500.000 ca tử vong vì COVID-19: Mốc buồn của nước Mỹ

Dấu mốc 500.000 ca tử vong vì COVID-19 thật đáng buồn, nhưng cũng chính là thời điểm nước Mỹ nhìn thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên trên con đường đương đầu với đại dịch đầy gian nan phía trước.
500.000 ca tử vong vì COVID-19: Mốc buồn của nước Mỹ ảnh 1Cờ rủ được treo trên nóc Nhà Trắng ở Washington, DC., Mỹ để tưởng niệm 500.000 người dân thiệt mạng trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đúng 18 giờ tối 22/2 (giờ Mỹ, sáng 23/2 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu tưởng niệm nửa triệu người đã mất vì COVID-19 ở quốc gia này và dành một phút mặc niệm ghi lại dấu mốc buồn đau đất nước vừa trải qua, đồng thời bày tỏ lạc quan người Mỹ sẽ sớm vượt qua đại dịch.

Nửa triệu người tử vong - dấu mốc buồn

Quả thực, dấu mốc 500.000 ca tử vong vì COVID-19 thật đáng buồn, nhưng cũng chính là thời điểm nước Mỹ đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên trên con đường đương đầu với đại dịch đầy gian nan phía trước. Số ca nhiễm mới và số ca tử vong mỗi ngày đã giảm đáng kể.

Một lý do không thể không nhắc tới là nhờ hai loại vắcxin các nhà khoa học đã kịp thời phát minh và Mỹ chính là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng rộng rãi cho người dân.

[Mỹ treo cờ rủ tưởng niệm 500.000 người tử vong vì dịch COVID-19]

Tuy nhiên, đây cũng chính là lúc không chỉ giới khoa học mà cả các quan chức và nhiều người dân đã nhận ra rằng bất chấp nỗ lực của con người chạy đua với thời gian nhằm ứng phó với virus SARS-CoV-2, con virus nhỏ bé có khả năng hủy diệt ghê gớm này sẽ không vì thế biến mất hoàn toàn khỏi nước Mỹ, hay biến mất hẳn trên cả hành tinh, trong "ngày một, ngày hai."

Tổng số ca mắc COVID-19 của nước Mỹ đã lên tới hơn 28,8 triệu người. Trung bình mỗi ngày, Mỹ vẫn ghi nhận hơn 1.000 người tử vong vì COVID-19 và hơn 55.000 ca nhiễm mới.

Theo số liệu thống kê mới nhất, trong ngày 21/2, Mỹ có 1.247 ca tử vong và 55.195 ca nhiễm mới, giảm 30-40% so với hai tuần trước đó.

Cách đây hai tháng, có thể nói tình hình tệ hơn nhiều. Vào tháng 12/2020, số người tử vong trung bình mỗi ngày là 2.379 ca, xấp xỉ tương đương với tổng số người Mỹ thiệt mạng trong trận Trân Châu cảng (2.403 người) thời Chiến tranh Thế giới thứ Hai và gần bằng số người ra đi trong các vụ khủng bố 11/9/2001 (2.977 người).

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là những thiệt hại kinh khủng về người và của do đại dịch gây ra cho nước Mỹ liệu đã dừng lại chưa, khi mà các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 giờ đây đều có tính lây nhiễm nhanh hơn, ví dụ chủng B.1.1.7 phát hiện ở Anh lây nhiễm nhanh hơn tới 25-40%.

500.000 ca tử vong vì COVID-19: Mốc buồn của nước Mỹ ảnh 2Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng biến thể phát hiện ở Anh và Nam Phi có thể phá hủy được tính miễn dịch mà những người từng mắc COVID-19 trước đó có được và bởi tính chất của virus là luôn biến thể cho nên chưa thể biết sẽ còn bao nhiêu chủng mới sẽ phát sinh trong thời gian tới, nhất là khi chúng ngày càng biến đổi “tinh vi” hơn để "đối phó" với những vắcxin do con người chế tạo ra.

Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci mới đây phát biểu rằng những thiệt hại do COVID-19 gây ra cho nước Mỹ sẽ chưa dừng lại và còn nặng nề trong năm 2021, cho dù Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ thúc đẩy những biện pháp mạnh nhất để giải quyết hiệu quả đại dịch.

Nước Mỹ sẽ vượt qua đại dịch?

Vậy nước Mỹ có thể vượt qua đại dịch được không? Nhiều nhà khoa học cho rằng câu trả lời là “có” nếu Mỹ có thể hoàn thành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước này và thuyết phục được hơn 300 triệu dân đeo khẩu trang khi ra đường cũng như tránh tụ tập đông người trong không gian kín. Tuy nhiên, để làm được như vậy có thể là quá khó.

Thứ nhất, sau hơn hai tháng triển khai từ ngày 14/12/2020, hơn 63 triệu người, tương đương 13,1% dân số Mỹ, đã được tiêm mũi vắcxin đầu tiên. Đây là số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tính tới ngày 22/2.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả của vắcxin đang sử dụng thì những người được tiêm chủng đều cần phải tiêm liều nhắc lại, mà việc thực hiện được chu trình tiêm nhắc lại này với số người tham gia lớn như vậy không hề dễ dàng.

Thứ hai, một bộ phận người Mỹ không muốn tiêm chủng. Một khảo sát tiến hành cuối năm ngoái cho thấy có tới 27% số người được hỏi cho biết họ sẽ không tiêm vắcxin vì muốn chờ đợi một thời gian xem vắcxin có thực sự an toàn hay không.

Giáo sư Emily Brunson thuộc Đại học Texas cho rằng nhiều người dân không nhìn ra được lợi ích cứu sống tính mạng con người của vắcxin mà lại lo ngại nghĩ đến những trường hợp nhỏ lẻ rủi ro không may xảy ra khi tiêm.

Trong khi đó, nghiên cứu mới đây do tạp chí The Economist công bố cho thấy chỉ cần 10% số người có nguy cơ cao mắc COVID-19 từ chối tiêm chủng và lệnh giãn cách xã hội không được thực thi nghiêm túc thì dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ở mức độ cao và số ca nhiễm mới cũng như tử vong sẽ lại tăng vọt.

Thứ ba, dù nỗ lực đến mấy thì với một đất nước rộng lớn như Mỹ, tốc độ triển khai tiêm chủng ở các bang sẽ không thể đồng đều; tiến độ ở thành phố lớn sẽ nhanh hơn ở vùng nông thôn vì người dân ở nông thôn sống rải rác, xa các cơ sở y tế.

Hơn nữa, chính các cơ sở y tế ở khu vực nông thôn cũng không có đủ nhân viên y tế cũng như thiết bị bảo quản lạnh đặc biệt để trữ vắcxin và có thể tiến hành tiêm chủng nhanh hơn.

Trong khi đó, giới khoa học ước tính cần phải tiêm chủng được ít nhất 50-70 % dân số mới có thể đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Trên thực tế, ngay cả với một số cộng đồng, nếu đạt tới ngưỡng an toàn này, vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trở lại khi người bị nhiễm ở nơi khác vô tình tới.

Mặc dù vậy, kết quả khảo sát của nhóm nhà khoa học tại Đại học Northeastern cũng cho thấy le lói điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nước Mỹ hiện nay, là phần lớn người dân ủng hộ chính phủ có những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, kể cả những biện pháp khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao và đời sống của người dân đảo lộn, như hạn chế hoạt động của hệ thống các nhà hàng, hủy bỏ các sự kiện thể thao, giải trí và tránh tụ tập đông người.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng đã đến lúc thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng cần chuẩn bị tinh thần sống chung với COVID-19 bởi dù vắcxin có bảo vệ được con người đi chăng nữa và mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 có chậm lại thì cũng không thể kỳ vọng chúng sẽ biến mất hoàn toàn.

Cũng giống như với căn bệnh thế kỷ AIDS, nhiều loại thuốc hữu hiệu đã được phát minh giúp ngăn chặn lây nhiễm virus HIV, nhưng mỗi năm vẫn có tới 1,7 triệu người mắc mới căn bệnh này. vắcxin ngừa bại liệt, sởi, lao và ung thư cổ tử cung đều đã ra đời từ lâu, nhưng đến nay vẫn nhiều người mắc bệnh.

Còn virus SARS-CoV-2, nó sẽ tiến triển như thế nào trong thời gian tới còn phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch của con người đối với vắcxin và sự biến chủng của virus nhằm “đối phó” với các loại vắcxin do con người tạo ra.

500.000 ca tử vong vì COVID-19: Mốc buồn của nước Mỹ ảnh 3Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 vào nhà xác tại một bệnh viện ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia về miễn nhiễm của Đại học Yale, bà Akiko Iwasaki cho rằng vấn đề đáng quan ngại hiện nay là virus sẽ biến đổi như thế nào khi ngày càng nhiều người được chủng vắcxin.

Thế giới đã có biến thể mới phát hiện ở Anh, ở Nam Phi và không ai có thể dám chắc sẽ không có thêm những biến thể mới khác trong thời gian tới.

Những hệ lụy còn đó...

Nhưng dù diễn biến đại dịch trong thời gian tới nghiêm trọng hơn hay đỡ hơn thì những hệ lụy mà nước Mỹ phải gánh chịu do đã không kiểm soát được đại dịch ngay từ đầu sẽ vẫn còn kéo dài.

Ngoài một nền kinh tế suy thoái, nước Mỹ giờ đây phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại xã hội.

Phần lớn các trường học vẫn phải hoạt động hạn chế chủ yếu thông qua trực tuyến. Ở những tâm dịch lớn như thành phố New York, tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao giải trí làm nên bản sắc rất riêng của "thành phố không bao giờ ngủ" hơn một năm qua đã không còn và chưa biết bao giờ cuộc sống có thể trở lại bình thường.

Hệ lụy nữa, đó là một đội ngũ y, bác sỹ kiệt quệ về trí lực, thể lực sau một năm đối phó với COVID-19 và giờ lại phải gồng mình để vừa tiếp tục đối phó đại dịch, vừa điều trị, phẫu thuật cho hàng nghìn, hàng vạn bệnh nhân các bệnh khác đã phải hoãn, hủy lịch suốt năm qua.

Có tới hơn 3.400 y, bác sỹ và nhân viên y tế Mỹ đã mất đi sinh mạng trong lúc cứu người vì COVID-19, theo số liệu từ dự án nghiên cứu do trang The Guardian hợp tác với Quỹ Kaiser thực hiện.

Hàng nghìn y, bác sỹ khác không chịu nổi sức ép đối mặt hằng ngày với quá nhiều bệnh nhân tại các bệnh viện, đã phải nghỉ việc hoặc xin về hưu sớm.

Hệ lụy nữa, đó là một xã hội chìm đắm trong cảm giác thất vọng và mất phương hướng vì quá nhiều người bất ngờ mất người thân và mất việc làm.

Nước Mỹ thực sự đang đối diện với làn sóng ngày càng nhiều người mắc các bệnh về tâm lý, tâm thần do trải qua quá nhiều căng thẳng, phải cách ly và thiếu giao tiếp xã hội giữa người và người. Đây cũng sẽ là bài toán khó có lời giải cho hệ thống y tế của nước Mỹ trong thời gian tới.

Đó là chưa kể tới gánh nặng dồn lên vai hàng triệu phụ nữ Mỹ khi họ phải gánh thêm phần việc nhà, việc dạy dỗ con cái do không thể đến trường trong khi vẫn phải hoàn thành tất cả các công việc chuyên môn. Không ít người đã phải lựa chọn bỏ việc vì không đủ sức đảm đương quá nhiều trách nhiệm.

Đại dịch COVID-19 cũng khiến tình trạng bất bình đẳng chủng tộc của nước Mỹ một lần nữa bị phơi bày rõ hơn bao giờ hết. Số liệu nghiên cứu của tổ chức APM cho thấy số người Mỹ gốc Phi, Latinh và thổ dân tử vong vì COVID-19 cao gấp 3 lần số người Mỹ da trắng tử vong.

Nếu nhìn lại lịch sử thì những kết quả bất bình đẳng như trên là hệ quả của nhiều thập niên phân biệt chủng tộc, khiến những người da màu không có được sự chăm sóc y tế cần thiết, luôn chỉ làm những công việc lương thấp, khó có điều kiện thực hiện giãn cách xã hội hay hạn chế tiếp xúc, nên nguy cơ tử vong với họ cao hơn cũng là điều dễ hiểu.

Vậy nước Mỹ sẽ làm gì để năm 2021 bớt phần ảm đạm? Có lẽ những gì xảy ra trong năm vừa qua sẽ giúp nước Mỹ có được một sự chuẩn bị đúng nghĩa hơn. Hồi năm 2019, ngay trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới, tổ chức Chỉ số An toàn y tế toàn cầu (Global health Security Index) xếp hạng Mỹ đứng đầu 195 nước về khả năng sẵn sàng đối phó với đại dịch.

Thế nhưng chỉ một năm sau, ai cũng có thể thấy nước Mỹ đã đối phó với đại dịch không thể tệ hơn.

Có lẽ đã đến lúc từng người dân Mỹ cần chung tay, hợp tác với chính phủ bằng những việc nhỏ bé mà không kém phần hiệu quả: đó là tuân thủ đeo khẩu trang, chủ động giãn cách và tránh tụ tập đông người.

Chỉ có như vậy, giấc mơ được sống bình thường, được tận hưởng những niềm vui nho nhỏ bên cạnh bạn bè hay ôm chặt người mình yêu thương sau nhiều ngày xa cách của người Mỹ mới có thể trở thành hiện thực... vào một ngày không xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục