“55% doanh nghiệp bị gây phiền hà về thủ tục hành chính đất đai”

Thủ tục hành chính dù đã được cải cách khá sớm, nhưng đến nay vẫn gây phiền hà và là "mảnh đất" nảy sinh tình trạng quan liêu, tham nhũng.
Tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ ra những điểm bất cập trong công tác cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thủ tục hành chính dù đã được cải cách khá sớm, nhưng vẫn gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí và thậm chí là phiền hà, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

“Đáng nói hơn, thời gian qua, do sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, chưa rõ ràng nên thủ tục hành chính vẫn là 'mảnh đất' nảy sinh tình trạng quan liêu, tham nhũng phức tạp,” Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Thông tin trên vừa được Thứ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2014 về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng nay (25/6), tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, 4 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp là đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tài nguyên môi trường là cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên thứ 4 (sau thuế, quản lý thị trường và an toàn phòng chống cháy nổ), nhưng thực tế lĩnh vực này lại thường gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính về đất đai.

“Cụ thể, nếu như năm 2010, tỷ lệ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 36% thì đến năm 2013 con số này đã lên tới 55%,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, thủ tục hành chính đang là trở ngại chính đối với các doanh nghiệp khi mở rộng mặt bằng sản xuất. Cùng với đó, thủ tục tiến hành đánh giá tác động môi trường nhiều khi cũng mang tính hình thức mà chưa thực chất.

Đơn cử như thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại chưa thuận lợi nên nhiều doanh nghiệp không ký được hợp đồng với bất kỳ một doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại nào (do không có doanh nghiệp loại này hoạt động trên địa bàn), vì thế họ phải mang đi tỉnh khác xử lý, khiến chi phí gia tăng.

“Bên cạnh đó, do sự phối hợp giữa các cơ quan (xây dựng, môi trường, khoa học công nghệ) về thẩm định công nghệ và cấp phép xử lý chất thải nguy hại còn yếu kém, nên nhiều khi mâu thuẫn,” vị Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Tuấn kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường cần có những "đột phá" trong việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận sử dụng đất và đơn giản hóa đánh giá tác động môi trường.

Thông qua Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng hy vọng với việc thực hiện các Nghị định mới về đất đai từ tháng 7 tới đây, Luật Đất đai 2013 sẽ tạo được những quỹ đất sạch, thuận lợi hơn để doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng kinh doanh, nâng cao chất lượng sản xuất../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục