiện hành chỉ quy định xem xét xác nhận đối với người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; chưa có quy định đối với người dân giúp đỡ cách mạng bị địch bắt tù, đày; người bị địch bắt tù, đày do tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975 (chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc). Hiện nay, phần đông ý kiến rất đồng cảm với các đề nghị mở rộng đối tượng trên vào Pháp lệnh nhưng còn băn khoăn vì tính khả thi.

Thực tế, phạm vi đối tượng này rất rộng, hầu hết không có hồ sơ giấy tờ chứng minh ở tàng thư hoặc thiếu người làm chứng và dễ nảy sinh hệ lụy trục lợi chính sách. Mặt khác, hầu hết các đối tượng này (số đã được tặng Huân, Huy chương) đã được hưởng chế độ người có công giúp đỡ cách mạng (trợ cấp một lần). Do đó, còn có nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung diện đối tượng này vào Pháp lệnh.

Rút trợ cấp hàng tháng

Pháp lệnh hiện hành đang quy định người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng theo các mức từ 21-40%, từ 41-60%, từ 61-80% và từ 81% trở lên.

Trong quá trình soạn thảo, rất nhiều địa phương đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ nhóm có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21-40% và chuyển sang thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng. Nguyên nhân là qua thanh tra, kiểm tra cho thấy việc lạm dụng chính sách, khó kiểm soát thời gian vừa qua chủ yếu ở nhóm đối tượng này, gây nên bức xúc trong dư luận.

Theo báo cáo của các địa phương, đa số các đối tượng này mắc các bệnh như: thần kinh ngoại biên cấp và bán cấp tính, tiểu đường, rối loạn tâm thần mức độ vừa... Những đối tượng này vẫn lao động, sinh hoạt bình thường và nếu được điều trị, phục hồi chức năng tốt thì bệnh sẽ giảm. Mặt khác, người bình thường không bị phơi nhiễm với chất độc hóa học cũng thường mắc các bệnh nói trên nên dễ bị lạm dụng chính sách.

Không công nhân bệnh binh mới

Pháp lệnh hiện hành quy định: "Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi xuất ngũ" và "là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1994."

Dự thảo đang xem xét bỏ chế độ bệnh binh trong thời bình. Đối với các trường hợp là bệnh binh đang hưởng theo Pháp lệnh hiện hành thì tiếp tục được hưởng theo quy định. Tuy nhiên, dự thảo quy định sẽ không tiếp tục công nhận bệnh binh mới là đối tượng người có công. Bệnh binh mới từ khi Pháp lệnh sửa đổi có hiệu lực sẽ hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục