Trong không khí hào hùng những ngày tháng Tư lịch sử, phóng viên TTXVN có dịp cùng Đoàn các lực lượng tham gia chiến đấu trên chiến trường, giải phóng tỉnh Khánh Hòa năm 1975, về thăm lại chiến khu Hòn Dù (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh), nơi có vai trò quan trọng đặc biệt trong xây dựng phong trào cách mạng của vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Từ trung tâm thành phố Nha Trang, xe theo tuyến Quốc lộ 27C vào trung tâm thị trấn Khánh Vĩnh, rồi thẳng tiến đến tận xã Khánh Trung.
Dưới bóng cây Kơnia nằm trong chiến khu xưa, anh Đặng Ngô Hoàng Vinh, Bí thư Xã đoàn Khánh Trung giới thiệu lịch sử giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954-1975.
Nổi bật từ năm 1973 đến tháng 4/1975, quân và dân xã Khánh Trung đã cùng các lực lượng vũ trang đóng quân ở Hòn Dù ngăn chặn 35 cuộc càn quét lớn, nhỏ của địch, góp phần đảm bảo an toàn của khu hậu cứ của cách mạng.
Căn cứ cách mạng Hòn Dù nằm trong một dãy núi phần lớn nằm ở xã Khánh Trung, một phần ở các xã Khánh Nam và Khánh Thượng, thuộc huyện Khánh Vĩnh. Các ngọn núi có nhiều hang động, rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ lớn.

Trên sườn núi có nhiều dòng suối nhỏ chảy về các thôn A Xây, Suối Lách, Suối Ca, Bắc Sông Giang… Xung quanh Hòn Dù, dân cư chủ yếu là người Raglai. Căn cứ có vị trí rất thuận lợi để giao liên với các tỉnh phía Tây như Lâm Đồng, Đắk Lắk và các vùng trong tỉnh như Khánh Sơn, Ninh Hòa và Diên Khánh.
Cựu chiến binh Mạc Đăng Bình (sinh năm 1951), nguyên Đại úy thuộc Tiểu đoàn Đặc công 470, Tỉnh đội Khánh Hòa nhìn về hướng dãy núi kể, 50 năm về trước, bộ đội toàn ở trên đỉnh núi (khoảng 1.000m), tự trồng ngô, sắn làm lương thực, thỉnh thoảng mới có dịp xuống phía dưới nhận tiếp viện.
Giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ 1954-1975, có Tỉnh ủy, Tỉnh đội đóng quân, nằm trong các hang đá sâu, tránh được những trận càn quét lớn của địch.
"Nửa thế kỷ trôi qua, trở lại chiến trường xưa, nơi biết bao đồng đội nằm xuống, tôi xúc động không biết nói gì hơn. Ngày xưa, chúng tôi được người dân vùng đồng bào miền núi che chắn, nuôi cơm, trồng sắn cho ăn, góp phần có được chiến thắng lẫy lừng năm 1975. Ngày nay, tôi vui mừng trước sự đổi thay của vùng đất là căn cứ cách mạng Hòn Dù, đường được bê tông, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có đầy đủ cơ sở vật chất khang trang, tự sản xuất lúa gạo có hiệu quả, không còn cảnh đói kém như ngày chúng tôi còn ở rừng sâu", ông Mạc Đăng Bình nói. Cùng trở về lần này, ông Đặng Ngọc Tú, nguyên Đài trưởng Đài 15W, Tỉnh đội Khánh Hòa cũng bồi hồi nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ đã cống hiến cho cách mạng.
Thời điểm năm 1975, ông được giao nhiệm vụ nhận điện (mã morse) từ Trung ương gửi về Khánh Hòa. Có những hôm đang nhận điện thì địch cho thả bom quanh vùng căn cứ, mất kết nối, thời tiết nhiều mây gây nhiễu, các chiến sỹ thông tin liên lạc của Khánh Hòa phải trèo lên ngọn cây để khắc phục.
"Sau khi tỉnh Khánh Hòa giải phóng, ngày 2/4/1975, lực lượng ta từ chiến khu Hòn Dù về Nha Trang để làm nhiệm vụ. Tôi vẫn nhớ, từ trên núi xuống thành phố ánh đèn điện làm cho mình choáng ngợp. Ngay sau khi nhận thông tin giải phóng Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ), ngày 1/5/1975, tỉnh Khánh Hòa tổ chức mít tinh, người dân đổ ra đường chung vui cùng nhân dân miền Nam. Giờ đây trở lại chiến khu, trở lại Khánh Hòa, tôi vui mừng trước sự đổi thay của quê hương cách mạng," ông Tú bồi hồi.

Căn cứ cách mạng Hòn Dù là một trong những căn cứ kháng chiến lớn của quân và dân Khánh Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã chứng kiến và ghi dấu biết bao sự kiện lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và chính quyền cách mạng huyện Khánh Vĩnh nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Ông Nguyễn Ngọc Hoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Trung khẳng định căn cứ cách mạng Hòn Dù không chỉ là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc miền núi Khánh Vĩnh, mà còn là biểu tượng của ý chí chiến đấu tuyệt vời của toàn thể đồng bào, chiến sỹ tỉnh Khánh Hòa.
Ngày nay, căn cứ cách mạng Hòn Dù được địa phương giữ gìn, tổ chức các hoạt động giáo dục cho thế hệ trẻ. Tháng 10/2008, Khu căn cứ cách mạng Hòn Dù được Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.
Kế thừa những vinh quang của thế hệ trước, Ủy ban nhân dân xã Khánh Trung ngày nay tập trung xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, giảm nghèo bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Đối với Khu căn cứ cách mạng Hòn Dù, xã đang định hướng phát triển thành điểm du lịch cộng đồng thời gian tới, với phân khu 15ha./.

50 năm thống nhất đất nước: Sức sống mới ở vùng căn cứ cách mạng Sơn Điền
“Ốc đảo” Sơn Điền - vùng căn cứ nuôi quân cách mạng xưa kia - giờ là buôn làng trù phú với những ngôi nhà kiên cố lẫn trong màu xanh bát ngát của núi rừng, các vườn càphê, sầu riêng, lúa, dâu tằm.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu