6 doanh nghiệp “xài chùa” bản quyền phần mềm giá trị 6,5 tỷ đồng

Cơ quan chức năng đã phát hiện 6 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sử dụng phần mềm bất hợp pháp, theo ước tính của chủ sở hữu khoảng 6,5 tỷ đồng.
Lực lượng công an kiểm tra máy tính sử dụng phần mềm. (Ảnh tư liệu do BSA cung cấp)

Tin từ Liên minh Phần mềm BSA tối 27/6 cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện 6 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sử dụng phần mềm bất hợp pháp, theo ước tính của chủ sở hữu khoảng 6,5 tỷ đồng.

Đây là kết quả của các đợt kiểm tra trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp nghi sử dụng phần mềm không bản quyền được Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) thực hiện.

Tại các doanh nghiệp nói trên, lực lượng chức năng kiểm tra 247 máy tính, phát hiện hơn 500 phần mềm bất hợp pháp. Trong đó, bên cạnh các phần mềm văn phòng phổ biến của Lạc Việt, Microsoft, còn có các phần mềm chuyên dụng cho thiết kế của Adobe, Autodesk.

Đại diện 6 doanh nghiệp đã ký vào biên bản thanh tra, thừa nhận vi phạm và hứa gỡ bỏ tất cả các phần mềm không phép cũng như sẽ hợp thức hóa toàn bộ các phần mềm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Oriental Fastech Manufacturing; Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc Tế Di Hưng, Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết kế Dương Bản, có trụ sở tại tỉnh Bình Dương; Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Phẩm AAA, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn May Mặc Alliance One có trụ sở tại tỉnh Bến Tre.

Toàn bộ 6 doanh nghiệp đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Thái Lan.

Theo đại diện BSA, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả kết hợp với các hoạt động thực thi quyết liệt để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là phần mềm máy tính. Những nỗ lực này đã được chứng minh khi Việt Nam đạt được con số giảm 3% ấn tượng về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính từ 81% năm 2013 xuống còn 78% năm 2016.

“Tôi cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực thi và các đại diện chủ thể quyền sẽ giúp mục tiêu bảo hộ và thực thi quyền ​sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn, đạt được các mục tiêu đặt ra,” ông Tarun Sawney, Giám đốc cao cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục