Khẳng định tình hình trật tự an toàn giao thông trong 5 ngày kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 được đảm bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, tai nạn giao thông giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, vẫn còn tình trạng xe khách “nhồi nhét” người dân và công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm.
Bình quân 19 người chết/ngày
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 5 ngày nghỉ lễ (27/4-1/5), cả nước xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 96 người, bị thương 96 người.
“So sánh với 4 ngày kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2018, bình quân số người chết trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2019 là 19,2 người/ngày, giảm nhẹ so với bình quân số người chết/ngày kỳ nghỉ lễ năm 2018 là 19,75 người chết/ngày,” ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.
[Cả nước có 96 người chết vì tai nạn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ]
Đánh giá những tồn tại, hạn chế về tai nạn giao thông, ông Hùng chỉ ra nguyên nhân trực tiếp của tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn, chủ yếu là lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn; vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường; chở quá số người quy định; chuyển hướng không báo hiệu; người đi môtô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm…
“Ngoài ra, hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn ngoài đô thị, đặc biệt là hạn chế về lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát; hạn chế về năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải công cộng, dịch vụ vận tải hợp đồng,” ông Hùng thừa nhận.
Về công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm giao thông, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, trong 5 ngày nghỉ lễ (27/4-1/5), lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ cả nước xử lý 11.968 trường hợp vi phạm, phạt tiền 15,2 tỷ đồng; tạm giữ 138 ôtô, 2.288 môtô và 2.274 giấy tờ các loại.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận hơn hơn 50 phản ánh từ người dân (bao gồm tin nhắn và cuộc gọi); giảm so với kỳ nghỉ lễ năm 2018. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, tập trung chủ yếu các tuyến từ Hà Nội-Thanh Hóa, Nghệ An, Nình Bình, Phú Thọ, Yên Bái và ngược lại.
[Công bố đường dây nóng phản ánh tai nạn giao thông và nhồi nhét khách]
Ngoài ra, người dân còn phản ánh tình trạng về một số va chạm giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường và các khu vực xung quanh các trung tâm thu hút khách du lịch tham quan nghỉ dưỡng.
“Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh,” ông Hùng khẳng định.
Xe khách vẫn “nhồi nhét”
Thông qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, lực lượng Cảnh sát giao thông liên tiếp bắt giữ, xử lý nhiều xe khách nhồi nhét trên các tuyến đường như xe khách Biển kiểm soát 36B-002.22 tuyến Hà Nội-Nghi Sơn (Thanh Hóa) chở quá quy định 19 người, bị xử phạt 15 triệu đồng; xe khách 43 chỗ Biển kiểm soát 21B-006.43 tuyến Mỹ Đình-Nghĩa Lộ (Yên Bái) chở quá quy định 31 người bị xử phạt 40 triệu đồng; xe khách 42 chỗ Biển kiểm soát 37B-005.35 chở quá quy định 15 người bị xử phạt 20 triệu đồng...
Đánh giá hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, ông Hùng cho rằng, tình trạng xe khách chở quá số người quy định diễn ra nhiều trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ, nhất là các tuyến Hà Nội-Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái.. tăng giá vé ôtô quá mức quy định ở một số nhà xe.
“Hiện tượng đón, trả khách dọc đường, không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến trên hầu hết các tuyến giao thông có mật độ xe ôtô chở khách cao, đặc biệt là trên Quốc lộ 1; nhu cầu đi lại bằng xe chở khách hợp đồng tăng cao tại khu vực nông thôn, trong khi chất lượng phương tiện và người lái còn hạn chế,” vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói.
[Xử phạt vi phạm giao thông: Tăng chế tài mới đủ sức răn đe]
Nguyên nhân chủ yếu được ông Hùng nhìn nhận là do ý thức của một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm, mặt khác do một bộ phận hành khách có thói quen vẫy xe trên đường, không chịu đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định; đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019 và mùa du lịch hè, mùa mưa lũ sắp tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên toàn quốc.
Đặc biệt, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn trên địa bàn Thủ đô./.