6 giải pháp cấp bách nâng chất lượng môi trường, đẩy lùi ô nhiễm

Vì sự phát triển bền vững đất nước và sức khỏe của nhân dân, Thủ tướng kêu gọi các Bộ, ngành, các cấp, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường.
6 giải pháp cấp bách nâng chất lượng môi trường, đẩy lùi ô nhiễm ảnh 1Ảnh minh họa. (Hùng Võ/Vietnam+)

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, vừa được Văn phòng Chính phủ công bố, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn quốc đã có trên 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt là sự cố môi trường nghiêm trọng ở ven biển 4 tỉnh miền Trung.

Thông báo cũng nêu rõ, cả nước hiện vẫn còn tới 25% số khu công nghiệp và 95% số cụm công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; tình trạng xả thải không qua xử lý ra môi trường là rất nghiêm trọng; còn hơn 300 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương, doanh nghiệp chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà xem nhẹ, thậm chí bỏ qua yêu cầu bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về môi trường cũng còn nhiều yếu kém; công tác thanh, kiểm tra, giám sát còn thiếu chủ động, chế tài chưa đủ mạnh, phổ biến vẫn là “phạt cho tồn tại,” tác dụng răn đe thấp…

Trước thực tế nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, thời gian tới phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân; tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém trên; thực hiện nghiêm 6 giải pháp nâng cao chất lượng môi trường sau:

Thứ nhất, xác định rõ bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư. Kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường; cấm nhập khẩu công nghệ lạc hậu, triển khai các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường như làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương và người đứng đầu. Theo đó, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về các vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng phải làm rõ trách nhiệm tổ chức và cá nhân, thực hiện đúng và tuân thủ nghiêm trách nhiệm về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư theo nguyên tắc: Cơ quan phê duyệt phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án đầu tư; cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm về loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, không để gây ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực, thu hút  đầu tư cho bảo vệ môi trường. Theo đó, nguồn vốn Ngân sách nhà nước sẽ tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc và xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường.

Thứ tư, rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp bảo vệ môi trường (đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở đang hoạt động, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính).

Trên cơ sở đó, cả nước sẽ tập trung hoàn thành Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020.

Thứ năm, tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường thanh-kiểm tra, cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố khẩn cấp.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương có chương trình thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật, chế tài xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến từng doanh nghiệp và mỗi người dân../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục