Có thể bạn không đặt ra quyết tâm kiểm soát chi tiêu hay giảm nợ thẻ tín dụng, nhưng sang 2017, bạn cần phải nhìn lại những sai lầm với tiền bạc bạn đang mắc phải và cách sửa chữa chúng.
Dưới đây là những điều bạn làm chưa đúng với tiền bạc và cách giải quyết - theo MSN.com.
1. Chi tiêu quá mức bằng thẻ tín dụng lãi suất cao
Đừng để bị cuốn đi với những đợt mua sắm trong các dịp nghỉ lễ. Điều cuối cùng mà chiếc ví của bạn cần là một buổi mua sắm thả phanh trong ngày Black Friday.
Những chiếc thẻ tín dụng có thể biến bạn thành con chuột bạch chạy vòng quanh bánh xe với khả năng thanh toán nợ thẻ tín dụng chẳng bằng một phần bạn đã tiêu xài.
2. Ném tiền đi bằng cách mua hàng đặt cọc
Mặc dù đặt cọc cho một món hàng rồi chờ khi có đủ tiền thì lấy về có vẻ là cách hợp lý để mua một thứ gì đó, nhưng không phải lúc nào đây cũng là cách tiết kiệm thông minh.
Lý do là vì mua hàng đặt cọc sẽ ràng buộc bạn với một mức giá nhất định và - nếu trả bằng thẻ tín dụng - là phí lãi suất bổ sung.
3. Cố gắng dự tính thời gian trên thị trường chứng khoán
Khi giá cổ phiếu tăng, bạn dễ có xu hướng nghĩ rằng mình đủ thông minh để biết khi nào nên mua và bán để kiếm một khoản tiền lớn. Nhưng các chuyên gia nói rằng bạn gần như không thể lúc nào cũng làm đúng chuyện này.
Sau tất cả, bạn cần phải làm đúng hai lần - khi ra khỏi thị trường và khi quay lại thị trường.
4. Bỏ qua hàng hóa được tân trang
Rất dễ để coi đồ điện tử tân trang là đồ bỏ đi hay lỗi của nhà sản xuất. Sự thật là, nhiều mặt hàng được trả lại vì những lý do rất ngớ ngẩn, ví dụ như sai màu sắc.
Ngay cả như vậy, các nhà sản xuất vẫn đưa những mặt hàng này qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt. Và sự khác biệt về giá giữa hàng tân trang và hàng mới thường là ít nhất 15%.
5. Bỏ qua cơ hội tiết kiệm bằng cách mua hàng đã "đập hộp"
Một ý kiến tuyệt vời là tìm trên các trang mạng bán hàng trực tuyến để xem có ai bán những sản phẩm đã "đập hộp", tức là những món hàng được trả lại, nhưng sau đó được nhà bán lẻ kiểm tra và đủ điều kiện quay lại kệ hàng. Những sản phẩm này thường vẫn còn mới và có giá rẻ hơn giá gốc.
6. Quên mất kế hoạch mua cổ phiếu cho nhân viên của công ty
Kế hoạch mua cổ phiếu dành cho nhân viên của công ty thường dựa theo khấu trừ vào lương, và công ty sẽ chuyển số tiền đó thành cổ phần sau mỗi 6 tháng với chiết khấu 15%.
"Nếu bạn lập tức thanh lý số cổ phần đó mỗi khi nhận được, điều đó cũng giống như bạn nhận được tỷ lệ lợi nhuận được bảo đảm là 15% vậy," Dave Yeske, giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Yeske Buie cho biết.
7. Trả đủ giá để mua xăng dầu
Mặc dù giá xăng dầu có tương đối thấp, nhưng bạn vẫn có thể tận dụng những cách đơn giản để giảm giá hóa đơn nhiên liệu hơn nữa, ví dụ như dùng thẻ tín dụng điểm thưởng để được hoàn lại tiền mặt. Bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng GasBuddy để tìm trạm xăng bán giá rẻ nhất trong khu vực.
8. Trả đủ tiền để mua bất cứ thứ gì
Với những trang mua sắm như Groupon.com, thật lạ khi mọi người vẫn ra cửa hàng mua sắm và trả giá bán lẻ mà nhà sản xuất đề nghị cho mọi thứ. Hãy tận dụng các trang web mua chung và bán coupon để tiết kiệm tiền quanh năm.
9. Trả thuế bán hàng
Thuế bán hàng có thể tăng theo từng năm, nhất là ở những nơi như Chicago, nơi mức thuế lên đến 10,25%. Nhưng may là, một số nhà cung cấp cửa hàng trực tuyến không tính một đồng thuế bán hàng nào.
Vì thế, nếu bạn đang kinh doanh, hãy để mắt tìm những cơ hội được miễn thuế bán hàng.
10. Không có người đại diện cho tiếng nói lý trí khi đi mua sắm
Một vấn đề lớn khi ra cửa hàng hay mua sắm trực tuyến là bạn không có ai bên cạnh để tư vấn. Bạn đời, hay bạn bè có thể giúp bạn trong việc này.
Họ có thể đặt ra những câu hỏi như "Tiền đang được tiêu vào việc gì, và có khôn ngoan hay không? Tình hình ngân sách đang thế nào?"
Ý tưởng ở đây không phải là thắt chặt ngân sách, mà là nhẹ nhàng đưa mọi việc trở lại quỹ đạo khi bạn đang mất phương hướng.
11. Không mua sắm trước cho năm sau
Thời điểm tệ nhất để mua đồ cho lễ Halloween là một tháng trước đó, và thời điểm tệ nhất để mua đồ trượt truyết là vào mùa đông. Vậy, tại sao không mua quần áo mùa thu cho năm sau khi chúng "sắp hết mùa" và các cửa hàng đang rất muốn tống khứ chúng thật nhanh để có chỗ bày những món hàng đắt giá hơn?
Mua đồ trước khi giá cá tăng vọt chắc chắn bảo đảm bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều.
12. Mua sắm tùy hứng
Bạn rất dễ chi tiền mua đồ tùy hứng khi bất ngờ gặp một cửa hàng giảm giá nào đó. Nhưng bạn sẽ không muốn từ siêu thị trở về nhà với một tảng phô mai nặng gần chục cân bạn đã mua trong một phút hứng lên phải không?
Hãy nghĩ kỹ về những gì bạn cần trước khi ra đó và xếp hàng chờ mua đồ giảm giá.
13. Bỏ lỡ các khoản bù thêm theo đóng góp vào quỹ hưu trí
Một báo cáo hồi tháng 5/2015 của công ty Financial Engines ước tính các nhân viên ở Mỹ đang bỏ lỡ khoảng 24 tỷ USD mỗi năm tiền bù thêm của chủ lao động theo phần đóng góp của họ do không góp đủ tiền vào chương trình quỹ hưu trí tư nhân 401k.
14. Thiếu một kế hoạch được xác định rõ ràng
Từ các cuộc mua sắm đến các động thái đầu tư, sẽ là vô ích nếu bạn giấu tiền đi và hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra. Bạn cần một kế hoạch để thu lợi được nhiều nhất từ tiền của mình và tránh những tổn thất.
15. Rút tiền từ quỹ hưu trí ra làm việc khác
Rút tiền từ quỹ hưu trí của mình để trang trải trong các tình huống tài chính khẩn cấp là một chuyện- lấy tiền đó để tân trang lại nhà bếp hay đi du thuyền lại là chuyện khác.
Bạn không chỉ có khả năng phải đóng mức phạt rất cao, mà sẽ còn bị thiệt lãi kép trên số tiền mình rút ra.
16. Tốn quá nhiều tiền khi ra ngoài ăn uống
Bạn không biết nấu món Thái và cũng không cảm thấy muốn nấu bữa tối. Nhưng hãy xem xem thái độ đó làm ví bạn mỏng đi theo thời gian như thế nào.
Giả sử bạn ra ngoài ăn trưa 5 lần một tuần, mỗi lần mất 15 USD. Như vậy mỗi năm bạn sẽ tiêu hết 3.900 USD để ăn trưa. Tuy nhiên nếu ăn trưa ở ngoài 2 lần thay vì 5 lần mỗi tuần, bạn sẽ tiết kiệm được 2.340 USD.
17. Không bơm lốp xe cẩn thận
Nghe hơi vô lý, nhưng theo trang FuelEconomy.gov, giữ cho lốp xe của bạn luôn căng sẽ giúp cải thiện lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi dặm đi của xe thêm 3.3%. Thật thú vị phải không: Một chút không khí có thể giữ giá xăng không lạm phát.
18. Nhầm lẫn giữa nhu cầu và mong muốn
Cho dù đang tìm kiếm dòng tiền mặt tự do hay nhiều quỹ đầu tư hơn, trong quá trình lập ngân sách, bạn dễ có khả năng bỏ qua những khoản làm bạn tiêu hết sạch tiền. Hãy hiểu thế nào là nhu cầu - thực phẩm, nhà ở, quần áo, đi lại - và thế nào là mong muốn.
Gợi ý: Nhu cầu không phải là chiếc túi xách hàng hiệu mới nhất hay ôtô thể thao đắt tiền.
19. Lãng phí tiền cho từ thiện
Không phải mọi quỹ từ thiện đều hoạt động hiệu quả như nhau - một số quỹ sử dụng tiền bạn đóng góp tốt hơn các quỹ khác. Tốt nhất, bạn nên kiểm tra tổ chức phi lợi nhuận mình chuẩn bị quyên góp tại trang Charity Navigator - trang web cung cấp chi tiết chi tiêu của hàng nghìn tổ chức từ thiện- trước khi quyết định.
20. Cờ bạc
Cờ bạc là một bệnh dịch, và theo tổ chức Rehab International, nghiện cờ bạc là một bệnh rối loạn thực sự đang ảnh hưởng tới khoảng 2,5 triệu người trưởng thành ở Mỹ.
Nhưng thực tế đơn giản của vấn đề này là các sòng bạc không mọc lên vì người ta thắng nhiều hơn thua. Trên mọi bàn đánh bạc, bất lợi luôn ở phía bạn.
21. Không quan tâm đến các chương trình đặc biệt dành cho khách hàng mới
Dù bạn đang đi đến tiệm làm tóc mới trong thành phố lần đầu tiên, hay đi điều trị cột sống tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe, đừng bao giờ quên hỏi về những chương trình đặc biệt dành cho khách hàng mới.
Để duy trì hoạt động, một số doanh nghiệp nhỏ cung cấp các dịch vụ chăm sóc cá nhân và sức khỏe sẽ mời các khách hàng mới đến tham quan và dùng thử dịch vụ với mức giá ưu đãi.
22. Bỏ qua các chương trình giảm giá đồ ăn giờ vàng
Có thể bạn không đói cồn cào khi đến giờ vàng, nhưng đây là thời điểm hoàn hảo để thưởng thức một bữa ăn ở nhà hàng yêu thích với giá ưu đãi. Bạn có thể tận dụng lợi thế mua 1 tặng 1 với rất nhiều món đồ uống hay khai vị và biến chuyến đi của bạn thành một bữa tối sớm.
23. Không cắt phiếu giảm giá hàng tạp hóa
Đừng quên kiểm tra phiếu giảm giá trên báo tuần này nếu bạn muốn tích trữ đồ ăn nhẹ hay ngũ cốc. Nếu bạn không mua báo, hãy kiểm tra khuyến mại của cửa hàng về các sản phẩm bạn sẽ mua hàng ngày để không phải trả quá nhiều tiền cho mỗi lần đi mua đồ tạp hóa.
24. Bỏ qua bảo hành ôtô
Bảo hành có thể trang trải một phần chi phí của rất nhiều dịch vụ sửa chữa ô tô và giúp bạn tiết kiệm tiền mỗi lần đến đại lý sửa xe. Hãy tìm một hợp đồng bảo hành bạn có thể chi trả, những hãy đọc kỹ hợp đồng - một số nhà cung cấp bảo hành bên thứ ba thường có nhiều giới hạn và hạn chế.
25. Bỏ qua bảo hành điện thoại
Hãy chắc chắn rằng điện thoại thông minh của bạn được bảo vệ với ít nhất một bảo hành điện thoại cơ bản. Bằng cách đó, bạn sẽ không phải tốn vài trăm USD để thay màn hình bị vỡ hay nút nguồn bị hỏng.
26. Không rút phích cắm các thiết bị điện bạn không sử dụng
Nếu bạn vội ra khỏi nhà và quên rút phích máy pha cà phê hay để đèn và các thiết bị gia dụng nhỏ hoạt động cả ngày, bạn đang lãng phí điện năng. Hãy giảm bớt tiền điện bằng cách rút phích cắm bất cứ thiết bị nào bạn không dùng. Từ máy cạo râu, máy sấy tóc đến cát xét và máy tính, rút phích cắm đều giúp bạn tiết kiệm tiền.
27. Mua tạp hóa khi bạn đang đói
Nếu hóa đơn hàng tạp hóa của bạn luôn nhiều, có thể bạn đang mua nhiều hơn cần thiết. Đi mua sắm khi đã no bụng là tất cả những gì bạn cần làm để giảm bớt hóa đơn hàng tạp hóa.
Vì vậy, lần tới trước khi đi siêu thị, hãy ăn hoặc ăn nhẹ để không cảm thấy bị thôi thúc phải mua những thực phẩm bạn thực sự không cần.
28. Bỏ qua các ứng dụng tiết kiệm tại cửa hàng
Nhiều nhà bán lẻ và các nhà thuốc, bao gồm Target và Walgreens đã phát triển các ứng dụng điện thoại thông minh giúp bạn tìm các phiếu giảm giá và chương trình chiết khấu cho mỗi giao dịch mua sắm hàng ngày.
Bỏ qua các ứng dụng này có thể khiến bạn mất thêm tiền, nên hãy rút điện thoại thông minh của bạn ra kiểm tra mỗi khi đi mua sắm.
29. Thực hiện chuyển khoản số dư thẻ tín dụng đắt đỏ
Nếu nhà phát hành thẻ tín dụng yêu thích của bạn đang đưa ra chương trình chuyển khoản lãi suất thấp hoặc không tính lãi suất, đừng phạm sai lầm bằng việc chuyển hàng nghìn USD qua đó mà không đọc kỹ hợp đồng.
Nhiều công ty thẻ tín dụng tính lệ phí chuyển tiền là tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền chuyển, vì thế bạn có thể phải trả khoảng vài trăm USD tiền phí - và lãi suất thấp khi đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Hãy dành thời gian tính toán tổng chi phí chuyển tiền để bạn không bị thiệt hại quá nhiều.
30. Bỏ qua các nhãn hiệu phổ thông
Khi mua hàng tạp hóa hay đồ gia dụng như gạo, yến mạch hay đồ lau chùi, chỉ trung thành với một thương hiệu cụ thể có thể khiến bạn tốn nhiều tiền. Trừ khi bạn có phiếu giảm giá, bạn có thể tiết kiệm tiền cho những món đồ này bằng cách chuyển sang những thương hiệu phổ thông hơn.
31. Tốn tiền mua nước đóng chai
Đúng là bạn phải uống 8 cốc nước mỗi ngày, nhưng đừng để mục tiêu uống đủ nước đó khoét một lỗ trong ví bạn. Hãy tiết kiệm bằng cách đầu tư máy lọc nước gắn với vòi nước hay vòi lọc nước - như vậy bạn chỉ cần bỏ tiền thay bộ lọc mà thôi.
32. Trả phí vận chuyển cao
Hãy chú ý đến các chi phí vận chuyển khi mua hàng, nếu không bạn sẽ phải trả nhiều tiền cho những món hàng hoàn toàn có thể được vận chuyển miễn phí. Nhiều cửa hàng sẽ vận chuyển miễn phí nếu hóa đơn của bạn đạt một mức tiền nào đó chẳng hạn. Kết hợp các đơn đặt hàng và lên kế hoạch từ trước sẽ giúp bạn giảm bớt chi phí khi đặt mua hàng trực tuyến.
33. Trả phí tài khoản thanh toán
Chính sách phí tài khoản thanh toán của ngân hàng bạn đang dùng là như thế nào? Một số ngân hàng miễn phí hàng tháng cho khách hàng mới trong thời gian khuyến mãi, nhưng sau đó sẽ thu phí 10 đến 12 USD một tháng nếu số dư tài khoản không đạt theo yêu cầu.
Hãy đọc kỹ các điều khoản và điều kiện để duy trì số dư tài khoản nhằm tránh phí phát sinh. Nếu bạn không thể đáp ứng yêu cầu, hãy trao đổi để chuyển sang một tài khoản thanh toán không thu phí, hoặc đổi sang ngân hàng khác có chính sách tốt hơn.
34. Bỏ qua ưu đãi thành viên phòng tập thể dục
Theo số liệu thống kê năm 2015 của Statistic Brain, 67% số người làm thẻ thành viên phòng tập thể dục không bao giờ dùng đến chúng. Bạn có thể mất vài USD mỗi ngày nếu bỏ tập hay bỏ qua toàn bộ chương trình tập luyện của mình.
Hãy cân nhắc những chi phí bạn sẽ mất trước khi quyết định bỏ một buổi tập. Nếu bạn không dùng thẻ thành viên, hãy trao đổi để hủy hoặc bảo lưu thẻ với phòng tập.
35. Bỏ lỡ đợt giảm giá sau kỳ nghỉ lễ
Nếu bạn là người lên kế hoạch bữa tiệc cho cả nhà, thích trang trí hay chỉ đơn thuần thích nghệ thuật và hàng thủ công, đừng bỏ quá nhiều tiền cho những món đồ tiệc tùng. Từ mũ đến hoa giấy, bạn có thể tìm thấy rất nhiều món đồ như vậy bán giảm giá tại các cửa hàng sau một kỳ nghỉ lễ lớn. Đây là thời điểm hoàn hảo để dự trữ chúng và dùng quanh năm.
36. Mua thẻ quà tặng tại cửa hàng hay nhà hàng
Lần tới khi nghĩ đến việc mua thẻ quà tặng cho bạn bè hay người thân, đừng mua trực tiếp tại cửa hàng hay nhà hàng. Thay vào đó, hãy mua từ các hệ thống phân phối như Sam’s Club hay Costco để tiết kiệm tiền.
Bạn có thể tìm thấy thẻ quà tặng cho các cửa hàng đồ ăn nhanh, chuỗi nhà hàng... với giá trị từ 25-50 USD trở lên - nhưng chi phí thực tế bạn phải trả thấp hơn như vậy vài USD. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua thẻ quà tặng giảm giá qua các trang web như GiftCardGranny.com, Raise.com và Cardpool.com.
37. Không đăng ký nhận email thông tin khuyến mãi
Khi đã tìm thấy nhà bán lẻ trực tuyến phù hợp để mua đồ nội thất, đồ dùng cá nhân hay đồ trang điểm, đừng trả đúng giá bán lẻ cho đơn hàng đầu tiên. Nhiều nhà bán lẻ trực tuyến sẽ giảm giá cho đơn hàng đầu tiên của bạn nếu bạn đăng ký nhận email thông tin của họ. Và những nhà bán lẻ khác có thể gửi những tin giảm giá đặc biệt trong tháng cho những người đăng ký nhận bản tin.
Đừng bỏ lỡ những cơ hội này, nếu không bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn cần thiết.
38. Mua hàng tạp hóa vào phút chót
Bạn đã biết đi mua đồ tạp hóa với cái bụng rỗng không phải là ý hay, vậy hãy tránh luôn sai lầm thường thấy này: không chờ đợt giảm giá trong tuần.
Hãy dành thời gian để vạch ra chiến lược mua hàng tạp hóa và ghi chú những ưu đãi và giảm giá hiện có để trả số tiền ít nhất có thể bất cứ lúc nào bạn cần.
39. Không tận dụng tất cả các lợi ích của cửa hàng bán lẻ thu phí thành viên
Bạn đã nỗ lực trả phí thành viên hàng năm tại các cửa hàng này, vì thế hãy tận dụng toàn bộ những lợi ích bạn được hưởng. Từ những khoản giám giá, bạn có thể tiết kiệm rất nhiều tiền khi mua sản phẩm hay dịch vụ.
Hãy xem lại thỏa thuận thành viên của bạn để biết thêm những ưu đãi khác ngoài chiết khấu hàng tạp hóa, quần áo và hàng gia dụng.
40. Thanh toán hóa đơn muộn
Nếu bạn không mở email hàng ngày hay theo dõi ngày thanh toán hóa đơn, bạn rất dễ phải tốn thêm tiền thanh toán hóa đơn muộn. Hầu hết các công ty sẽ thu thêm một khoản phí thanh toán muộn, và một số công ty thẻ tín dụng có thể sẽ hủy lãi suất ưu đãi nếu bạn không thanh toán đúng hạn.
Nếu tình trạng này kéo dài, các khoản thanh toán muộn sẽ xuất hiện trên báo cáo tín dụng và làm giảm điểm tín dụng của bạn.
41. Nhờ người đi gửi xe hộ để tiết kiệm thời gian
Khi bạn bị muộn giờ và cần đến một sự kiện, bạn có thể sẽ không có đủ thời gian hay kiên nhẫn để tìm một chỗ đậu xe gần điểm đến của mình. Vậy là bạn sẽ dùng dịch vụ gửi xe hộ để tiết kiệm thời gian - nhưng thực tế làm như vậy sẽ khiến bạn tốn tiền hơn.
Trừ khi bạn đã chuẩn bị tinh thần tốn 5-10 USD hoặc hơn, hãy vạch lộ trình đi qua những con đường ít ách tắc và khởi hành càng sớm càng tốt để không tốn tiền chỉ vì phải tìm chỗ đỗ xe.
42. Mua đồ ăn trong các sự kiện thể thao
Có thể bạn đã tiêu hơi quá khi mua vé để ủng hộ câu lạc bộ yêu thích của mình. Vì thế, hãy duy trì ngân sách chi tiêu bằng cách mua đồ ăn ở bên ngoài sân vận động. Nhiều người bán hàng bên trong sân vận động sẽ tính giá cao hơn cho các món ăn vì họ biết các cổ động viên sẽ không có nhiều lựa chọn ở đây.
Hãy ăn thật no trước khi đi xem trận đấu, hoặc gói sẵn đồ ăn nhẹ để không phải mua thức ăn tại sân vận động.
43. Trả phí đăng ký thành viên phòng tập thể dục
Bạn đã quyết định thực hiện chế độ tập thể dục, vì thế mua thẻ thành viên mới trở thành ưu tiên hàng đầu của bạn lúc này. Nhưng khi tìm địa điểm tập luyện lý tưởng, đừng lãng phí tiền đóng phí đăng ký và các chi phí khác bạn có thể tránh.
Các phòng tập thể dục mới mở trong khu phố có thể sẽ miễn phí đăng ký và giảm giá cho thành viên mới. Nếu như vậy, hãy tận dụng chúng.
44. Đậu xe tại các nhà hàng khách sạn
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều chỗ đỗ xe khi đưa người yêu đi ăn một bữa sang trọng hay lên kế hoạch tụ tập tại một nhà hàng xa hoa trong khách sạn. Tuy nhiên, những vị khách không lưu trú ở khách sạn thường sẽ bị tính phí đỗ xe.
Hãy đề nghị nhà hàng hay lễ tân khách sạn xác nhận việc đỗ xe của bạn để tiết kiệm 20 USD cho mỗi lượt xe.
45. Không đi khám nha sỹ
Nếu bạn đang gặp các vấn đề răng miệng, đừng trì hoãn việc đi khám nha khoa. Hãy lên lịch hẹn khám và dự phòng một số tiền trong ngân sách cho những sản phẩm nha khoa mà nha sĩ của bạn có thể đề nghị bạn sử dụng.
Trì hoãn việc đi khám càng lâu, bạn càng dễ phải trả nhiều tiền điều trị hơn về sau.
46. Không đi khám sức khỏe hàng năm
Nếu bạn đã bỏ khám sức khỏe hàng năm để tiết kiệm tiền vì nghĩ rằng bạn chẳng có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào, rất có thể bạn đang chuẩn bị phải bỏ nhiều tiền hơn để chăm sóc sức khỏe trong tương lai.
Hãy tận dụng hết các quyền lợi bảo hiểm của mình, và dành tiền cho các buổi khám bệnh bổ sung mà bác sỹ đề nghị để không tạo nguy cơ cho sức khỏe của bạn.
47. Không khảo giá trước khi mua thuốc
Khi bác sỹ đề nghị dùng bất cứ loại thuốc bán theo đơn nào, đừng giả định rằng bảo hiểm của bạn sẽ chi trả tất cả. Tùy thuộc vào nhà cung cấp bảo hiểm, bạn có thể sẽ phải trả một nửa hay một phần số tiền mua thuốc.
Nếu như vậy, hãy đi khảo giá để tìm hiệu thuốc có giá bán tốt nhất trong khu vực.
Báo cáo tiêu dùng cho thấy thuốc bán theo đơn của bạn có thể khiến bạn phải tốn tiền gấp 10 lần ở một nhà thuốc này so với nhà thuốc khác. Hãy tìm hiểu các lựa chọn ở các cửa hàng thành viên trả phí hay những nhà bán lẻ như Target hay Walmart để có mức giá tốt nhất.
48. Không tận dụng các phúc lợi chăm sóc sức khỏe của công ty
Nếu bạn làm việc cho một tập đoàn hay công ty lớn, bạn có thể sẽ nhận được các ưu đãi chăm sóc sức khỏe bên cạnh phúc lợi bảo hiểm y tế. Nhiều công ty dùng các phúc lợi này như một cách để khuyến khích sự cân bằng giữa công việc và đời sống của nhân viên.
Đừng lãng phí tiền mua thẻ thành viên phòng thể dục, điều trị cột sống hay dịch vụ tư vấn nếu công ty bạn có chính sách chi trả một phần hay toàn bộ các dịch vụ này cho bạn.
49. Mua sản phẩm tại spa làm đẹp
Bạn bước ra khỏi tiệm làm đẹp hay spa với một túi đầy các sản phẩm mà nhà tạo mẫu hay chuyên viên mát xa trị liệu của bạn khuyên dùng để có trải nghiệm thư giãn tương tự tại nhà - nhưng có lẽ bạn đang đốt tiền khi làm như vậy.
Thay vì mua dầu mát xa hay dầu gội đầu, hãy kiên nhẫn một chút và tiết kiệm tiền. Khi về nhà, hãy kiểm tra các cửa hàng bán lẻ trực tuyến như Amazon để tìm các sản phẩm thương hiệu đích thực với mức giá chiết khấu.
50. Phớt lờ các đề nghị giảm giá
Bạn rất dễ bỏ qua các đề nghị giảm giá không được quảng cáo mạnh trong các cửa hàng hay thậm chí được dán ngay cạnh một sản phẩm hạ giá. Trước khi quyết định mua hàng, hãy hỏi người bán đề biết có bất cứ chương trình giảm giá nào của nhà sản xuất không.
Sau đó, hãy dành thời gian so sánh giá bán khi mua trực tuyến và mua tại cửa hàng để bảo đảm bạn phải trả ít tiền nhất có thể./.