Theo nghiên cứu của ADB Institute có tên “Fintech and Financial Literacy in Vietnam," kỹ năng quản lý tài chính của người Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Bạn có bao giờ lâm vào cảnh chưa hết tháng nhưng ví đã hết veo tiền? Nếu bạn thuộc nhóm có thu nhập cao nhưng vẫn rơi vào tình huống “kiệt quệ tài chính” đó, rất có thể bạn là một trong những người thuộc nhóm HENRYs.
Theo tờ Washington Post, HENRYs là một thuật ngữ viết tắt từ cụm từ High Earners, Not Rich Yet. Thuật ngữ này dùng để mô tả những người có thu nhập cao, thường là từ 250.000 đến 500.000 USD, nhưng không tiết kiệm hoặc đầu tư đủ để được coi là giàu có. Hầu hết thu nhập của HENRYs được dùng cho chi tiêu tiêu dùng, chi phí giáo dục và nhà ở.
[Chị em chia sẻ ‘tip’ tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu hiệu quả]
Tương tự, nhóm thu nhập cao ở Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể thiếu trước hụt sau vì phải chi trả nhiều khoản không tên, cộng thêm việc chưa biết quản lý tài chính hoặc chi tiêu thông minh. So sánh về mức độ hiểu biết tài chính giữa các nhóm tuổi của người Việt trên thang điểm 7, nhóm người từ 30-60 tuổi chỉ đạt 4,38 trong khi nhóm người dưới 30 là 4,83.
Để trở nên giàu có hoặc chí ít an toàn tài chính hơn, tờ Washington Post chỉ ra 5 thói quen chi tiêu xấu cần phải loại bỏ ngay từ bây giờ.
1. Ăn ngoài quá nhiều
Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), vào năm 2021, một hộ gia đình điển hình đã chi 3.030 USD/năm nội cho việc ăn ngoài.
Con số không nhỏ này sẽ khiến bạn giật mình thon thót. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phản đối cho rằng việc nấu ăn ở nhà về cơ bản còn đắt đỏ hơn là ăn ngoài.
Thế nhưng, theo thông tin của Washing Ton Post, giá trung bình của một bữa ăn ngoài lại có thể vừa đủ hoặc thậm chí dư nếu chi trả cho một bữa ăn tại nhà.
Tất nhiên, việc cắt giảm ăn ngoài là không cần thiết và… không thể. Vì đây vẫn là một cách để bạn duy trì các mối quan hệ xã hội và thậm chí một số người còn xem đây là phần thưởng cá nhân cho những cố gắng. Tuy nhiên, hãy lên kế hoạch cho cả việc ăn ngoài nhà hàng, quán cóc, tiệm ăn,…
Trên thực tế, bạn có thể sẽ tiếp tục đi ăn ngoài, nhưng hãy đặt mục tiêu trong năm nay là giảm đáng kể số tiền bạn chi tiêu khi đi ăn ngoài. Chỉ cần nghĩ về những gì bạn có thể làm với số tiền đó - xây dựng quỹ khẩn cấp, trả nợ hoặc tăng tiết kiệm hưu trí của bạn.
2. Chi tiêu quá nhiều cho đồ ăn vặt
Đừng xem thường tác hại của đồ ăn vặt, nhất là khi nó tác động trực tiếp lên sức khỏe và túi tiền của bạn. Theo đó, việc lựa chọn chế độ ăn uống kém lành mạnh đã khiến tăng tỷ lệ béo phì.
Người trưởng thành có nguy cơ cao mắc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường Loại 2. Và hậu quả của việc này: Sức khỏe giảm sút và tiền trong ví không cánh mà bay vì phải chi tiêu cho chi phí y tế. Vì vậy, hãy cải thiện chế độ ăn uống bằng cách cắt giảm lượng đồ ăn vặt nạp vào cơ thể.
3. Không xây dựng quỹ khẩn cấp
Bí quyết quản lý tài chính rất đơn giản. Bạn cần phải theo sát các bước gồm đo lường mức độ chi tiêu mỗi tháng (chi phí cho những nhu cầu thiết yếu và nhu cầu xã hội): xây dựng quỹ khẩn cấp; xây dựng quỹ tiết kiệm.
Nguyên tắc là, không tiêu quá 10% số tiền bạn kiếm được và luôn đảm bảo quỹ khẩn cấp luôn ở mức tối thiểu (Mức độ mà bạn cảm thấy an toàn dù cho có bất trắc xảy ra).
4. Chi tiêu trong vô thức
Theo Washington Post, 40% quyết định chi tiêu của một người là do thói quen.
“Đi ngang kệ hàng siêu thị, họ tiện tay vớ lấy một thanh chocolate. Khi có lương về, họ thư thả đi shopping và nhấn đặt hàng. Những hành động nhỏ hoặc những món đồ không có giá trị quá lớn này lại có thể ảnh hưởng xấu tới ví tiền của bạn, nếu nó trở thành thói quen và lặp đi lặp lại hằng tháng," Washington Post viết.
Giải pháp là, hãy luôn biết mức chi tiêu chấp nhận được trong một tháng của bạn là bao nhiêu. Bạn đã có quỹ khẩn cấp và tiết kiệm chưa? Và những món đồ mà bạn “tiện tay” mua, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tài chính của bạn như thế nào nếu cứ liên tục lặp lại?
5. Mua những thứ ngoài sức chi trả
Có lẽ bạn đã quá quen với câu nói nên chi tiêu cho trải nghiệm thay vì vật chất. Điều đó không sai. Có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, chi tiêu cho trải nghiệm sẽ đem lại nhiều hạnh phúc và sự hài lòng hơn so với việc chi tiêu cho những tiện ích hoặc tài sản như nhà cửa, xe cộ, quần áo,…
Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh sức khỏe tài chính, chi tiêu cho trải nghiệm hay vật chất đều sẽ khiến bạn “chật vật” nếu bạn không sử dụng chúng một cách thông minh. Dù đầu tư cho một chuyến đi hay một bộ trang sức, hãy luôn đặt câu hỏi rằng bạn có đủ sức chi trả cho những điều đó mà không khiến bạn kiệt quệ vào cuối tháng không./.