5 điều kiện cho "thế giới không vũ khí hạt nhân"

Tổng thư ký Ban Ki-moon ngày 3/5 đã nêu ra 5 điều kiện then chốt nhằm thúc đẩy thành công một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Khẳng định "hiện thực hóa một thế giới không vũ khí hạt nhân luôn là ưu tiên cao nhất của Liên hợp quốc và là khát khao cháy bỏng của nhân loại," Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 3/5 đã khai mạc Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) tại New York.

Hội nghị mong đợi hơn 100 nước tham gia sẽ có những hành động quyết định để xây dựng một thế giới an toàn hơn.

Để định hướng hành động, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã nêu ra 5 điều kiện then chốt nhằm thúc đẩy thành công một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Một là, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân phải cam kết loại trừ vũ khí nguyên tử. Hai là, cần nỗ lực để tất cả các nước đều tham gia NPT và đảm bảo rằng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình không bị lợi dụng để che đậy việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Ba là, cần tăng cường hiệu lực của luật pháp, trong đó có Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và Công ước chống khủng bố hạt nhân.

Bốn là, nỗ lực củng cố khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông cũng như các khu vực khác. Năm là, tăng cường tiến trình kiểm điểm thực hiện NPT.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng đánh giá cao nhiều nước thể hiện vai trò tiên phong bằng việc từ bỏ vũ khí hạt nhân, hủy bỏ kho vũ khí nguyên tử và thiết lập các khu vực phi vũ khí hạt nhân.

Thay mặt Phong trào Không liên kết, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa kêu gọi Hội nghị kiểm điểm NPT 2010 bác bỏ một cách rõ ràng và dứt khoát các chính sách răn đe hạt nhân và cấm mọi hình thức thử hạt nhân nhằm tiến tới loại trừ hoàn toàn loại vũ khí này.

Hội nghị cần xác định một khung thời gian với danh sách những hành động cụ thể để thực hiện NPT và một cơ chế để kiểm tra và đảm bảo sự tuân thủ Hiệp ước.

Phong trào Không liên kết hoan nghênh các nỗ lực thiết lập các khu vực phi vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, đặc biệt ở Trung Đông.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho biết năng lượng hạt nhân ngày nay đã được coi là nguồn năng lượng sạch và ổn định.

Vào năm 2030, khoảng 10-30 nước sẽ có điện hạt nhân trong mạng lưới điện quốc gia. IAEA cam kết sẽ trợ giúp các nước khai thác năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả y tế và liệu pháp phóng xạ chống ung thư, môi trường và nông nghiệp.

Ông Amano kêu gọi 20 nước ký NPT nhưng chưa thực hiện các hiệp định về an toàn toàn diện của IAEA cần sớm thực thi các hiệp định này.

Ông nhấn mạnh thành công của Hội nghị kiểm điểm NPT năm 2010 sẽ tăng cường lòng tin vào chế độ không phổ biến hạt nhân và tạo cho IAEA cơ sở mạnh hơn để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Góp tiếng nói tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định những nước vi phạm NPT sẽ phải "trả giá đắt" và Washington sẵn sàng ủng hộ những bước đi thực tế để hình thành khu vực không có vũ khi hạt nhân ở Trung Đông.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong bài phát biểu của mình, bà H.Clinton sẽ công bố một chiến dịch huy động 100 triệu USD trong vòng 5 năm để giúp các nước đang phát triển tiếp cận dễ dàng hơn khi sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, trong đó Washington cam kết đóng góp 50 triệu USD.

Trong bài phát biểu 35 phút tại hội nghị, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã chỉ trích Mỹ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống Tehran và phủ nhận cáo buộc rằng Iran đang tìm kiếm vũ khí hạt nhân.

Ông Ahmadinejad kêu gọi thành lập một cơ quan độc lập áp đặt thời hạn chót cho việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Trong ngày đầu tiên của hội nghị, đại diện các nước châu Âu, châu Á cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp bách đối với việc tuân thủ NPT và nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hòa bình để tiến tới một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Hội nghị kiểm điểm thực hiện NPT được tổ chức 5 năm 1 lần. Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 3-28/5, bao gồm phiên tranh luận toàn thể 4 ngày và các cuộc thảo luận kín nhằm tăng cường chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế và cải thiện tình trạng an ninh và an toàn vật liệu hạt nhân cũng như các cơ sở liên quan.

Có hiệu lực từ năm 1970, đến nay NPT đã có 189 nước tham gia. Ấn Độ, Pakistan và Israel vẫn từ chối ký hiệp ước này, trong khi Triều Tiên rút khỏi NPT từ ngày 10/1/2003./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục