Đúng ngày này 55 năm trước (22/1/1963), tại Điện Elysee ở Paris, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã ký Hiệp ước hợp tác Pháp-Đức (còn gọi là hiệp ước Elysee) nhằm thể hiện nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước về một quan hệ đối tác hợp tác bền vững.
Hiệp định mang tính bước ngoặt, được coi là nền tảng cho sự hòa giải này trải rộng trong các lĩnh vực hợp tác song phương từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, với mục đích cuối cùng là thiết lập mối quan hệ hữu nghị ổn định, mật thiết giữa Pháp và Đức nói riêng, đồng thời vun đắp và phát triển một châu Âu thống nhất, hòa bình nói chung.
Hơn nửa thế kỷ qua, những thay đổi địa-chính trị cùng những thách thức to lớn mà Đức, Pháp cũng như toàn châu Âu đang phải đối mặt buộc Tổng thống đương nhiệm Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel phải điều chỉnh quan hệ hợp tác giữa hai nước và làm mới hiệp ước hữu nghị này để đáp ứng những yêu cầu mới.
Hiệp ước hữu nghị Đức-Pháp được ký kết với 3 trụ cột gồm tạo cơ chế tham vấn giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Đức cũng như lãnh đạo các bộ, ngành; thảo luận về tất cả các lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại, châu Âu và quốc phòng, khi cần hai bên có thể đưa ra quan điểm chung; cùng quan tâm tới vấn đề giáo dục và thanh niên - lực lượng làm cầu nối cho tương lai hai nước.
[Đức-Pháp cam kết tăng cường hợp tác nhân 55 năm Hiệp ước Elysée]
Kể từ khi ra đời hiệp ước trên, hợp tác Đức-Pháp đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của hai nước, trở thành động lực cho sự hợp nhất châu Âu.
Quan hệ chính trị, kinh tế và ngoại giao giữa hai nước luôn được củng cố, không ngừng mở rộng bất chấp những thay đổi trong chính sách của các nhà lãnh đạo hai nước.
Nếu nhìn lại lịch sử châu Âu vài chục năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, có thể nhận thấy mối quan hệ này có ý nghĩa như thế nào đối với sự tồn tại và phát triển của Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh của khối.
Từ cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), khủng hoảng tại Ukraine, cuộc khủng hoảng người di cư hay vấn đề an ninh châu Âu..., tất cả đều có tiếng nói chung và những quyết sách mang tính thống nhất từ Paris và Berlin.
Thậm chí, dư luận đã có lúc gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (nhiệm kỳ 2007-2012) và Tổng thống Francois Hollande (nhiệm kỳ 2012-2017) với cái tên "Merkozy" hay "Merkollande."
Tuy nhiên, giống như mọi cỗ máy đều phải đến thời gian bảo hành, bảo trì, cập nhật, bổ sung hoặc thay mới để các mắt xích hoạt động trơn tru hơn, cơ chế hợp tác Pháp-Đức sau 55 năm tồn tại cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định.
Trên thực tế, mặc dù quan hệ liên minh Pháp-Đức vẫn là cốt lõi của sự hội nhập EU suốt nhiều thập kỷ qua, song Paris và Berlin cũng đã vướng vào hàng loạt bất đồng, nhất là trong khoảng vài năm trở lại đây.
Có những lúc, mối bang giao của hai đầu tàu khu vực bị sứt mẻ, trong bối cảnh sự phát triển kinh tế phi thường của Đức đã mang lại cho Berlin sức mạnh và vị thế tỏ ra nổi trội, có phần làm "lu mờ" hình ảnh nước Pháp láng giềng.
Mối quan hệ lạnh nhạt và sự ngờ vực lẫn nhau giữa hai nước có chung đường biên giới và một phần lịch sử không khỏi ảnh hưởng tới quá trình liên kết và hội nhập của EU nói chung.
Ngay khi ông Macron còn tranh cử tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Merkel đã nhận thấy những điểm mạnh của chính trị gia Pháp, nhất là lập trường nhất quán về các chính sách cải cách, củng cố và thúc đẩy EU.
Bà khẳng định rằng nếu ông Macron đắc cử, mối quan hệ Đức-Pháp sẽ được củng cố, điều sẽ có lợi cho cả châu Âu. Bằng quan điểm cởi mở với người tị nạn, tăng cường đoàn kết nội khối cùng tham vọng cải cách EU, các tuyên bố của vị tân Tổng thống Pháp Macron ngay sau khi đắc cử đã nhận được sự ủng hộ hết lời của nhà lãnh đạo Đức.
Bên cạnh đó, bà Merkel cũng khẳng định Pháp là một đồng minh then chốt có thể "kề vai sát cánh" cùng với Đức trong nhiều dự án khu vực.
Ngược lại, ông Macron cũng nhận định việc thắt chặt mối quan hệ Pháp-Đức mang tính quyết định để vực dậy "lục địa già."
Ông Emmanuel Macron, ngay từ khi đắc cử hồi tháng 5 năm ngoái, đã tuyên bố sẽ không làm việc theo cách “đối mặt” với Thủ tướng Đức Merkel, mà là "làm việc cùng" với bà.
Và chưa đầy 24 giờ sau khi nhậm chức, ông Macron đã tới Berlin, chuyến công du mang nhiều ý nghĩa và biểu tượng quan trọng, đặt nền móng cho việc khởi động dự án châu Âu mà hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức đều coi mình có nhiệm vụ trở thành "hai ngọn hải đăng dẫn đường."
Việc lãnh đạo Pháp và Đức khôi phục lại lòng tin với nhau được coi là cực kỳ cấp thiết khi EU đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức cả về chính trị, kinh tế lẫn an ninh.
Sự kiện Brexit với việc Anh tuyên bố rời khỏi "mái nhà chung", những tư tưởng dân túy cực hữu và ly khai đang trỗi dậy, hoạt động khủng bố chưa thể ngăn chặn hiệu quả... đang đặt ra nhiều áp lực đối với sự hội nhập và gắn kết của EU.
Vấn đề sống còn của EU hiện nay không chỉ là tăng trưởng kinh tế hay siết chặt an ninh mà còn là sự thống nhất và đoàn kết nội khối.
Với vai trò là hai đầu tàu EU, Pháp và Đức cần phải kích hoạt lại quan hệ song phương bằng một lực đẩy mới. Đó là mục tiêu chung vì một châu Âu thịnh vượng và phát triển.
Cuộc gặp cuối tuần qua của Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron nhân kỷ niệm 55 năm hai nước ký Hiệp ước Elysee, cùng tuyên bố chung khẳng định nỗ lực củng cố châu Âu thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước đã thổi một luồng sinh khí mới vào mối quan hệ đã và đang nồng ấm trở lại giữa Berlin và Paris.
Nếu coi việc hiệp ước Elysee ra đời 55 năm trước là một bước đi "dũng cảm" của Paris và Berlin, như tuyên bố của Thủ tướng Đức Merkel, thì việc lãnh đạo hai nước mong muốn làm mới hiệp ước này nhằm giải quyết những thách thức trong thế kỷ 21 cho thấy thiện chí và trách nhiệm của cả hai bên trong việc phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm tạo ra một động lực mới thúc đẩy tình đoàn kết trong EU.
Nếu làm được điều này, vai trò và vị thế của Pháp và Đức trong EU sẽ ngày càng được khẳng định.
Nói như vậy không có nghĩa là mối quan hệ Berlin và Paris đã thực sự hòa thuận. Thực tế, hai bên vẫn còn một số bất đồng đòi hỏi sự nhượng bộ và thỏa hiệp để đi tới những mục tiêu chung, nhất là trong kế hoạch tham vọng cải tổ Khu vực đồng tiền chung châu Âu mà ông Macron khởi xướng.
Có thể thấy việc thúc đẩy mối quan hệ Đức-Pháp giúp củng cố châu Âu còn là một chặng đường dài, song trên hết, kế hoạch làm mới hiệp ước Elysee sẽ đặt nền móng để mối quan hệ này bước vào một giai đoạn ổn định, từ đó hai nước có thể phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy sự ổn định và phát triển của EU/.