Trong những năm gần đây, không khó để nhận thấy các bộ phim xoay quanh đề tài đồng tính đang dần tiến gần hơn tới trung tâm chú ý của đại chúng và ngày càng gặt hái nhiều thành công không chỉ ở các đấu trường danh giá, mà còn về mặt doanh thu phòng vé.
Song song với sự đi lên về nhận thức xã hội đối với các vấn đề về giới nói chung và LGBT nói riêng, độ nhận diện của nền điện ảnh lấy các nhân vật đồng tính, song tính, hay chuyển giới làm tuyến truyện chính (Queer Cinema) cũng đang ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, chỉ mới vài thập kỷ trước, khi khái niệm LGBT vẫn còn là một mảng xám chưa được định vị và thấu hiểu một cách đúng đắn, các nhân vật đồng tính dù có xuất hiện vẫn thường chỉ đóng vai trò bên lề hoặc được ngụy trang bằng cách này hay cách khác nhằm giảm thiểu khả năng gây tranh cãi cho bộ phim.
[Rạp chiếu phim tháng 6 sôi động với hai bom tấn kinh dị rùng rợn]
Việc khắc họa những câu chuyện đi chệch khỏi quỹ đạo của tình yêu dị tính ở thời điểm này trong lịch sử có thể xem là một lựa chọn đầy gai góc và mạo hiểm từ phía người làm nghệ thuật. Dù vậy, ngay cả khi bị áp đảo về mặt số lượng cũng như sự công nhận từ đại chúng, điện ảnh Queer vẫn không thiếu những bộ phim ấn tượng về cả mặt nội dung lẫn nghệ thuật, góp phần tạo nên bước đệm quan trọng cho công cuộc cải cách nhận thức giới trên màn ảnh rộng.
Như một phần không thể thiếu trong mọi luồng chảy ngược chiều với thời đại, tính cách mạng chính là yếu tố hàng đầu khiến những bộ phim này xứng đáng được vinh danh khi nhìn về một nền điện ảnh đã qua.
''Madchen in Uniform'' (1931)
''Điều mà cả thế giới xem là tội lỗi, tôi coi đó là khát vọng lớn lao của tình yêu, thứ khát vọng có thể khoác lên mình hàng vạn hình hài khác nhau'' - câu thoại vô cùng đáng nhớ trong ''Madchen in Uniform," bộ phim về đồng tính nữ đã trở thành hiện tượng ở thời điểm công chiếu và tạo nên một làn sóng không nhỏ trong cộng đồng LGBT ở nhiều nơi trên thế giới, dù bị kiểm duyệt gay gắt tại Mỹ.
Đến nay, ''Madchen in Uniform'' đã được công nhận như một cái tên kinh điển của dòng phim Queer, một trong những bộ Cult Classics (phim có lượng fan cứng tồn tại với thời gian) đầu tiên của điện ảnh thế giới.
Tác phẩm của đạo diễn Leontine Sagan khác biệt không chỉ ở yếu tố tình yêu đồng giới đầy phóng khoáng so với chuẩn mực của thời đại mà nó được sinh ra, mà còn nằm ở việc sở hữu dàn nhân vật hoàn toàn là nữ giới và lấy tính nữ làm trung tâm - điều mà cho đến nay vẫn tương đối khó tìm thấy ngay cả trong bối cảnh điện ảnh đương đại.
''Victim'' (1961)
Bộ phim noir này của đạo diễn Basil Dearden được xem là một cột mốc vô cùng quan trọng khi đánh dấu lần đầu tiên cụm từ ''homosexual'' (đồng tính) được nhắc tới trong một bộ phim nói tiếng Anh ở thời điểm công chiếu.
Với nhân vật trung tâm Melville Farr, một luật sư thành đạt với gia đình tưởng như yên ấm và hạnh phúc, ''Victim'' thực chất kể về câu chuyện của những con người thuộc các tầng lớp khác nhau nhưng có cùng một trải nghiệm đau đớn và đè nén khi phải giấu đi xu hướng tính dục thật sự của bản thân để đối lấy sự chấp nhận của xã hội.
Câu chuyện của ''Victim'' được đẩy lên cao khi Melville cùng người tình đối mặt với lời đe dọa tống tiền từ một băng đảng tội phạm đang sở hữu hình ảnh thân mật của cả hai. Với sự nghiệp lẫn các mối quan hệ bị đặt trên bờ vực thẳm, thế lực thật sự biến nhân vật chính của bộ phim thành ''nạn nhân'' không gì khác chính là sự kỳ thị và cấm đoán của xã hội dành cho những-kẻ-ngoại-tuyến, những người hoàn toàn không có quyền được định đoạt cuộc sống và tình yêu mà họ mong muốn.
''Funeral Parade of Roses'' (1969)
Đại diện đầu tiên của châu Á là một tác phẩm đậm màu sắc thể nghiệm thuộc Làn Sóng Mới của điện ảnh Nhật Bản từ đạo diễn Toshio Matsumoto với cái tên vô cùng đặc biệt - ''Funeral Parade of Roses.''
Lấy cảm hứng từ vở Oedipus Rex của Sophocles, bộ phim của đạo diễn Matsumoto cũng chọn phương thức kể chuyện xoáy sâu vào bi kịch gia đình trớ trêu như trong tác phẩm gốc, nhưng lần này lại đến từ một phương diện hoàn toàn khác khi tập trung vào những nhân vật ''drag queens'' kiếm sống bằng nghề mua vui trong một câu lạc bộ đêm.
Cách dẫn dắt đan xen giữa thực và ảo, giữa các chất liệu kể chuyện khác nhau xuyên suốt càng như nhấn chìm người xem vào chuỗi ngày sống chìm nổi như ảo mộng của những người chuyển giới tại Nhật Bản của hơn nửa thế kỷ trước.
Với cốt truyện và nhịp điệu phá cách, ngay cả khi so sánh trong tương quan với mặt bằng chung của nền điện ảnh Nhật Bản vốn luôn có phần dị biệt, ''Funeral Parade of Roses'' đã để lại vô vàn những khung hình đắt giá đầy tham vọng gây bất ngờ cho người xem dù ở thời đại nào, cũng như truyền cảm hứng cho các nhà làm phim, mà nổi bật nhất chính là Stanley Kubrick với ''Clockwork Orange.''
''The Bitter Tears of Petra von Kant'' (1972)
Một trong những đạo diễn tiên phong của Điện ảnh Mới nước Đức, Rainer Werner Fassbinder được biết đến như một người kể chuyện không khoan nhượng và táo tợn khi thường bóc trần mặt tối của con người thông qua những nhân vật chính kém hoàn hảo và khó có thể thông cảm.
Nữ chính Petra, một nhà tạo mẫu nổi tiếng nhốt mình trong căn phòng lộng lẫy và được vây quanh bởi những người phụ nữ khác, là một hình tượng nhân nằm trong vùng xám của đạo đức khi cô không chỉ phù phiếm mà còn vô cùng ái kỷ trong tình yêu.
Là một bộ phim không có nhân vật nam, ''The Bitter Tears of Petra von Kant'' khắc họa tình cảm đồng giới giữa những người phụ nữ một cách đầy tự nhiên. Có thể nói, Fassbinder đã gần như hoàn toàn ''bình thường hóa'' mối quan hệ mà ở thập niên 70 vẫn được xem là hành vi ''tội lỗi,'' để từ đó khám phá những cung bậc cảm xúc ban sơ đầy con người mà tình yêu đồng tính, cũng như tình yêu dị tính hay bất kỳ loại tình cảm nào khác, đều tồn tại và chứa chấp.
''Happy Together'' (1997)
Bộ phim của đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ cho đến nay vẫn là cái tên sáng chói của điện ảnh LGBT. Như những tác phẩm khác của vị đạo diễn tài năng này, ''Happy Together'' (tựa Việt: ''Xuân quang xạ tiết'') kể về những kẻ cô đơn với trái tim không nguôi mong mỏi kiếm tìm tình yêu, để rồi khi tình yêu tới, họ lại thường không biết phải làm gì với thứ cảm xúc vừa dâng trào vừa đè nén này của con người.
Sự dung dị đầy chất thơ trong lối kể chuyện của Vương Gia Vệ ngập tràn trong từng chi tiết và khung hình lúc trắng đen, lúc rực rỡ màu sắc của mối tình đồng tính giữa hai người đàn ông Lê Diệu Huy và Hà Bảo Vinh.
Tương tự như tác phẩm của Fassbinder, ''Happy Together'' không nhấn mạnh quá nhiều vào yếu tố xã hội mà tập trung khắc họa những xúc cảm đơn thuần nhất của tình yêu, khiến câu chuyện của hai nhân vật kết nối và chạm tới người xem một cách dễ dàng.
''All About My Mother'' (1999)
Ra mắt vào năm cuối cùng của thế kỷ thứ 20, ''All About My Mother'' là một sản phẩm của đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodóvar, xoay quanh câu chuyện kéo dài nhiều thế hệ giữa các nhân đến từ những hoàn cảnh sống tưởng như riêng biệt nhưng lại có nhiều điểm giao thoa đầy bất ngờ.
Với tác phẩm này, Almodóvar đã mang tới một cái nhìn vô cùng thời đại khi nối kết những tuyến truyện dày đặc trong bộ phim bằng sự cảm thông đầy nhân văn đối những vấn đề vô cùng nhức nhối: số phận của những người phụ nữ chuyển giới, cuộc sống dang dở mà họ đã bỏ lại phía sau, căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS, nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại và quá trình chữa lành vết thương sau những biến cố lớn của cuộc sống.
Dù xoáy vào những đề tài ít nhiều gai góc, bộ phim của đạo diễn Almadóvar vẫn tràn ngập không khí ấm áp của tình người và sự lạc quan, như một nốt nhạc đầy hy vọng hướng về chương tiếp theo của Queer Cinema nói riêng và xã hội nói chung đối với những vấn đề về LGBT./.