Theo trang mạng thediplomat.com, trước sự ngạc nhiên của không ít người, hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết.
Không ai rõ thực chất lý do gì đã dẫn đến kết quả này, song những bài học rút ra sau đó có thể hữu dụng để giúp người ta đạt được những thành quả tốt hơn trong tương lai.
Mọi dấu hiệu trước khi thượng đỉnh kết thúc đều dẫn đến dự đoán hai bên sẽ ký một thỏa thuận - có thể không lớn, song ít nhất cũng là một văn bản nào đó.
Khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Singapore gặp Tổng thống Trump lần đầu tiên, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã giữ kín các thông tin về cuộc gặp tới sát "giờ G."
Lần này thì khác. Báo The Guardian bình luận: “Truyền thông Triều Tiên loan báo về triển vọng đạt đột phá, miêu tả sự háo hức và kỳ vọng lớn lao tại quốc gia này."
Trong đêm trước chuyến đi tới Việt Nam, Tổng thống Trump thậm chí còn tự tin rằng cuộc gặp thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ là "một hội nghị thượng đỉnh cực kỳ vĩ đại."
Trước cuộc gặp tại Hà Nội, hai đoàn đàm phán vẫn bế tắc về những nội dung như phần nào của tổ hợp hạt nhân Yongbyon cần phải phá hủy và các đòn trừng phạt nào sẽ phải dỡ bỏ. Họ dành những khúc mắc ấy cho hai nhà lãnh đạo quyết định. Tuy nhiên, các quan chức vẫn chuẩn bị hai văn bản chờ ký kết: một tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh và một tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Kết quả là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Trump không thể đạt đồng thuận về vấn đề Yongbyon hay các lệnh trừng phạt.
Một lý do rõ ràng dẫn tới kết quả của hội nghị chính là quá trình tiến hành nó. Hai nhà lãnh đạo có quá ít thời gian để tìm kiếm điểm chung cho những bất đồng quá lớn. Tuy nhiên, ông Trump và ông Kim Jong-un có lẽ vẫn có thể “cứu vãn” hội nghị bằng việc chấp nhận “những thành quả khiêm tốn."
Một trong những nội dung thỏa thuận mà đội ngũ quan chức đã chuẩn bị có bao gồm thỏa thuận thiết lập văn phòng liên lạc song phương tại thủ đô Bình Nhưỡng và Washington. Tuy nhiên, vì sao hai nhà lãnh đạo này lại quyết định ra về tay trắng?
Một lý do mà người ta viện dẫn là sự kiện diễn ra tại Mỹ song song với cuộc gặp thượng đỉnh: cựu luật sư Michael Cohen có phiên điều trần trước Quốc hội. Phiên điều trần kết thúc chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trong buổi điều trần, ông Cohen miêu tả ông Trump là người không đáng tin, người có thể phản bội cả bè bạn và bán rẻ đất nước. Thực tế những phát biểu này có thể đã tác động và gây sức ép rất lớn đối với nhà lãnh đạo Mỹ.
Trước (cũng như sau) hội nghị thượng đỉnh, đa phần các thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều nhất trí quan điểm cho rằng việc không ký thỏa thuận sẽ tốt hơn là người ta cố có được một thỏa thuận tồi tệ. Vì không thể có được nhượng bộ lớn từ ông Kim, ông Trump quyết định chấm dứt cuộc gặp mà không có thỏa thuận nào để chứng tỏ rằng Michael Cohen đã lầm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo miêu tả những gì diễn ra trong hội nghị: “Chúng tôi yêu cầu ông ấy (Kim Jong-un) nhiều hơn. Ông ấy không sẵn lòng để có thêm những nhượng bộ."
[Báo Triều Tiên ca ngợi ông Kim Jong-un sau cuộc họp tại Hà Nội]
Xét về uy tín sau hội nghị, có thể nói ông Kim Jong-un được nhiều hơn Trump. Trong khi dư luận Mỹ mâu thuẫn giữa hai luồng ý kiến, một là “không thỏa thuận thì tốt hơn là thỏa thuận tồi" và “việc không thể đạt thỏa thuận là một bước lùi lớn," người dân Triều Tiên hoàn toàn có thể tự hào về sự khéo léo mà nhà lãnh đạo đã có được trong việc xử lý mối quan hệ với người đứng đầu quốc gia quyền lực nhất thế giới.
Tuy nhiên, ông Kim Jong-un rời hội nghị với một vị thế thậm chí còn tệ hơn ông Trump. Cán cân nghiên về phía Mỹ bởi các đòn trừng phạt mà Mỹ áp với Triều Tiên không tổn hại gì chừng nào Bình Nhưỡng còn chưa tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm vũ khí chiến lược, trong khi Triều Tiên không thể phát triển bởi sự ràng buộc của các đòn trừng phạt.
Hơn tất cả, Triều Tiên cũng dễ chịu thiệt hơn bởi Washington có nhiều lợi thế hơn trong việc tấn công nhằm vào đối phương.
Trong bối cảnh đó, ông Kim Jong-un có 5 lựa chọn:
Một là tiếp tục những hành động để gây sức ép với Washington. Đây là lựa chọn tồi bởi điều đó có thể sẽ càng khích lệ việc cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt.
Hai là ông Kim Jong-un đã giữ lời khi không tiến hành thêm các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, song Bình Nhưỡng vẫn âm thầm củng cố kho vũ khí để giành thêm các quân bài nhượng bộ hữu dụng trong các cuộc đàm phán. Lò phản ứng 5MWe tại Yongbyon ước tính đủ sức sản xuất khoảng 6kg plutoni mỗi năm, tương đương mức cần thiết để chế tạo hai quả bom nguyên tử.
Ba là ông Kim Jong-un tìm đến những cường quốc khác tại Đông Bắc Á, nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận riêng với Hàn Quốc và Nhật Bản, kích động Trung Quốc và Nga gây áp lực với Mỹ. Kim đã theo đuổi lựa chọn này với Hàn Quốc và có thể là với cả Nga và Trung Quốc, song tác động đối với các đòn trừng phạt mà Bình Nhưỡng hứng chịu không nhiều.
Ông Kim có thể tiếp tục mở rộng chiến lược hòa giải với Nhật Bản, song chừng nào các vũ khí trong chương trình hủy diệt hàng loạt mà Triều Tiên theo đuổi vẫn là ẩn số, các đòn trừng phạt chắc chắn vẫn sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên, dù không thể giúp nới lỏng các đòn trừng phạt song lộ trình này có thể cách gián tiếp để Bình Nhưỡng liên lạc và xây dựng lòng tin với Washington.
Bốn là ông Kim Jong-un có thể chờ thời cơ tốt hơn khi ông Trump hoặc một tổng thống khác của Mỹ sẵn sàng chấp nhận đề xuất mà ông đưa ra. Rủi ro đi kèm với lựa chọn này là “thời cơ” đó có thể không bao giờ tới. Đảng Dân chủ đang nắm giữ Hạ viện và nguy cơ “Watergate” thời hiện đại tái diễn là những áp lực ngày càng lớn mà Trump đang đối mặt.
Hơn thế nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm tới. Ông Trump sẽ không còn nhiều thời gian cho vấn đề Triều Tiên và có thể sẽ không tiếp tục mạo hiểm cho những cuộc gặp không đem lại kết quả với Kim.
Việc chờ tới sau 2020 thực sự là một ván bài mạo hiểm bởi cơ hội để ông Trump có thêm quyền lực và tự tin hơn hay một nhà lãnh đạo Mỹ mới sẵn sàng có những nhượng bộ kể trên là điều không thể khẳng định trước.
Năm là ông Kim Jong-un cũng có thể sẽ hạ thấp các yêu cầu hiện tại của mình hoặc gia tăng nhượng bộ để xúc tiến thỏa thuận với Mỹ. Đây là lựa chọn khả thi nhất để nới lỏng trừng phạt song có nguy cơ bị các nhà đàm phán xem là dấu hiệu của sự yếu thế và khiến họ càng được thể đòi hỏi thêm.
Thoạt nhìn, người ta cho rằng thời gian có vẻ như đang tạo cho phía Mỹ lợi thế. Mỹ có thể bất chấp thực tế mà ở đó có sự tồn tại của một Triều Tiên vũ trang hạt nhân, miễn là các biện pháp răn đe vẫn còn hiệu lực, trong khi Triều Tiên khó có thể xoay xở lâu với các đòn trừng phạt kéo dài. Vì vậy việc kéo dài thời gian nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ từ Triều Tiên có thể là lựa chọn hiệu quả và đây đúng là cách mà Mỹ đã làm trong vài thập kỷ qua.
Tuy nhiên, đây là một chiến lược tồi, bởi lịch sử đã chứng minh rằng thời gian kéo dài không đồng nghĩa với việc Mỹ trở nên an toàn hơn hay có nhiều ảnh hưởng hơn mà thậm chí nó còn tạo điều kiện để Triều Tiên có cơ hội phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Kết quả của thượng đỉnh Hà Nội đem tới 2 bài học.
Thứ nhất, Mỹ không nhận thức được rằng thời gian không thuộc về họ, và nếu Triều Tiên không hiểu được rằng Tổng thống Mỹ không phải là người nắm chính trường Mỹ trong lòng bàn tay, bế tắc sẽ mãi còn đó và những luẩn quẩn sẽ còn lâu mới được hóa giải. Cơ hội để cải thiện cuộc sống cho người dân Triều Tiên cũng như an ninh khu vực sẽ ngày càng phai nhạt.
Thứ hai, việc để cho cuộc gặp thượng đỉnh là nơi quyết định tất cả chắc chắn sẽ dẫn đến những kết quả không như ý. Điều người ta cần làm là xúc tiến nhiều cuộc gặp ở cấp thấp hơn, đều đặn hơn và chấp nhận những đột phá nhỏ hơn. Bước đầu tiên có thể là thiết lập văn phòng liên lạc để tạo điều kiện cho việc thấu hiểu lẫn nhau và trao đổi thuận lợi hơn. Đây là bước khả thi mà không cần tới những đồng thuận về dỡ bỏ trừng phạt hay phi hạt nhân hóa.
Việc chấm dứt sự thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Triều Tiên là một quá trình dài hơi. Tuy nhiên, tiến trình đó không nhất thiết phải quá dài, và người ta có thể rút ngắn chặng đường bằng cách rút ra bài học từ những thất bại trong quá khứ./.