Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp tối ngày 2/9, Thạc sỹ Trần Văn Hai - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin, qua 5 ngày thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 quy mô toàn tỉnh bằng phương pháp RT-PCR, toàn tỉnh đã lấy gần 39 nghìn mẫu xét nghiệm (mẫu gộp 10), bảo đảm 100% đại diện hộ gia đình ngoài cộng đồng được tầm soát SARS-CoV-2.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp Trần Văn Hai nói, trong số 38.911 mẫu xét nghiệm đã ghi nhận 119 mẫu gộp dương tính, chiếm tỷ lệ 0,3%.
Qua giải mẫu gộp, phát hiện 76 trường hợp dương tính, hiện còn 31 mẫu gộp đang thực hiện giải mẫu đơn (trong đó, huyện Lấp Vò 10 mẫu, thành phố Sa Đéc 15 mẫu, 3 mẫu của huyện Lai Vung,…).
Với lượng mẫu tầm soát lớn, tỉnh đã huy động hệ thống xét nghiệm RT-PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự, bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, bệnh viện phổi.
Đồng thời huy động thêm 2 bệnh viện tư nhân tham gia vào công tác xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Thời gian tiếp nhận và trả lời kết quả được đẩy nhanh, trung bình khoảng 7-11 giờ (chỉ tiêu đặt ra là không quá 18 giờ).
Thạc sỹ Trần Văn Hai đề xuất, trong thời gian tới, từng địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế có kế hoạch xét nghiệm để tiếp tục làm sạch các khu phong tỏa vừa thiết lập do phát hiện các trường hợp dương tính; đồng thời, thực hiện xét nghiệm định kỳ đối với các vùng phụ cận, nơi tập trung đông người để kiểm soát dịch COVID-19.
[Đồng Tháp: Tiếp nhận 300 máy tạo ôxy phục vụ chống dịch COVID-19]
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Phong, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng sau khi hoàn thành kế hoạch tầm soát diện rộng toàn tỉnh đợt 2, bắt đầu từ ngày mai (03/9), nhiều địa phương sẽ tiếp tục tầm soát theo từng khu vực nguy cơ trên địa bàn; lưu ý, trong việc tổ chức lấy mẫu, tuyệt đối không được tập trung đông người dân lại để lấy xét nghiệm mà phải lấy tại hộ gia đình, nhằm cắt đứt mọi nguồn phát sinh có nguy cơ lây nhiễm.
Đồng thời, trong quản lý địa bàn cần phải nghiêm ngặt tuyệt đối, khu vực nào đã tầm soát 100% cho kết quả âm tính thì cần giữ chặt và triển khai các biện pháp mạnh hơn nữa để giữ vững "vùng xanh."
Theo thông tin Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, tính đến 17 giờ ngày 2/9, Đồng Tháp ghi nhận 7.192 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, có 5.115 bệnh nhân đã được xuất viện, 148 trường hợp tử vong; hiện, tỉnh đang điều trị 1.923 ca mắc COVID-19.
Qua đánh giá và dự báo mức độ nguy cơ dịch COVID-19 cấp xã, toàn tỉnh hiện có 11 xã dự báo "nguy cơ rất cao," 19 xã "nguy cơ cao," 23 xã "nguy cơ," 90 xã "bình thường mới."
Tổng số điểm hiện đang phong tỏa trên địa bàn tỉnh là 102 khu vực.
Cứu sống bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đến mức ngừng tim
Tối 2/9, thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết: một bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường type 2, mắc COVID-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch đến mức ngừng tim tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã được cứu sống và chuẩn bị ra viện.
Bệnh nhân nữ, 62 tuổi, trú tại ấp Bình An, thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tiền sử đái tháo đường nhiều năm.
Ngày 6/8, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và có biểu hiện suy hô hấp nặng do mắc COVID-19. Với tình trạng khó thở nhiều, đánh giá mức độ nguy kịch hô hấp cấp tính (ARDS) nặng, bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Khu Hồi sức tích cực.
Tại đây, bệnh nhân tỉnh, SpO2 vẫn chưa đạt hiệu quả với xử trí tăng liều oxy thở qua mask có túi dự trữ 15 lít/phút, X quang tổn thương nặng dạng kính mờ 2 phế trường, khí máu động mạch có chiều hướng xấu.
Bệnh nhân được xử trí chuyển sang thở oxy lưu lượng cao (HFNC), theo dõi sát tình trạng và các chỉ số hô hấp, hướng dẫn vật lý trị liệu và tư thế nằm sấp; điều chỉnh kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ.
Trong giai đoạn điều trị từ ngày 6-14/8, bệnh nhân tạm ổn định về mặt lâm sàng, tuy nhiên các kết quả cận lâm sàng cho kết quả bất lợi như tình trạng nhiễm khuẩn tăng, rối loạn đông máu,…
Đến ngày 14/8, bệnh nhân tiếp tục chuyển biến nặng phải đặt nội khí quản thở máy hỗ trợ hô hấp. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, ngừng tim. Êkíp cấp cứu đã phát hiện kịp thời và cấp cứu thành công.
Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, bệnh nhân được duy trì thuốc cường tim liều cao, thở máy, lọc máu. Bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực trong vòng 1 tuần với các kỹ thuật chuyên sâu như thở máy, lọc máu, kháng sinh, dinh dưỡng, tập phục hồi chức năng.
Bệnh nhân tỉnh táo, thông số ổn định, được cai máy thở và rút nội khí quản cùng ngày 20/8. Tình trạng bệnh cải thiện dần, RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 ngày 22/8.
Đến nay, sau 24 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, xét nghiệm RT-PCR âm tính 2 lần liên tục, mỗi lần thử cách nhau trên 24 giờ; đủ điều kiện ra viện./.
Tình hình dịch bệnh đến tối 2/9: Đồng Tháp: Toàn quốc: - Số ca nhiễm: 486.727 ca |