Ngày 14/8, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Pháp, Đức, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã nhất trí tiếp nhận toàn bộ 141 người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius.
Thỏa thuận trên đã chấm dứt 4 ngày bế tắc về số phận 141 người di cư được tàu Aquarius cứu trên Địa Trung Hải sau khi Italy và Malta từ chối cho tàu này cập cảng.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trên mạng xã hội Twitter thông báo nước này sẽ tiếp nhận 60 trong tổng số 141 người di cư trên tàu Aquarius.
Bồ Đào Nha tuyên bố tiếp nhận 30 người di cư. Trong khi đó, Thủ tướng Malta Joseph Muscat cho biết nước này sẽ cho phép tàu Aquarius cập cảng để 141 người di cư trên tàu lên bờ và chuyển tới 5 nước châu Âu trên.
[Italy yêu cầu EU chia sẻ trong vụ 450 người mắc kẹt trên biển]
Dù đạt được thỏa thuận giải quyết số phận của 141 người di cư trên tàu Aquarius, song Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề di cư, nội vụ và quốc tịch Dimitris Avramopoulos cho rằng châu Âu cần tìm ra một giải pháp dài hạn cho vấn đề người di cư.
Trong một tuyên bố, ông nói: "Chúng ta cần tới các giải pháp bền vững. Đây không phải là trách nhiệm của một hay của vài nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) mà là trách nhiệm của toàn khối."
Trước đó, ngày 13/8, tàu Aquarius đã đề nghị châu Âu tìm một nơi an toàn để 141 người được tàu này cứu trên Địa Trung Hải có thể lên bờ trong bối cảnh Italy và Malta lại không cho phép tàu này cập cảng.
Kể từ tháng Sáu vừa qua, Italy đã thường xuyên từ chối không tiếp nhận các tàu cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài trong đó có tàu Aquarius, đồng thời cáo buộc các tàu này tiếp tay cho các tổ chức buôn người.
Tuần trước, tàu Aquarius đã nối lại hoạt động cứu hộ sau khi tàu này chở 630 người di cư không được Rome và Valletta cho phép cập cảng hồi tháng Sáu
Ngày 10/8, tàu này đã cứu 141 người di cư và một nửa trong số này là trẻ em. Tuy nhiên, ngày 11/8, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini còn tuyên bố tàu Aquarius "sẽ không bao giờ thấy cảng Italy" một lần nữa.
Quan điểm cứng rắn trên của Rome đã thổi bùng tranh cãi giữa các nước thành viên EU, cho thấy liên mình này vẫn chưa thể tìm ra một cách tiếp cận chung đối với vấn đề người di cư./.