5 xu hướng chiến lược định hình tương lai của AI tại châu Á - Thái Bình Dương

Năm 2025, các doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bước qua giai đoạn thử nghiệm AI để tập trung đánh giá tỷ suất lợi nhuận của dự án, nhằm xây dựng nền tảng tăng trưởng dài hạn.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Báo cáo “Triển vọng AI tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2025” (APAC AI Outlook 2025) do IBM công bố gần đây đã mang lại một cái nhìn sâu sắc về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với doanh nghiệp trong khu vực.

Báo cáo nhấn mạnh sự chuyển mình mạnh mẽ từ giai đoạn thử nghiệm AI sang tối đa hóa giá trị từ các khoản đầu tư, đồng thời xác định 5 xu hướng chiến lược sẽ định hình tương lai của AI.

Doanh nghiệp kỳ vọng AI mang lại lợi ích dài hạn

Chia sẻ về chủ đề "Đón đầu Tương lai: Xu hướng AI & Công nghệ nổi bật năm 2025," ông Ngô Thanh Hiền - Giám đốc công nghệ của IBM Việt Nam cho biết, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt tỏ rõ sự quan tâm với trí tuệ nhân tạo nhưng về "kế hoạch hành động" lại khá thận trọng.

Ông Hiền chia sẻ đã làm việc với một số khách hàng lớn và nhận thấy rằng các nhà lãnh đạo, các nhà chiến lược đang bình tĩnh hơn, tìm cách tiếp cận một cách có chiến lược hơn với AI. Tuy nhiên theo ông Hiền, đây là cuộc chơi cơ bản nên các doanh nghiệp bắt buộc phải gia nhập vào dòng chảy này, không thì sẽ tụt hậu.

IMG20241203110148.jpg
Ông Ngô Thanh Hiền - Giám đốc công nghệ của IBM Việt Nam cho biết lãnh đạo các doanh nghiệp Việt tỏ rõ sự quan tâm với trí tuệ nhân tạo nhưng về "kế hoạch hành động" lại khá thận trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trả lời câu hỏi về lý do khiến các doanh nghiệp thận trọng, ông Hiền cho biết, các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cân nhắc về những giá trị thật sự mà AI mang lại cho doanh nghiệp hay AI có ảnh hưởng gì tới danh tiếng, hình ảnh của doanh nghiệp.

Theo ông, dù kinh tế khó khăn nhưng tài chính chưa hẳn là vấn đề với các doanh nghiệp vì các "gói AI" được thiết kế khá đa dạng và có mức chi phí phù hợp với các doanh nghiệp.

Trong Báo cáo "Triển vọng AI tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2025" do IBM thực hiện, các doanh nghiệp trong khu vực trong đó có Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ từ giai đoạn thử nghiệm AI sang tối đa hóa tác động từ các khoản đầu tư vào giải pháp công nghệ này.

Theo báo cáo, các doanh nghiệp trong khu vực đang có bước chuyển mình mạnh mẽ từ giai đoạn thử nghiệm AI sang tối đa hóa tác động từ các khoản đầu tư vào giải pháp công nghệ mới.

Theo đó, 54% doanh nghiệp kỳ vọng Trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại lợi ích dài hạn trong các khía cạnh như đổi mới sáng tạo và tăng trưởng doanh thu. Yếu tố then chốt nằm ở việc phát triển các giải pháp AI tối ưu hoá về chi phí, sử dụng linh hoạt các mô hình mã nguồn mở tùy chỉnh và tích hợp liền mạch giữa nhiều nhà cung cấp.

Việc theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn trong gia đoạn khởi đầu của AI tạo sinh đang được thay thế dần bởi nhận thức sâu sắc hơn về tiềm năng của AI. Đồng thời, trọng tâm cũng đang chuyển từ các trường hợp sử dụng ít rủi ro và không thuộc cốt lõi, sang việc triển khai AI trong các chức năng kinh doanh cốt lõi nhằm đạt lợi thế cạnh tranh và cải thiện ROI (tỷ suất lợi nhuận).

Theo báo cáo của IBM được thực hiện bởi Ecosystm, gần 60% các doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia khảo sát dự đoán rằng họ sẽ hưởng lợi từ các khoản đầu tư AI trong vòng hai đến năm năm tới, trong khi chỉ 11% trong số đó kỳ vọng đạt được lợi nhuận trong hai năm đầu.

Screenshot 2024-12-09 at 15.48.07.png
Nguồn: Báo cáo “Triển vọng AI tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2025” (APAC AI Outlook 2025)

Đến năm 2025, trọng tâm đầu tư AI của các doanh nghiệp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ hướng đến nâng cao trải nghiệm khách hàng (21%), tự động hóa quy trình nội bộ doanh nghiệp (18%), và quản lý vòng đời khách hàng cũng như tự động hóa bán hàng (16%).

Tuy nhiên, để hiện thực hoá những mục tiêu này, các doanh nghiệp phải giải quyết những thách thức chính, bao gồm tính phức tạp của dữ liệu (39%), chi phí cao cho việc triển khai và giải pháp (36%), và số lượng trường hợp sử dụng còn hạn chế (35%).

Screenshot 2024-12-09 at 15.48.16.png
Nguồn: Báo cáo “Triển vọng AI tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2025” (APAC AI Outlook 2025)

"Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lực lượng mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới đổi mới, cạnh tranh toàn cầu và tăng trưởng bền vững. Đến năm 2025, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ đón nhận AI với trọng tâm là các chiến lược tập trung vào đổi mới lấy con người làm trung tâm và nâng cao năng suất.

Điều này sẽ bao gồm việc sử dụng kiến trúc linh hoạt, mã nguồn mở và quản lý hiệu quả tích hợp liền mạch AI để đạt được những kết quả có thể đo lường. Sự chuyển đổi này sẽ tạo tiền đề hướng tới một kỷ nguyên của ứng dụng công nghệ, nơi AI được nhìn nhận như một yếu tố thực sự thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao lợi thế cạnh tranh," ông Trương Nguyên Phát - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ của IBM Việt Nam, cho biết.

Xu hướng chiến lược của AI tại châu Á-Thái Bình Dương

Chia sẻ về làn sóng AI trong tương lai, ông Ngô Thanh Hiền thông tin 5 xu hướng chiến lược định hình tương lai của AI tại châu Á - Thái Bình Dương.

IMG20241203105922.jpg
Ông Ngô Thanh Hiền - Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam thông tin 5 xu hướng chiến lược định hình tương lai của AI tại châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo đại diện IBM, sẽ có 5 xu hướng chiến lược cho AI. Đó là: Doanh nghiệp sẽ ưu tiên các dự án có tác động về lợi nhuận; các mô hình AI mã nguồn mở, được tối ưu và yêu cầu ít dữ liệu đào tạo hơn sẽ chiếm ưu thế; triển khai các công cụ để tối ưu hóa khả năng quản lý hệ thống và tích hợp AI liền mạch; trợ lý AI kết hợp giữa AI và tự động hóa để tăng hiệu quả vận hành, trải nghiệm khách hàng.

Ngoài ra, các chuyên gia dự báo một xu hướng chính là lấy con người làm trung tâm thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của AI. "Mặc dù các công cụ với hiệu suất cao là trọng tâm chính trong việc ứng dụng AI, trong tương lai AI sẽ được tận dụng để tập trung nâng cao trải nghiệm và khả năng của con người," ông Ngô Thanh Hiền chia sẻ. Theo đó, AI sẽ là công cụ hỗ trợ nhân sự trong công việc, tự động hóa các tác vụ thường xuyên, và hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

“Con người là thiết yếu trong quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Con người cần tham gia vào mọi giai đoạn của công nghệ bao gồm cả việc duy trì giám sát các ứng dụng quan trọng. Mục đích của AI là tạo ra những tác động tích cực đối với thế giới, thúc đẩy nền văn hóa dựa trên niềm tin, sự hợp tác và đồng sáng tạo. Sự phát triển cần được tạo ra từ tư duy rằng AI cải thiện thay vì thay thế con người, cả hai làm việc và phát triển cùng nhau," ông Ullrich Loeffler - CEO của Ecosyst, đơn vị hỗ trợ thực hiện khảo sát cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục