Bài 1: Hành trình đến Paris ủng hộ hòa bình cho Việt Nam

50 năm Hiệp định Paris về Việt Nam và 48 năm thống nhất đất nước

Cách đây 54 năm, để ủng hộ Việt Nam, ba thanh niên trẻ người Thụy Sĩ đã đi từ Thụy Sĩ tới Pháp để treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris.
50 năm Hiệp định Paris về Việt Nam và 48 năm thống nhất đất nước ảnh 1Những bức ảnh mô tả quá trình các chàng trai Thuỵ Sĩ leo lên chóp tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris để treo cờ Việt Nam. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rất quan trọng dưới nhiều hình thức của bạn bè quốc tế.

Cách đây 54 năm, ba thanh niên trẻ người Thụy Sĩ, Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam bằng chuyến đi từ Thụy Sĩ tới Pháp để treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 19/1/1969, thời điểm Hội nghị 4 bên về Việt Nam chính thức bắt đầu tại Paris.

Nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (1973-2023) và 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), các ông Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff, nay đều ở độ tuổi 80, đã kể lại hành trình đầy cảm hứng của sự kiện treo lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris ngày ấy.

Bài 1: Hành trình đến Paris ủng hộ hòa bình cho Việt Nam

Dẫu câu chuyện đã diễn ra hơn 50 năm trước, song qua lời kể lại, các phóng viên TTXVN vẫn cảm nhận được nhiệt huyết, lòng dũng cảm và lý tưởng của 3 người bạn Thụy Sĩ, khi đó đều hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.

Ông Olivier Parriaux cho biết ngay khi nghe tin Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ba người họ nhận ra rằng việc tiến hành các cuộc đàm phán này tại Paris từ ngày 18/1/1969 sẽ là một sự kiện đáng để "ăn mừng" vì sẽ đưa đến việc công nhận quốc tế đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau 9 năm thành lập.

Ông chia sẻ: “Chúng tôi biết được đàm phán ở Paris cuối cùng sẽ khai mạc tuần ngày 19/1... Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, chúng tôi đã quyết định lựa chọn một địa điểm cao, không phải là là tháp Eiffel, mà là một nơi mang đậm tính nhân văn và được cả thế giới kính trọng, đó chính là Nhà thờ Đức Bà Paris."

Theo kế hoạch, Olivier Parriaux, khi đó 25 tuổi là sinh viên vật lý và Noé Graff (24 tuổi, sinh viên khoa luật) đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, hỗ trợ Bernard Bachelard, một giáo viên thể dục 26 tuổi, leo lên chóp tháp.

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được chính người vợ khéo tay của Bernard Bachelard trực tiếp chuẩn bị. Thời điểm đó, cũng không quá khó để có thể kiếm được lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam bởi vì các phong trào biểu tình phản chiến diễn ra mạnh mẽ.

Họ dự định không sử dụng thiết bị leo núi mà sẽ leo bằng tay không lên chóp tháp Viollet-le-Duc của nhà thờ Đức Bà Paris vào ban đêm, treo lá cờ lên cây thánh giá ở trên đỉnh cao 96m.

"Hành động này đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng vì chúng tôi không phải là người Paris, chúng tôi cũng chưa biết rõ sẽ làm thế nào để leo lên được đỉnh cao đó. Nhưng ngay khi có thông báo các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 18/1/1969, chúng tôi đã mượn một chiếc xe 2CV và lên đường," ông Olivier Parriaux nhớ lại.

Sau hàng giờ rong ruổi trên con đường A6, ba thanh niên Thụy Sĩ đã đến Paris vào tầm trưa thứ Bảy, 18/1/1969, với hành trang, ngoài lá cờ nửa đỏ nửa xanh, chỉ vỏn vẹn một cuộn vải lụa, một dây thừng dài, một cưa sắt và ít đồng franc Pháp.

Thời tiết mùa Đông hôm đó khá gió, với nhiệt độ khoảng trên 4 độ. Hòa vào dòng khách du lịch trước khi hết giờ tham quan, họ đến tháp chuông Nam vào khoảng 15h30, đến lối đi đầu tiên của tháp ở độ cao 45m và là tầng cao của ô sáng kết nối hai tháp chuông.

Sau thời gian quan sát, hai thanh niên Bernard Bachelard và Olivier Parriaux tìm được lối lên tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà.

[Gặp những người treo cờ Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris]

Bóng tối buông xuống vào khoảng 18h. Với sự cảnh giới của Noé Graff, hai người men theo máng hứng nước dọc gian giữa của nhà thờ, đến chân tháp và từ từ leo lên, đầy khó khăn và mạo hiểm.

Có những đoạn họ phải lách qua khoảng trống giữa các cánh gập của lam chớp, ôm lấy những xà gỗ sồi khổng lồ để tụt xuống phía dưới 10m, người phủ kín lớp bụi hàng thế kỷ.

Từ tháp chuông sang tường máng xối không có lối đi liên tục như những gì được vẽ trong tập bản đồ ở thư viện mà 3 người đã nghiên cứu, buộc họ phải nhảy qua khoảng cách tới 2m ở độ cao là 35m.

Ông Olivier Parriaux kể: "Trời đã tối. Lưng chạm tường của tháp chuông, không có chỗ lùi lấy đà, Bachelard phóng qua không khó khăn. Còn tôi nhảy qua chỉ suýt soát, may được giữ lại."

Một đoạn khó đi khác là chỗ giao gian giữa-gian ngang, nơi đặt một dãy tượng bằng đồng rập nổi, thờ nhà truyền giáo Thánh Marco, bắt đầu với biểu tượng con sư tử có cánh.

Các tượng này được lắp đặt trên bệ theo những bậc thang có độ dốc cao hơn 2m mà không có chỗ lồi để bám vào-chiều cao của các bức tượng hơn 3m.

Hai người phải mất 1 giờ trèo lên, tuột xuống mới tới được thân của chóp tháp, cuối cùng cũng đến được hành lang mở thứ nhất vào khoảng 9 giờ tối. Từ đây, hành trình dễ dàng hơn do ở trong nhà.

Mặc dù xuất hiện những bất ngờ trên, hai người vẫn có mặt tại chân tháp theo đúng thời gian dự định. Choàng cuốn vải lụa qua vai, Bacchus buộc đầu dây an toàn leo núi vào thắt lưng của mình.

50 năm Hiệp định Paris về Việt Nam và 48 năm thống nhất đất nước ảnh 2Những hình ảnh ghi lại quá trình lính cứu hỏa dùng trực thăng để gỡ lá cờ Việt Nam trên chóp tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris, được đăng tải trên báo chí quốc tế. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Lá cờ bằng lụa kích thước 3x5m, có viền được gia cố để lồng được sợi dây ở hai đầu có buộc móc lò xo. Cờ được xếp theo dạng đàn phong cầm thay vì cuốn gọn lại để có thể bung ra mà không bị xoắn; cuốn vải lụa được giữ bằng mười dây thun nối nhau bởi một dây thừng sợi nhỏ và dài 12m.

Cuộc leo lên chóp tháp bằng tay không, bắt đầu vào khoảng 22h. Bên sườn Bắc của chóp tháp là những thanh sắt nẹo vào tường và cách nhau khoảng 60cm.

Chóp tháp có mặt cắt hình bát giác, dọc theo 8 cạnh có các “móc” trang trí gothic-là những hoa văn đắp nổi, mô tả những chồi cây, nhóm theo hình vương miện và cách nhau khoảng 2m.

Bám vào những điểm tựa này, hai người leo thật chậm, vừa leo vừa kiểm tra để đảm bảo rằng thanh sắt tiếp theo vẫn neo chắc chắn vào tường sau một thế kỷ thời tiết mưa gió và chu kỳ nhiệt.

Càng leo lên đỉnh nhọn của chóp tháp, cơ thể hai người cảm nhận rõ từng đợt gió thổi qua, nhìn thấy vũ điệu của tả ngạn sông Seine phía xa, các mái nhà thờ phía dưới gần như bằng phẳng.

Ông Olivier Parriaux kể tiếp: "Tôi dừng lại ở 3m dưới vương miện hoa hồng và hoa loa kèn có đường kính 1m. Tôi sẽ ở đây trong khi Bacchus thực hiện giai đoạn leo cuối cùng và rủi ro nhất vào lúc 22h45: tiến lên cây thánh giá. Vượt qua phần cao khó khăn của vương miện hoa hồng, Bacchus leo lên cột kim loại đến chân cây thánh giá cao 6m và nắm lấy hoa văn ở chân cây thánh giá. Leo lên thanh đứng của thánh giá theo kiểu leo cột, Bacchus bám vào những họa tiết trang trí ở điểm chéo nhau của thánh giá, và gắn móc lò xo của phía trên lá cờ."

Với sự dũng cảm của Bernard, mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ. Trên hành trình đi xuống, hai ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux đã cưa một số thanh sắt để ngăn cản lính cứu hỏa có thể tiếp cận ngọn tháp, đảm bảo rằng lá cờ sẽ ở trên ngọn tháp đủ lâu để mọi người nhận thấy vào hôm sau, Chủ Nhật ngày 19/1.

Sau hành trình 30 giờ dũng cảm, có phần mạo hiểm của những thanh niên đến từ Thụy Sĩ, ngày 19/1/1969, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cứ thế tung bay trên nền trời xanh của Paris, dưới những ánh mắt thán phục của người dân và khách du lịch.

Sự kiện đã trở thành đề tài nóng hổi cho báo chí quốc tế khai thác. Nhiều ngày sau, các tờ báo lớn ở Pháp, Mỹ và nhiều nước đã đăng tải hình lá cờ tung bay trên nóc tháp với những tình tiết tháo gỡ lá cờ một cách ly kỳ, cùng các giả thuyết về người treo cờ./.

Bài 2: Sức lan tỏa của lá cờ giải phóng

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục