Điện Biên là một tỉnh có nhiều tài nguyên, di tích lịch sử văn hóa với 21 dân tộc anh em sinh sống. Các dân tộc ở Điện Biên hiện nay vẫn còn giữ được những phong tục, tập quán, bản sắc riêng.
Không chỉ nổi tiếng với địa danh lịch sử gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên còn hấp dẫn du khách với những món ăn ngon nức tiếng.
Các món ngon của người dân tộc ở Điện Biên được chế biến cầu kỳ, với sự tinh tế trong sử dụng gia vị độc đáo từ núi rừng Tây Bắc.
Trong Danh sách Top 100 món ăn độc đáo trên cả nước của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings), Điện Biên có 5 món ngon được vinh danh gồm măng đắng luộc, xôi nếp nương, thịt trâu khô, gà nướng mắc khén, Pa pỉnh tộp (Cá suối nướng).
1- Măng đắng
Măng đắng là một loại sản vật đặc sản mà chỉ có vùng núi rừng như Điện Biên mới có. Măng đắng được mọc trên những dãy đồi, sườn núi, và được nhú lên từ mặt đất, khi có mưa rào măng mọc lên rất nhanh, măng ngon nhất là được hái từ lúc còn chưa nhú khỏi mặt đất, khi đó từng búp măng sẽ trắng ngần nõn nà trông thật hấp dẫn.
Măng đắng được chế biến thành nhiều món khác nhau. Khi ăn tại nhà hàng hoặc bản văn hóa, bạn có thể yêu cầu một món măng luộc chấm với chẩm chéo, món nước chấm có đủ gia vị tiêu, tỏi, ớt, mắc khén, rau thơm... của người Thái Điện Biên.
Bạn cũng có thể yêu cầu được thưởng thức món măng đắng nướng; xào với thịt lợn, bò hoặc hầm với xương tất cả các món đều rất ngon. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị đắng, ngọt của măng, vị cay của tỏi, ớt, mắc khén, vị bùi, thơm của rau mùi.
Tất cả hương vị của tự nhiên đều được hòa quyện vào một món ăn tạo nên sự khác biệt của vùng núi Tây Bắc Điện Biên mà không đâu có được. Bạn có thể thưởng thức măng đắng với các món ăn truyền thống của người Thái đều rất đậm đà và khó quên.
Măng đắng là món ăn khoái khẩu của những thực khách thích các món ăn đắng. Nếu bạn không ăn được các món ăn đắng, bạn vẫn có thể thưởng thức món măng đắng bằng cách đề nghị nhà hàng ngâm măng với nước muối trước khi luộc, xào, hầm, măng sẽ bớt đi vị đắng, khi đó bạn có thể thưởng thức và cảm nhận hương vị tự nhiên có từ măng đắng và chắc chắn bạn không thể quên món ăn đặc sản có một không hai này khi đến với Điện Biên.
2- Xôi nếp nương
Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc nhưng nói đến loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Điện Biên.
Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Được thưởng thức món xôi nếp nương thơm ngon do chính người dân tộc Thái đồ, cùng với cá nướng, thịt lợn nướng, muối vừng là một trải nghiệm thú vị và hấp dẫn với bất cứ du khách nào.
Cách đồ xôi nếp nương công phu hơn nếp trồng ruộng nước. Xôi phải được đồ trong một cái chõ gỗ đặc biệt của người dân tộc Thái, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Phải ngâm nếp trong nhiều giờ liền thì khi đồ xôi mới không bị sượng.
Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Lần đồ thứ nhất, sau khi xôi tỏa hương thơm, vừa chín tới thì đem đổ ra một mẹt rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau thì đổ tiếp vào chõ và tiếp tục đồ cho xôi chín đều.
Khách du lịch khi ghé Điện Biên thường mua những cái ếp xôi nóng hổi của người dân tộc Thái để mang đi đường ăn cho ấm bụng. Trong cái se se lạnh của vùng núi Tây Bắc, du khách sẽ khó lòng quên được hương vị dẻo thơm, hấp dẫn của xôi nếp nương. Thích thú vô cùng khi bạn vo tròn từng nắm xôi trong tay, nhẩn nha thưởng thức và khi xòe lòng bàn tay ra vẫn cảm thấy bàn tay mình sạch trơn, không có cảm giác dính tay.
3 - Thịt trâu khô
Thịt trâu khô là món ăn được hình thành khi đồng bào các dân tộc mổ trâu nếu không ăn hết thì những tảng thịt trâu được tẩm gia vị rồi gác lên bếp hong khô.
Cách làm thịt trâu, bò khô cũng khá đơn giản. Những miếng thịt lớn được tẩm ướp muối, trộn với các gia vị điển hình đó là gừng, mắc khén, gấc, ớt… Sau khi tẩm ướp xong những miếng thịt được hong khô cho se lại, sau đó chúng được đồ cách thủy, sau khi đồ cách thủy xong, lại tiếp tục được hong trên bếp cho đến khi khô hẳn.
4- Gà nướng mắc khén
Ở vùng Tây Bắc, người Thái gọi món này là “cay pỉnh”, có nghĩa là gà nướng. Món gà nướng của người Thái được ưa thích có lẽ bởi hương vị đặc biệt được tạo nên từ hạt mắc khén. Hạt có hương thơm mang đặc trưng loại gia vị miền sơn cước.
Chính vị cay cay, tê tê,... đặc biệt ấy mà món ăn trở nên đặc biệt khác lạ và hấp dẫn. Món Gà nướng mắc khén có lớp da vàng ươm hấp dẫn cùng phần thịt ngọt, thơm và nồng hương mắc khén ngào ngạt khiến ai thưởng thức cũng phải nức nở khen ngon.
Cách chế biến món ăn này cũng rất đặc biệt. Khi chế biến, chọn gà ngon làm sạch, tẩm ướp gia vị như hạt mắc khén, chanh, gừng, sả, ớt, muối,... trộn lại, giã nhỏ rồi nhét vào bụng gà. Những gia vị vụn còn sót lại thì xát vào da gà cho món ăn thêm đậm đà hơn.
Gà được nướng chín trên than củi giữ nhiệt với lửa không quá to. Trong khi nướng, mỡ gà sẽ chảy ra và da có màu vàng ươm, khi thịt gà chín săn lại mới phết nước gia vị mắc khén. Gặp hơi nóng, mắc khén tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Gà đem ướp với mắc khén cùng rất nhiều các loại gia vị quen thuộc tạo nên một món ăn ngon khó cưỡng, ăn một lần là nhớ mãi.
Khi gà chín, để nguyên con, dùng tay xé từng miếng rồi chấm với chẳm chéo, thật không còn gì thú vị bằng. Rau thơm trong bụng gà để ra đĩa, lấy một miếng thịt gà, kèm chút rau thơm vương mùi mắc khén, hương vị vô cùng đặc biệt. Thực khách có thể ăn kèm với xôi chiên, cơm lam hoặc cơm nóng, thêm một ít rau xà lách, rau thơm chấm cùng chẳm chéo.
Ai đã từng lên Điện Biên và có cơ hội được thưởng thức chắc sẽ không quên được vị dai ngon, săn chắc, ngọt thịt của gà và mùi mắc khén thơm lừng rất đậm đà của món gà nướng mắc khén này.
5- Pa pỉnh tộp (Cá suối nướng)
Pa pỉnh tộp có thể hiểu là món cá suối nướng gập nguyên con. Điểm đặc biệt của món cá suối nướng Pa pỉnh tộp nằm ở cách ướp và nướng cá. Không giống như các loại cá khác, việc chọn nguyên liệu phải thật tỉ mỉ để giữ được độ ngọt và hương vị thơm ngon của cá.
Cá được chọn sẽ là cá chép, cá trôi, cá trắm sống ở vùng suối núi. Khâu quan trọng nhất khi chế biến là mổ cá, người ta dùng dao sắc nhọn mổ từ sống lưng xuống, xẻ dọc phần trên thân cá từ đầu đến đuôi, không mổ đằng bụng cá, không làm đứt miệng cá. Vì khi gập cá lại sẽ nhét đuôi cá ngược lên vào đằng miệng cá để giữ cho gia vị ở phần bụng cá không bị rơi vãi ra bên ngoài.
Gia vị gồm mắc khén và mầm măng cây sa nhân, rau rừng, rau thơm như rau húng, hành củ, hành lá, sả, ớt, gừng, ... được thái nhỏ được nhồi trong bụng cá. Bên cạnh đó, khi ướp phải được gập đôi theo chiều ngay. Khi nướng phải sử dụng que kẹp bằng tre hoặc vỉ nướng, sau đó nướng trên than hồng.
Đặc biệt, món pa pỉnh tộp không thể thiếu hạt mắc khén - một loại gia vị đặc trưng của người Thái. Cá được nướng trên than củi liu riu, khi gần chín, mỡ cá rỏ xuống củi, nổ lách tách, mỡ cá béo ngậy quyện với mùi gia vị tạo nên thơm nức mũi. Với cách chế biến, gia vị cầu kì hơn so với cá nướng thông thường, pa pỉnh tộp khi ăn có vị thơm ngon đặc biệt.
Nhờ cách nướng đặc biệt này mà thịt cá thấm đều gia vị, nhanh chín, hương vị thơm ngon đậm đà. Thịt cá tươi sống kết hợp gia vị và hạt mắc khén sẽ tạo nên mùi thơm nồng, cay nhẹ, thơm ngon đặc trưng. Món pa pỉnh tộp phải ăn nóng với nước chấm chẩm chéo, kèm thêm một ít rau gia vị như rau mùi, ớt mới đúng bài.
Du lịch Bình Thuận, không nên bỏ qua 4 món ngon hết sảy
Trong danh sách Top 100 Món ăn Đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố, tỉnh Bình Thuận có 4 món ngon tiêu biểu gồm Lẩu thả Mũi Né, Mực 1 nắng Phan Thiết, Gỏi cá Phan Thiết, Lẩu cá bớp.
Nước chẩm chéo có sự kết hợp của hạt mắc khén, tỏi nhuyễn, tiêu, ớt nước, rau mùi sẽ giúp món ăn thêm thơm ngon, đậm đà. Ăn pa pỉnh tộp chuẩn nhất phải uống cùng rượu ngô đồng sẽ giúp món ăn càng thêm ngon miệng./.