"Do vị trí đặc biệt quan trọng nên Tàu Ô trở thành chiến lũy án ngự đoạn Đường 13, đây là bàn đạp quan trọng để ta phát triển xuống vùng trung tuyến hoặc địch tiến ra vùng giải phóng. Tàu Ô trở thành khu vực trọng điểm giành giật giữa ta và địch trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.
Trong chiến dịch Nguyễn Huệ và chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, quân và dân ta giành được những thắng lợi quan trọng, tạo ra được bước phát triển cả về lực lượng và thế trận trên chiến trường Đông Nam Bộ. Thế nhưng, hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống, hơn 5.000 đồng bào bị địch sát hại."
Đây là nội dung được các đại biểu dự Tọa đàm “Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô-50 năm một chặng đường (28/8/1972-28/8/2022)" nêu rõ khi đề cập đến những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.
Tọa đàm do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước và Quân đoàn 4 tổ chức chiều 25/8 tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
“Chốt cứng, chặn đứng” chia cắt địch trên đường 13
Tham luận của các đại biểu cho thấy, trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 trên chiến trường Đông Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Miền sử dụng ba sư đoàn bộ binh (Sư đoàn 5, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9) và lực lượng vũ trang Bình Phước tham gia chiến dịch.
Sư đoàn 7 và lực lượng vũ trang Bình Phước được giao nhiệm vụ chốt chặn Tàu Ô (nay thuộc thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) kết hợp đánh vận động, sau đó chuyển sang chiến đấu phòng ngự khu vực đã chia cắt địch trên đường 13.
Nhắc lại những mốc son lịch sử trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, tham luận của các đại biểu nêu rõ, quân và dân ta có nhiệm vụ tấn công, ngăn chặn địch trên đường 13 dài gần 20km (đoạn từ phía nam Bình Long đến phía bắc Chơn Thành), trọng điểm là khu vực Tàu Ô để quân ta giải phóng Lộc Ninh và tiến công thị xã An Lộc.
Thực hiện phương châm chỉ đạo chiến dịch “chốt cứng, chặn đứng” kết hợp giữ vững trận địa dài ngày và ngăn không cho địch dùng xe tăng, xe cơ giới vượt qua chốt chặn Tàu Ô, lấy thế trận bao vây, chia cắt, chặn bộ binh, cơ giới địch lên tăng viện và không cho địch tháo chạy về Sài Gòn…
Cụm chốt chặn chiến dịch trên đường 13 (Tàu Ô) có vị trí đặc biệt quan trọng trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.
Đường 13 là tuyến đường chiến lược quan trọng dài 130 km từ biên giới Campuchia xuyên qua Bình Long và Thủ Dầu Một rồi vào Sài Gòn; đồng thời là con đường vận chuyển tiếp tế cho hai tỉnh Bình Long và Phước Long.
Mỹ-ngụy xác định tổ chức phòng ngự trên đường 13 là tuyến đường quan trọng che chở cho phía Bắc Sài Gòn, do đó địch ra sức xây dựng ở đây một hệ thống phòng thủ gồm cụm và nhiều vị trí quan trọng do Sư đoàn 5 bộ binh ngụy đóng giữ.
Đặc biệt đoạn từ Lai Khê lên thị xã Bình Long địa hình tương đối bằng phẳng, trong đó đoạn từ ngã ba Xóm Ruộng đến Tàu Ô lên nam Tân Khai là khu vực quan trọng nhất.
Nếu chiếm được khu vực “yết hầu” này thì toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên đường 13 sụp đổ, Sài Gòn lập tức bị uy hiếp.
Do vị trí tự nhiên đặc biệt quan trọng nên Tàu Ô-Xóm Ruộng trở thành chiến lũy án ngự đoạn đường 13. Đây là bàn đạp quan trọng để quân ta phát triển xuống vùng trung tuyến hoặc địch tiến ra vùng giải phóng.
Tàu Ô-Xóm Ruộng trở thành khu vực trọng điểm giành giật giữa ta và địch trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.
Trên cơ sở phân tích tình hình chiến sự, lực lượng của địch, Bộ Tư lệnh Miền hạ quyết tâm cao và huy động, bố trí ba sư đoàn bộ binh chủ lực (Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9) cùng với sự tăng cường của các đơn vị, lực lượng vũ trang Bình Phước.
[50 năm 'thủ đô kháng chiến' - vùng đất đỏ Lộc Ninh ở Bình Phước]
Trong suốt 150 ngày đêm chốt chặn Tàu Ô (từ ngày 5/4/1972 đến 28/8/1972), Sư đoàn 7 đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn, nhỏ với nhiều hình thức khác nhau như đánh phục kích, tập kích, vây ép… tiêu diệt 8.189 tên địch, bắt 211 tên địch, bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại, phá hủy 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, thu 390 súng các loại.
Địch thất bại nặng nề buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa đường 13.
Bản hùng ca trên đường 13
Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13 đã làm cho Mỹ-ngụy thiệt hại nặng nề. Đây là chiến công oanh liệt của Sư đoàn 7 cùng với quân dân Bình Phước, đập tan hoàn toàn ý đồ tiến công lấn chiếm vùng căn cứ giải phóng của địch tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Theo Đại tá Nguyễn Duy Đoàn, Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Miền sử dụng Sư đoàn 7 làm nhiệm vụ chốt chặn kết hợp đánh vận động, sau đó chuyển sang đánh chiến đấu phòng ngự khu vực, đã chia cắt địch trên đường 13 tạo điều kiện cho chiến dịch tiến công mục tiêu then chốt và giữ vững vùng mới được giải phóng.
“Mặc dù ta đánh không dứt điểm thị xã An Lộc (mục tiêu chính của chiến dịch), phải chuyển sang bao vây kiềm chế địch trong thị xã nhưng tuyến phòng ngự ở khu vực Tàu Ô-Xóm Ruộng đã thực sự làm thay đổi cục diện của chiến dịch, giành lại quyền chủ động, tạo thế đứng vững chắc cho đến khi chuyển hướng chiến dịch, từ đó góp phần tích cực vào việc đánh phá bình định của lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn Nam Bộ,” Đại tá Nguyễn Duy Đoàn nói.
Trong chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, quân và dân ta đã thắng địch cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, góp phần quan trọng vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
50 năm đi qua, khúc tráng ca bất tử Tàu Ô-xóm Ruộng vẫn vang mãi trong trí nhớ của những người đồng chí, đồng đội. Chốt chặn Tàu Ô-Xóm Ruộng gắn liền với đường 13, con đường chiến lược năm xưa, nay vẫn giữ vai trò quan trọng kết nối giao thương giữa Bình Phước với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vương quốc Campuchia, trở thành động lực phát triển của Bình Phước.
“Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ nói chung và chốt chặn Tàu Ô nói riêng, mặc dù ta giành thắng lợi lớn, nhưng đã có hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ và hơn 5.000 đồng bào đã bị sát hại, anh dũng ngã xuống. Xương máu cha ông đã thấm đẫm mảnh đất này,” bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chia sẻ tại Tọa đàm.
Ngày nay, vùng đất khói lửa Tàu Ô năm nào đã thay da đổi thịt. Bí thư Huyện ủy Hớn Quản Quách Thị Ánh cho biết, sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, huyện Hớn Quản hôm nay đang vươn mình phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng dần giá trị sản xuất hàng hóa, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình phát triển mạnh, hộ giàu, hộ khá giả tăng, hộ nghèo đói giảm dần, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm đạt trên 12%.
Huyện cũng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nên kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc tiếp tục ổn định và phát triển bền vững; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,35% trên tổng dân số toàn huyện.
Sau 50 năm chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, về Hớn Quản hôm nay, ai cũng thấy được sự đổi thay của một huyện anh hùng. Đảng bộ và nhân dân huyện Hớn Quản đã và đang phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khơi dậy sức dân thành động lực, khát vọng vươn lên, xây dựng huyện Hớn Quản ngày càng văn minh, giàu đẹp./.