6 nhiệm vụ trong công tác dân vận các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc

Ban Dân vận Trung ương yêu cầu khu vực các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc trong 6 tháng cuối năm 2018 cần tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.
6 nhiệm vụ trong công tác dân vận các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Chiều 25/6, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị nghị giao ban công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 khu vực các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc diễn ra tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).

Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện các Ban Dân vận Tỉnh ủy 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đã biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực của hệ thống dân vận các cấp trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng để nắm bắt tình hình, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh, góp phần tạo sự ổn định về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, ban dân vận các cấp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, có nhiều giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban dân vận các cấp cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, tham mưu cho cấp ủy giải quyết tốt những vụ việc phức tạp, phát sinh trên địa bàn, tăng cường vai trò giám sát phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là chỉ số hài lòng của người dân.

Hệ thống dân vận và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội các cấp cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để dân yêu, dân quý, dân tin; đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội...

Sau khi thảo luận, đánh giá tình hình hoạt động công tác dân vận ở một số địa phương, Ban Dân vận Trung ương yêu cầu khu vực các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc trong 6 tháng cuối năm 2018 cần tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, các đơn vị chức năng cần tiếp tục tham mưu, hướng dẫn công tác dân vận trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 (khóa XII) trong hệ thống dân vận; theo dõi nắm tình hình triển khai các quyết định, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Ban bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng; tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận trong cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, triển khai có hiệu quả "Năm dân vận chính quyền 2018"; nghiên cứu, tham mưu công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có tôn giáo; triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo." 

Theo đánh giá của Ban Dân vận Trung ương, 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội các tỉnh trung du miền núi phía Bắc tiếp tục tăng trưởng ổn định và toàn diện.

Các tầng lớp nhân dân tích cực lao động, sản xuất, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận.

Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục lãnh đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận với những hành động, việc làm thiết thực, hướng về cơ sở; tập trung triển khai “Năm dân vận chính quyền” 2018; tập trung lãnh đạo đại hội Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội…

Tuy nhiên, nhân dân trong khu vực còn lo lắng, bức xúc, bất an về một số vấn đề như: hiệu quả một số chính sách dân tộc, chính sách giảm nghèo chưa cao; tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm càng tinh vi; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, bạo lực gia đình, bạo lực học đường… còn phổ biến; các vụ phạm pháp hình sự, buôn bán ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, tín dụng đen vẫn diễn ra ở nhiều nơi...

Riêng công tác dân vận vẫn bộc lộ một số hạn chế như việc triển khai "Năm dân vận chính quyền" 2018 ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn chậm; một số ban dân vận và khối dân vận ít xuống cơ sở hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận; công tác nắm bắt và dự báo tình hình của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp có lúc còn chưa kịp thời, chưa đổi mới nội dung và phương thức hoạt động chưa thực sự rõ nét.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục