50% người trẻ tại châu Âu không thấy có vấn đề gì khi mua hàng nhái

Theo khảo sát,13% người dân châu Âu thừa nhận đã cố ý mua hàng giả trong 12 tháng qua và trong số những người ở độ tuổi từ 15 đến 24 có 26% thừa nhận đã mua hàng giả so với 6% ở độ tuổi 55-64.
Ảnh minh họa. (Nguồn: irish examiner)

Theo một nghiên cứu mới về nhận thức của công dân về sở hữu trí tuệ do Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) công bố, người dân châu Âu ngày càng nhận thức được rủi ro và hậu quả của việc mua sản phẩm giả mạo và truy cập nội dung từ các nguồn bất hợp pháp.

Người châu Âu nhận thức rõ về tệ nạn làm giả. Vì vậy, 80% trong số họ biết rằng hàng giả là công việc kinh doanh của các tổ chức tội phạm và gây hại cho doanh nghiệp và công việc. Tương tự, 83% số người được hỏi cũng cho rằng hàng giả khuyến khích và hỗ trợ hành vi phi đạo đức và 70% coi đó là mối đe dọa đối với sức khỏe, an toàn và môi trường.

Khi nói đến vi phạm bản quyền, 82% người châu Âu đồng ý rằng việc lấy nội dung kỹ thuật số từ các nguồn bất hợp pháp có nguy cơ dẫn đến các hành vi có hại như lừa đảo hoặc nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, 31% vẫn cho rằng việc mua hàng giả là chấp nhận được, chủ yếu là khi giá của sản phẩm gốc quá cao. Thậm chí, 50% những người trẻ từ 15 tuổi đến 24 tuổi không thấy có vấn đề gì khi mua hàng nhái.

Cụ thể hơn, 13% người dân châu Âu thừa nhận đã cố ý mua hàng giả trong 12 tháng qua. Trong số những người ở độ tuổi từ 15 đến 24, 26% thừa nhận đã mua hàng giả so với 6% ở những người ở độ tuổi 55-64 và 5% ở những người trên 65 tuổi.

[Người dân châu Âu không tiết kiệm được tiền trong đại dịch COVID-19]

Ở cấp quốc gia, tỷ lệ người tiêu dùng cố tình mua hàng giả dao động từ 24% ở Bulgaria đến 8% ở Phần Lan. Ngoài Bulgaria, việc cố ý mua hàng giả cao hơn mức trung bình của EU được ghi nhận ở Tây Ban Nha (20%), Ireland (19%), Luxembourg (19%) và Romania (18%).

Để chống lại nạn buôn bán hàng giả, 43% người châu Âu cho rằng giá của các sản phẩm gốc phải giảm, 27% đề cập đến những rủi ro về trải nghiệm không tốt như sản phẩm kém chất lượng, rủi ro về bảo mật (25%) hay từ lệnh trừng phạt (21%).

Mặc dù một số người mua hàng giả, tất nhiên biết rằng chúng không phải là sản phẩm chính hãng, nhưng đây không phải là trường hợp của tất cả người tiêu dùng. Gần 4 trong số 10 người châu Âu đã tự hỏi liệu sản phẩm họ đã mua có phải là hàng thật hay không và thậm chí 52% trong số đó là những người trẻ tuổi.

Người châu Âu thường phản đối việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền và 80% trong số họ nói rằng họ thích sử dụng các nguồn hợp pháp để truy cập nội dung trực tuyến nếu có sẵn tùy chọn hợp lý. Tuy nhiên, phần lớn mọi người (65%) cho rằng có thể chấp nhận vi phạm bản quyền đối với nội dung không có sẵn trong gói đăng ký của họ.

Ngoài ra, 14% người châu Âu thừa nhận đã cố ý truy cập nội dung thông qua các nguồn bất hợp pháp trong 12 tháng qua. Tỷ lệ này là 33% đối với thanh niên từ 15 tuổi đến 24 tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục