Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023, chiều 10/12, các đại biểu đã tham gia thảo luận tại 6 trung tâm về 6 chủ đề trọng tâm của Hội Sinh viên Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Với chủ đề “Hội Sinh viên Việt Nam với hoạt động tư vấn hỗ trợ sinh viên,” được thảo luận tại Trường Đại học Xây dựng, các đại biểu đã trao đổi về những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai hiệu quả hoạt động này.
Trong đó, tập trung vào việc phát triển các quỹ học bổng, giải thưởng hỗ trợ sinh viên; trang bị kỹ năng cho sinh viên; hỗ trợ sinh viên trong nghề nghiệp, việc làm và khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, Hội Sinh viên cần tích cực tham gia vào quá trình hoạch định, triển khai các chính sách đối với sinh viên; phát triển hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong sinh viên; tư vấn, nâng cao nhận thức cho sinh viên về vấn đề tâm lý, sức khỏe.
Với chủ đề “Vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên - Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội,” được thảo luận tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các đại biểu cho rằng các cấp bộ Hội cần tập trung cụ thể hóa mục tiêu xây dựng lớp sinh viên có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có trách nhiệm với Tổ quốc, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức thượng tôn pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tinh thần tận hiến vì sự phát triển của đất nước cho sinh viên.
Các cấp bộ Hội cần đổi mới phương thức giáo dục, nắm bắt, định hướng dư luận sinh viên theo hướng tăng sức đề kháng cho sinh viên trước các thông tin độc, xấu và ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin, khai thác tối đa internet, mạng xã hội.
Chủ đề “Sinh viên với học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học,” được thảo luận tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tập trung vào các nội dung: định hướng ý thức, trách nhiệm, phương pháp và khích lệ, cổ vũ tinh thần học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học của sinh viên; tổ chức các hoạt động cụ thể giúp sinh viên trổ tài, trải nghiệm, học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; kịp thời động viên, khen thưởng sinh viên đạt thành tích cao, hỗ trợ sinh viên trong học tập, nghiên cứu.
Chủ đề “Sinh viên tình nguyện vì cộng đồng” được thảo luận tại Trường Đại học Thủy lợi, tiếp tục khẳng định hiệu quả của các mô hình, chương trình, chiến dịch sinh viên tình nguyện đã thực hiện trong nhiều năm qua.
[Hình thành thế hệ sinh viên mới có khí phách và quyết tâm hành động]
Bên cạnh đó, cần phát triển hoạt động tình nguyện quốc tế, tình nguyện gắn với chuyên môn, giải quyết các vấn đề mới đặt ra với xã hội, chú trọng việc trang bị kỹ năng hoạt động tình nguyện cho sinh viên.
Điểm nhấn của hoạt động tình nguyện nhiệm kỳ 2018-2023 là vận động nguồn lực từ sinh viên Việt Nam và xã hội xây dựng một công trình tại quần đảo Trường Sa.
Nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về hội nhập, chủ đề “Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam,” được thảo luận tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề cập tới việc tổ chức các hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng, năng lực sử dụng tiếng Anh, tin học, kết nối giữa Hội Sinh viên Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
Các đại biểu tham gia thảo luận chủ đề “Xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh tại” tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hướng vào các nội dung công tác tổ chức cơ sở Hội, công tác hội viên, công tác cán bộ Hội, công tác kiểm tra, thi đua khen thưởng, công tác chỉ đạo.
Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ phát triển thêm ít nhất 2 Hội Sinh viên cấp tỉnh, 2 Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài và 5 Hội Sinh viên trực thuộc các tỉnh, thành phố.
Trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã bày tỏ mong muốn tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động tư vấn và hỗ trợ sinh viên. Anh Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Công tác hỗ trợ sinh viên nếu xuất phát từ các chương trình “vẽ” ra khi cán bộ Hội “ngồi máy lạnh” sẽ không trúng với nhu cầu của sinh viên, nhu cầu từ cộng đồng xã hội.
Đặc biệt, nếu muốn hỗ trợ sinh viên các kỹ năng để tìm kiếm việc làm thì những kỹ năng này phải có khảo sát từ phía doanh nghiệp, từ đó, lên khung định hướng đào tạo kỹ năng phù hợp thông qua các giờ học, hoạt động thực tế, sinh hoạt ngoại khoá.
Chia sẻ những băn khoăn về phong trào rèn luyện “Sinh viên 5 tốt,” bạn Trần Thanh Trường, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho rằng, để giành được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương thực sự khó và là mục tiêu của nhiều sinh viên.
Nếu đạt được danh hiệu này, sinh viên có những phẩm chất, yếu tố toàn diện và đây là lợi thế khi tham gia thị trường tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp việc làm. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” và giá trị thực sự của nó.
Vì vậy, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cũng như các cấp Hội nên chủ động mở các diễn đàn, hội thảo giới thiệu, quảng bá về danh hiệu này đến doanh nghiệp.
Đồng thời, các đơn vị, doanh nghiệp nếu có cơ chế hỗ trợ cộng điểm, ưu tiên khi tuyển dụng đối với “Sinh viên 5 tốt” thì sẽ thu hút và hấp dẫn được sinh viên tích cực tham gia phong trào rèn luyện này./.