Bài 2: 50 năm ký Hiệp định Paris: Quảng Trị - điểm đến của hòa bình

50 năm ký kết Hiệp định Paris: Nhìn từ mặt trận Quảng Trị

Sau 50 năm Hiệp định Paris được ký kết, những địa danh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trên vùng “đất lửa” Quảng Trị nói chung, Thành cổ Quảng Trị nói riêng trở thành "địa chỉ đỏ."
Thành cổ Quảng Trị đang vươn mình đổi mới phát triển. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã buộc Mỹ phải công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam.

Thắng lợi của Hiệp định Paris cùng với những chiến công to lớn của quân và dân ta trên các mặt trận đã viết nên khúc khải hoàn Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, tỉnh Quảng Trị hình thành 2 vùng gồm: vùng giải phóng chiếm 85% diện tích, vùng tạm bị chiếm gồm huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và 5 xã phía Nam huyện Triệu Phong chiếm 15% diện tích. Do đó, quân và dân Quảng Trị tiếp tục đấu tranh với chính quyền ngụy, đến ngày 19/3/1975 giải phóng hoàn toàn vùng tạm chiếm.

Nhớ lại ngày Hiệp định Paris được ký kết, ông Ngô Quận (74 tuổi), nguyên Đội trưởng Đội trinh sát An ninh vũ trang của An ninh huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chia sẻ ngay sau khi biết tin Hiệp định Paris được ký kết, quân và dân ta rất vui mừng, hồ hởi mang cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cắm khắp nơi, thậm chí luồn sâu vào lòng địch để cắm cờ này nhằm xác lập chủ quyền lãnh thổ của ta.

Tuy nhiên, quân và dân ta xác định đã đánh cho “Mỹ cút” nhưng chính quyền ngụy vẫn còn nên phải dốc sức đánh cho “ngụy nhào” như lời Bác Hồ căn dặn, để miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước được hòa bình và thống nhất.

Sau 50 năm Hiệp định Paris được ký kết, những địa danh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trên vùng “đất lửa” Quảng Trị nói chung, Thành cổ Quảng Trị nói riêng trở thành "địa chỉ đỏ" để khơi dậy lòng tự hào và giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn đáp nghĩa," đồng thời vun đắp khát vọng hòa bình.

Theo Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, xây dựng thị xã Quảng Trị giàu đẹp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, phấn đấu đạt đô thị loại III vào năm 2025, hướng đến đô thị hòa bình.

Xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến-không gian vì hòa bình chính là xây dựng nơi đây trở thành biểu tượng của sức sống mạnh liệt, tôn vinh các giá trị của hòa bình, khát vọng hòa bình của nhân loại, là nơi tri ân các Anh hùng liệt sỹ và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh.

[Xây dựng thị xã Quảng Trị thành đô thị mang biểu tượng hòa bình]

Thị xã Quảng Trị ngày nay đã trở thành trung tâm kinh tế, du lịch dịch vụ phía Nam của tỉnh Quảng Trị. Thị xã đã mang dáng dấp của đô thị hiện đại với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, giúp kết nối với địa phương khác; nhiều khu đô thị mới hiện đại được xây dựng; các tuyến đường được mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc trưng riêng có của địa phương là phát triển du lịch tâm linh-hoài niệm với các chương trình như: "Đêm hoa đăng" trên sông Thạch Hãn, "Đêm Thành cổ" ở Thành cổ Quảng Trị; thắp nến tri ân, dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, thu hút bình quân khoảng 400.000 lượt khách/năm.

Sản phẩm du lịch này ngày càng được làm mới nhưng vẫn vẹn nguyện sự linh thiêng vốn có. Điển hình là việc tổ chức tour du lịch ban đêm tại Thành cổ Quảng Trị.

Theo ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, việc tổ chức tour ban đêm để phát huy giá trị lịch sử của di tích, tạo không gian mới cho hoạt động tri ân; đồng thời gửi thông điệp đến mọi người là hãy đến với Quảng Trị để thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân quý giá trị của hòa bình.

Tỉnh Quảng Trị đang xây dựng Đề án tổ chức Festival Vì hòa bình nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, đồng thời chuyển tải thông điệp của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Với định kỳ hai năm một lần, không gian chính của Festival Vì hòa bình sẽ được tổ chức tại Thành cổ Quảng Trị và được mở rộng ra các nghĩa trang liệt sỹ, di tích lịch sử cách mạng.

Tỉnh cũng tiếp tục nâng tầm thương hiệu du lịch: “Ký ức chiến tranh-khát vọng hòa bình” gắn với du lịch tâm linh, hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sỹ, là nơi yên nghỉ của gần 60.000 liệt sỹ trong cả nước; trong đó có hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Đường 9.

Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống gần 500 di tích lịch sử cách mạng như: Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Đường 9-Khe Sanh-Làng Vây-Lao Bảo-Sân bay Tà Cơn-đồi Động Tri, Căn cứ Dốc Miếu. Những địa danh này là minh chứng sinh động ghi dấu ấn đau thương và hào hùng, khát vọng cháy bỏng về hòa bình và thống nhất non sông của dân tộc.

Tháp chuông Thành cổ được khánh thành vào ngày 29/4/2007 để tưởng nhớ hương hồn các anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh xương máu vì độc lập dân tộc. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Các di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 đã được đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, phục vụ du khách, người dân đến tham quan và viếng vào ban đêm, đồng thời đang được tu bổ tôn tạo.

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh đầu tư 80 tỷ đồng thực hiện Dự án Công viên Thống Nhất nhằm tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, cụ thể gồm các hạng mục: Kỳ đài, cầu Hiền Lương, Nhà liên hợp, chỉnh trang cảnh quan và các mục phụ trợ.

Sau khi được hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành công viên chuyên đề lịch sử, là điểm nhấn về văn hóa, du lịch, mang tính biểu tượng về truyền thống, bản sắc văn hóa lịch sử.

Cũng trong giai đoạn này, Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị được đầu tư 90 tỷ đồng để tu bổ, bảo tồn, tôn tạo một số hạng mục và chống xuống cấp. Dự án này nhằm tạo ra điểm đến du lịch, liên kết với các điểm đến khác trong vùng để phát triển du lịch bền vững đa dạng.

Tinh thần vượt khó, sáng tạo trong đấu tranh để giành thắng lợi Hiệp định Paris đã và đang được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Trị phát huy trong phát triển kinh tế.

Năm 2022, kinh tế của tỉnh đạt được những kết quả quan như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,17% so với năm 2021, tổng thu ngân sách trên 4.520 tỷ đồng, đạt 109% dự toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 27.000 tỷ đồng vượt 13% kế hoạch.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao vào năm 2025 và nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉnh cũng tập trung phát triển kinh tế dựa trên ba trụ cột gồm công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp và du lịch dịch vụ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh trong phát triển kinh tế, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng với điện gió, điện mặt trời, điện khí ít tác động đến môi trường, để tạo đột phá và đưa địa phương trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung vào năm 2030./.

Bài 1: Mặt trận Quảng Trị góp phần giành ưu thế trên bàn đàm phán

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục