5 lý do khiến nhiều không gian sáng tạo ở Việt Nam phải đóng cửa

Bất ổn với chủ đất, giá thuê nhà đắt đỏ, thủ tục cấp phép 'lôi thôi" và “tốn kém," hạn chế kỹ năng quản lý, kinh doanh và nhân sự… là 5 lý do khiến nhiều không gian sáng tạo ở Việt Nam phải đóng cửa
Một góc của không gian sáng tạo Manzi (Ảnh: BTC)

Bất ổn với chủ đất, giá thuê nhà đắt đỏ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức sự kiện gian nan và “tốn kém,” hạn chế về kỹ năng quản lý, chiến lược kinh doanh và nhân sự… là năm lý do cản trở sự tồn tại, phát triển, dẫn đến kết cục phải đóng cửa các không gian sáng tạo ở Việt Nam.

Đó là kết quả từ “Nghiên cứu ban đầu về các không gian sáng tạo ở Việt Nam” do nhà báo, tư vấn truyền thông Trương Uyên Ly thực hiện theo đặt hàng của Hội đồng Anh được công bố chiều 11/12 tại Hà Nội.

Nghiên cứu này tập trung vào các lĩnh vực chính như nghệ thuật thị giác, âm nhạc, điện ảnh, múa, thiết kế, công nghệ thông tin và truyền thông.

Tác giả Trương Uyên Ly chia sẻ: “Ngày càng nhiều các không gian sáng tạo được mở ra để mọi người gặp gỡ, chia sẻ những ý tưởng, hay thực hiện một điều gì đó mới mẻ. Thời điểm này ở Việt Nam đã có 40 không gian sáng tạo khác nhau.”

Báo cáo cũng chỉ ra những đóng góp của các không gian sáng tạo với cộng đồng. Nó tạo ra môi trường thân thiện và an toàn để mọi người gặp gỡ, trao đổi ý tưởng và thách thức những giới hạn tồn tại trong chính mình.

Các không gian sáng tạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi bản sắc của thành phố và phát triển đô thị.

Điển hình như mô hình không gian sáng tạo Zone 9, với khoảng 60 hộ kinh doanh và 1.000 nhân viên đã giải quyết được công ăn việc làm cho một nhóm người trong cộng đồng. Tính đến nay, Zone 9 cũng là mô hình tổ hợp sáng tạo lớn nhất Việt Nam.

Không gian sáng tạo Hanoi Rock City (Ảnh: BTC)

Nghiên cứu cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn của của các không gian sáng tạo ở Việt Nam. Thách thức được xem là “kinh điển” nhất chính là sự bất ổn của chủ đất mà giá thuê nhà cao là một trong số những lý do khiến nhiều không gian sáng tạo phải đóng cửa.

Bên cạnh đó, như chia sẻ của bà Đoàn Phương Hà, người sáng lập Saigon Outcast-một không gian sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì thủ tục xin giấy phép tổ chức sự kiện ở những không gian sáng tạo ở Việt nam hiện vẫn “rườm rà, lôi thôi” về thủ tục và tốn kém.

Ngoài ra, “sự hạn chế về kỹ năng quản lý và kinh doanh của những người sáng lập các không gian sáng tạo cũng là một thách thức đảm bảo sự phát triển của các không gian sáng tạo hiện nay” - chia sẻ của ông Trương Minh Quý, người đồng sáng lập ra không gian sáng tạo Ga 0 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu về các không gian sáng tạo ở Việt Nam nằm trong Dự án kinh tế sáng tạo của Hội đồng Anh được khởi xướng từ 2008./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục