Đã quá nửa 2023, bạn đã đạt được mục tiêu “Khỏe mạnh hơn” trong năm nay chưa? Bài viết này sẽ tiết lộ một sự thật là có những thói quen diễn ra trong vô thức nhưng lại tác động xấu đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Nhận biết và chấm dứt những thói quen sẽ giúp bạn hướng tới một đời sống lành mạnh hơn trong nửa năm sau của 2023.
Liên tục xem phim truyền hình/điện ảnh gây xúc động mạnh
Nếu trước đây bạn đơn thuần nghĩ rằng xem phim chỉ để giải trí, đã đến lúc thay đổi góc nhìn. Vì theo Leela R. Magavi, bác sỹ tâm thần và Giám đốc y tế khu vực của Trung tâm Tâm thần Cộng đồng và Chăm sóc MindPath ở California: “Những bộ phim và chương trình truyền hình gây xúc động mạnh có thể tác động đến sức khỏe tinh thần, thậm chí theo hướng xấu đi."
Phim ảnh cung cấp một thế giới giả tưởng, ở đó khán giả được trải nghiệm mọi sự kiện diễn ra trong đời sống của nhân vật, và tất nhiên có cảm xúc kèm theo. Ví dụ, nhân vật thất tình, khán giả cũng có thể chịu đựng cảm giác đau buồn tương tự. Trong trường hợp này, xem một bộ phim cũng có mang lại tác động tương đương như khi tham gia một chuyến bay giả tưởng vào không gian.
Chính vì điều đó, bác sỹ Leela khuyến cáo rằng việc liên tục xem các bộ phim gây xúc động mạnh sẽ dẫn đến kiệt sức về tinh thần. “Khán giả sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong khoảng thời gian 40 phút đến gần 2 tiếng. Những cảm xúc cường độ cao kéo dài có thể dẫn đến trạng thái hưng phấn và kích thích quá mức, cuối cùng dẫn đến sự mệt mỏi về tinh thần, khó tập trung và mức năng lượng kém."
Cách khắc phục: Hãy chú ý đến nội dung giải trí mà bạn tiêu thụ. Theo dõi nội dung đó tác động đến cảm xúc của bạn như thế nào trong khoảng 3-5 ngày tiếp theo. Nếu bạn trở nên tiêu cực, tốt nhất là nên tránh.
Không gian làm việc bừa bộn
Cách sắp xếp không gian làm việc cũng ảnh hưởng tới mức độ năng suất và chất lượng công việc.
[Bí quyết giữ tỉnh táo cho những người thường làm việc vào ban đêm]
Để làm rõ mối liên kết này, tác giả Magavi của trang Huffpost đã chỉ ra: “Làm việc trong một môi trường lộn xộn có thể làm tăng khả năng phân tâm và thiếu tập trung. Hậu quả là bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ, chưa kể chất lượng của các công việc cũng không còn đạt mức tốt nhất."
Cách khắc phục: Duy trì một môi trường làm việc gọn gàng và ngăn nắp. Cụ thể, mọi thứ bạn cần đều ở đúng vị trí của nó. Cách sắp xếp như vậy, bất ngờ thay, có thể giúp bạn tiết kiệm một lượng lớn năng lượng đáng kể.
Hít thở nông
Thở là hoạt động gần như bản năng và vì vậy chúng ta thực hiện nó trong vô thức. Tuy nhiên, Naueen Safdar, Giám đốc y tế tại EHE Health, cho biết rất ít người trong chúng ta biết… thở đúng cách.
“Hầu hết mọi người thường hít thở nông vì họ quá tập trung vào các việc khác mà quên chú ý vào hơi thở. Thở nông làm giảm lượng ôxy cơ thể hấp thụ, vì vậy các cơ quan và tế bào sẽ không thể thực hiện chức năng tối ưu vì chúng không nhận đủ lượng ôxy cần thiết. Đây cũng là lý do gây ra cảm giác lo lắng và mệt mỏi," Giám đốc y tế tại EHE Health cho biết.
Cách khắc phục: Thường xuyên tập luyện động tác hít thở sâu theo hướng dẫn sau: Hít sâu vào đến khi bụng dưới phồng lên, hít bằng mũi, không mở miệng, bạn sẽ thấy lồng ngực và bụng trở nên mạnh mẽ. Sau khi hít sâu vào bạn thở ra nhẹ nhàng đến khi bụng dưới xẹp xuống lại.
Bất cứ khi nào bạn nhận thấy bản thân cảm thấy đặc biệt căng thẳng hoặc lo lắng, hãy sử dụng bài tập hít thở này để giảm thiểu tình trạng đó.
Không giảm ánh sáng vào ban đêm
Việc tiếp xúc với ánh đèn sáng vào ban đêm báo hiệu cho não biết rằng vẫn còn là ban ngày. “Điều này ức chế não giải phóng melatonin, một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ,” bác sỹ Lippe nói. “Điều này có thể làm rối loạn chu kỳ đánh thức giấc ngủ và dẫn đến chứng mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém và cuối cùng là cảm giác mệt mỏi kéo dài.”
Cách khắc phục: Khi Mặt Trời lặn, hãy “ra dấu” cho cơ thể của bạn bằng cách giảm độ sáng, sử dụng đèn vàng, hoặc tắt đèn trước khi ngủ 1-2 tiếng. Bạn cũng có thể cân nhắc đổi ánh sáng đèn để cải thiện giấc ngủ. Theo đó, các nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng đỏ, thay vì ánh sáng xanh, sẽ ít gây xáo trộn chu kỳ giấc ngủ của chúng ta.
Tư thế xấu
Ngày nay, vẫn còn nhiều người thậm chí đi, đứng và ngồi sai tư thế. Chúng ta thường vô thức cúi đầu xuống khi làm việc, hoặc gù lưng khi đứng.
Naueen Safdar, Giám đốc y tế của EHE Health cho biết: “Tư thế xấu có thể làm cạn kiệt năng lượng của bạn bằng cách gây thêm áp lực lên cơ, khớp và dây chằng của cơ thể. Cơ thể bạn phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để bù đắp, dẫn đến mệt mỏi.”
Cách khắc phục: Nếu bạn không ý thức được mình có đang ở tư tế xấu hay không để điều chỉnh, thì việc sử dụng các sản phẩm điều chỉnh tư thế như ghế hoặc đệm văn phòng tiện dụng, nẹp chỉnh sửa tư thế có thể giúp bạn dần hình thành thói quen.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử các bài tập giúp duỗi thẳng vai và tăng cường sức mạnh cho các phần cơ để có một dáng đi thẳng thớm hơn./.