Với giá than, các chi phí liên quan đến khai thác của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày càng tăng do khai thác sâu và chi phí đầu vào tăng cao.
Đặc biệt về giá thành cung cấp than cho điện, 5 năm vẫn giữ nguyên khiến TKV chịu thiệt.
Chia sẻ với báo chí ngày 4/10, tại Triển lãm Mining Vietnam 2022, ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, cho hay hiện vì an sinh xã hội và nhiệm vụ Chính phủ giao, tập đoàn đang phải chịu thiệt khi giá bán than cho các hộ tiêu thụ chưa theo giá thành sản xuất, nhất là than cho sản xuất điện.
[PV Power không nhận được đủ than từ TKV để phát điện]
Theo ông Nguyễn Ngọc Cơ, với giá than, các chi phí liên quan đến khai thác của tập đoàn ngày càng tăng do khai thác sâu và chi phí đầu vào tăng cao.
Do đó, giá thành khai thác trên mỗi tấn than tăng lên nhiều so với trước kia, trong khi lượng tiêu thụ, cung ứng than cho các hộ như sản xuất điện, thép, ximăng vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt, giá thành vẫn giữ nguyên so với 5 năm trước.
"Chính vì thế, phần rủi ro, thiệt thòi là tập đoàn đang phải chịu, mà sản lượng than cho sản xuất điện thường chiếm 80% tổng sản lượng khai thác. Còn than xuất khẩu thì vẫn đang theo thị trường thế giới, chỉ chiếm khoảng trên 10%," ông Nguyễn Ngọc Cơ cho biết.
Hiện TKV đang tổ chức sản xuất than bình quân hơn 40 triệu tấn/năm.
Việc sản xuất than phụ thuộc trữ lượng than và điều kiện khai thác, về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Cơ cho biết tập đoàn sẽ cố gắng duy trì ở mức trên 40 triệu tấn than/năm.
Để cân đối nguồn cung cho các hộ tiêu thụ, được Chính phủ giao như điện, đạm, ximăng, tập đoàn sẽ tăng cường và có kế hoạch hàng năm.
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Cơ cũng chia sẻ tại triển lãm, công nghiệp than là lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ chốt của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.
Hiện Vinacomin có 21 công ty thành viên sản xuất hầm lò và lộ thiên.
Than do tập đoàn sản xuất phù hợp làm nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau như sản xuất điện, luyện thép, ximăng, phân bón, hóa chất...
Hiện sản lượng than sản xuất hàng năm của Vinacomin đạt trên 40 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Vinacomin đồng thời phát triển các lĩnh vực công nghiệp: Sản xuất điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí.
Hiện tại Vinacomin có 7 nhà máy điện (6 nhiệt điện, 1 thủy điện với công suất thiết kế 1.730MW. Sản lượng điện sản xuất hàng năm của Vinacomin khoảng 10 tỷ kWh...
Các hầm lò của Vinacomin đã và đang áp dụng nhiều công nghiệp khai thác hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các hệ thống cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu đào lò, khai thác, thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước mỏ...
Tỷ lệ than khai thác bằng hệ thống cơ giới đồng bộ ngày càng tăng, tỷ lệ tổn thất than trong khau thác ngày một giảm làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm tài nguyên.
Bên cạnh lĩnh vực chủ yếu là than, Vinacomin cũng đã phát triển công nghiệp khoáng sản theo hướng tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế./.