50 năm tiếng hát Quang Thọ và di sản người thầy vĩ đại

Đêm nhạc 50 tiếng hát nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ - “Hãy đến với anh” tối 11/11 tại Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội đã khép lại với dư âm tròn đầy. Tròn đầy về cảm xúc và di sản âm nhạc.
Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ. (Ảnh: VietArt)

1. Đêm nhạc 50 tiếng hát nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ - “Hãy đến với anh” tối 11/11 tại Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội đã khép lại với dư âm tròn đầy. Tròn đầy về cảm xúc và di sản âm nhạc mà cả cuộc đời người nghệ sỹ cống hiến trong suốt nửa thế kỷ hát.

Ở tuổi 70, cái tuổi đã ở ga cuối cuộc đời với nhiều người, cái tuổi được mặc định nên nghỉ ngơi được rồi với đại đa số… nhưng nghệ sỹ Quang Thọ vẫn hát thênh thênh suốt đêm nhạc. Khoảnh khắc tấm màn nhung mở ra, giọng hát hào sảng của Quang Thọ cất lên “Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ” khiến tất cả khán giả sởn da gà xúc động. Trên bục cao, vẫn tiếng hát đó, cất vang phơi phới “Gặp em trên cao lộng gió, rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ…”

Tầm vóc của người nghệ sỹ lớn không chỉ sung sức trong giọng hát, mà Quang Thọ còn trẻ trong phong thái biểu diễn, trẻ trong tâm hồn hát, ông thay áo liên tục uyển chuyển và nhuần nhị kết hợp với các dòng nhạc khác nhau hay đứng cạnh các học trò.

Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ và hai học trò Đăng Dương, Trọng Tấn. (Ảnh: Vietart)

Lâu lắm rồi, công chúng yêu nhạc mới được ngồi lặng yên và thư giãn thưởng thức đêm nhạc đúng nghĩa, kết tinh từ vẻ đẹp âm nhạc, giọng hát, tâm hồn, tri thức của người nghệ sỹ đích thực. Trên sân khấu được dàn dựng bề thế, cân đối, giọng hát mãi xanh của người nghệ sỹ dẫn lối cảm xúc khán giả đi qua những miền âm nhạc trù phú, không màu mè và cũng chẳng có chiêu trò. Sự chuẩn mực và ấm áp kết nối cảm xúc bao giờ cũng thật đáng trân trọng.

Chuyên trị dòng chính ca, đêm nhạc 50 năm tiếng hát Quang Thọ lại không chỉ “Đỏ.” Sự chỉn chu, khúc triết và mềm mại của giám đốc âm nhạc Lưu Hà An đã làm được một việc là phủ màu sắc trữ tình chủ đạo cho đêm nhạc. Dàn dây và bè phối góp một phần không nhỏ làm nên những khoảnh khắc bùng bổ của Quang Thọ và các học trò.

Như một lời mời trân trọng và đầy ngụ ý, “Hãy đến với anh” đã đưa khán giả qua những bất ngờ khi được khám phá sự thượng thừa và biến báo trong tiếng hát của Quang Thọ: hào sảng qua những bài hát cách mạng nhưng vô cùng lãng mạn qua những bản tình ca.

Tâm hồn hát, tri thức hát dạn dày và mẫu mực suốt nửa thế kỷ khiến Quang Thọ hát “Trường ca sông Lô,” “Bình Trị Thiên khói lửa” hay “Đêm Đông,” “Hãy đến với anh,” “Em ơi Hà Nội phố”… thì đều lai láng tình cảm và dạt dào xúc cảm, không có khoảng cách về dòng nhạc hay thể loại.

Ở tuổi 70, giọng hát Quang Thọ vẫn sung sức, lai láng... (Ảnh: VietArt)

Cứ thế, suốt ba giờ đồng hồ, hiếm khi nào khán giả thấy ông thấm mệt và bối rối vì… quên bài. Nhiều di sản âm nhạc Việt Nam lần lượt lật dở qua tiếng hát baritone trầm ấm, trữ tình của người nghệ sỹ nhân dân, ngầm khẳng định giọng hát Quang Thọ là có một không hai.

2. Đến với Quang Thọ trong đêm nhạc “Hãy đến với anh” càng thấy một điều rằng, nhẽ ra, đêm nhạc này phải được đặt tên là “Quang Thọ và các học trò.”

Là bởi, bên cạnh dấu ấn di sản tiếng hát lừng lẫy, giá trị người nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ để lại không chỉ là nửa thế kỷ hát mà còn là sự nghiệp đào tạo ra một thế hệ vàng những “ông sao” và “cô sao” cho thanh nhạc Việt Nam. Đào tạo cũng chính là kiến tạo. Nửa thế kỷ hát và giảng dạy của người nghệ sỹ nhân dân đã đào tạo, kiến tạo thế hệ học trò ưu tú. Trong đêm nhạc 50 ca hát của mình, Quang Thọ lần lượt có những màn kết hợp ấm áp và thơ thới cùng các học trò. Cũng là Quang Thọ lúc trầm hùng cùng Bình Trị Thiên khói lửa với cặp tenor Đăng Dương và Trọng Tấn, lúc lại xao xuyến với Lan Anh “Thu quyễn rũ,” rồi da diết “Hãy đến với anh” cùng Khánh Linh, hay chất chứa “Trường ca sông Lô’ với người con trai Quang Tú.

Nghệ sỹ Quang Thọ và học trò Lan Anh. (Ảnh: VietArt)

Có cảm tưởng, sự trìu mến, bao dung và đĩnh đạc của ông như lòng biển bao la, dợn sóng dìu dắt và đẩy đưa từng con thuyền trên hành trình âm nhạc.

Trên cương vị một người thầy, lòng tận tâm và sự khác biệt trong phương pháp đào tạo luôn khích lệ thế mạnh cá nhân của từng học trò, Quang Thọ đã truyền thụ những kinh nghiệm, kỹ thuật và niềm say mê cống hiến âm nhạc cho học trò. Để ngày hôm nay, âm nhạc chính thống và đương đại có một thế hệ “ông sao” và “cô sao” trưởng thành từ sự dìu dắt của ông. Những Đăng Dương, Trọng Tấn, Tùng Dương, Lan Anh, Khánh Linh, Tân Nhàn, Tuấn Anh, Quang Tú tụ hội trưởng thành trên sân khấu ngày hôm nay, mỗi người một dấu ấn, một phong cách không trộn lẫn đã tôn vinh đậm đầy sự nghiệp làm Thầy vĩ đại của Quang Thọ.

Trong tất cả dàn sao học trò của Quang Thọ, dễ nhận ra, mỗi người một vẻ, không ai là “bản sao Quang Thọ.” Trong đó, sự thành danh và biến báo của Tùng Dương trên sân khấu biểu diễn ngày hôm nay, đặc biệt bản lĩnh và sự cá tính đương đại của Tùng Dương trong đêm nhạc của thầy Quang Thọ qua hai ca khúc "Trên đỉnh Phù Vân" "Hò biển" là minh chứng rõ rệt nhất cho phương pháp đào tạo, ươm mầm và kiến tạo tài năng, khích lệ bản sắc cá nhân của thầy Quang Thọ.

Ngoài các phần kết hợp với học trò, Quang Thọ còn có màn “tái ngộ” đặc biệt xúc động với cố nghệ sỹ nhân dân Lê Dung. Ở những khắc cuối đêm nhạc, giọng hát huyền thoại của Lê Dung cất lên “Những ngôi sao ca đêm” khiến tất cả những người có mặt sởn da gà xúc động. Màn “tái ngộ” này giúp nhắc nhớ về một thời ký ức không thể nào quên của cặp đôi nghệ sỹ đồng điệu trong âm nhac: Quang Thọ - Lê Dung. Hai tiếng hát cùng quê hương Quảng Ninh, cùng xuất phát điểm trong phong trào hầm lò, thao trường đến giảng đường đã làm nên dấu ấn mãi mãi của Quang Thọ và Lê Dung.

Thầy giáo Quang Thọ bên cạnh thành tựu đào tạo của mình trong đêm nhạc để đời... (Ảnh: VietArt)

Nửa thế kỷ hát và giảng dạy, từ người thợ mỏ đến nghệ sỹ nhân dân không thiếu những thăng trầm, gập ghềnh nhưng Quang Thọ đã đi trên một con đường âm nhạc đẹp - hơn cả những danh hiệu từ người nghệ sỹ, giá trị nhân bản mà Quang Thọ cống hiến và kiến tạo chính là những người con âm nhạc, những tiếng hát để đời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục