49 năm thống nhất đất nước: Nhịp cầu hàn gắn vết thương chiến tranh

Tiến sỹ Andrew Wells-Dang nhận thấy rằng sự tin tưởng và hợp tác giữa nhân dân hai nước đã hình thành từ trước khi Việt Nam và Mỹ đạt được những tiến bộ ngoại giao ở cấp nhà nước.
Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)

49 năm sau ngày 30/4 lịch sử, với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai," Việt Nam và Mỹ đã và đang hợp tác chặt chẽ trong khắc phục hậu quả chiến tranh, coi đây là ưu tiên trong quan hệ hai nước, giúp xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Đóng góp đáng kể trong nỗ lực đó là hoạt động ngoại giao nhân dân.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington, Tiến sỹ Andrew Wells-Dang, lãnh đạo Sáng kiến Hòa giải và Di sản chiến tranh Việt Nam tại Viện Hòa bình Mỹ (USIP), nhấn mạnh một điểm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Mỹ là nền tảng quan hệ ngoại giao nhân dân, bao gồm các mối quan hệ giữa các cựu chiến binh, sinh viên, doanh nhân và các tổ chức phát triển phi chính phủ.

Nhìn vào thời kỳ hậu chiến, Tiến sỹ Andrew Wells-Dang nhận thấy rằng sự tin tưởng và hợp tác giữa nhân dân hai nước đã hình thành từ trước khi Việt Nam và Mỹ đạt được những tiến bộ ngoại giao ở cấp nhà nước. Nhìn chung, hầu hết tất cả hội nhóm chính trị-xã hội đều ủng hộ mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn. Đây là thành tựu đáng kể trong quá trình hòa giải thời hậu chiến.

Nhiều năm qua, các tổ chức phi chính phủ cũng như các quỹ, các cá nhân là đối tác Mỹ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã hỗ trợ với giá trị ước tính hàng triệu USD chăm sóc nạn nhân chiến tranh ở các địa phương, xây nhà tình thương, các cơ sở văn hóa, thư viện, tặng quà, vật nuôi cho người dân các vùng sâu, vùng nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều đoàn sinh viên Mỹ đã đến lao động tình nguyện cũng như ủng hộ tiền, phương tiện học tập cho người khuyết tật và các nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở các địa phương của Việt Nam.

Nhiều cựu binh hay con cái, thân nhân binh lính Mỹ tử trận tại Việt Nam từ chỗ thấu hiểu sự thật quá khứ đã đi đến những việc làm cụ thể giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Một số dự án đã đem lại hiệu ứng tốt về hòa giải sâu rộng, như tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa những người từng ở hai bên chiến tuyến, giữa thân nhân những người đã mất hoặc bị thương trong chiến tranh của cả hai bên, hay các dự án của những người Mỹ có người thân chết trong chiến tranh Việt Nam hỗ trợ xây nhà cho người nghèo ở Việt Nam...

Nhiều người Mỹ tận mắt chứng kiến những hậu quả nặng nề của chiến tranh mà sau gần nửa thế kỷ qua người dân Việt Nam vẫn đang phải chịu đựng, đã quyết định làm gì đó để đóng góp vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh và sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ hai nước.

Một số học giả, nhà nghiên cứu, phóng viên đến Việt Nam lấy tư liệu viết sách, báo, làm phim, ảnh đã phản ánh trung thực, khách quan về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và hậu quả của nó, cũng như thành tựu và khó khăn của Việt Nam trong phát triển, xây dựng đất nước.

Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Cảm kích trước tấm lòng vị tha, hào hiệp của nhân dân Việt Nam trong việc giúp tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ mất tích, trong khi bao người mẹ, người vợ và gia đình Việt Nam chưa tìm ra dấu tích của người thân đã hy sinh, ngày càng có thêm nhiều cựu binh Mỹ và gia đình tới Việt Nam, mang theo hàng trăm hồ sơ, tài liệu, kỷ vật chiến trường để trao cho các cơ quan chức năng, gia đình liệt sỹ hoặc các bảo tàng của Việt Nam, giúp tìm kiếm hài cốt của bộ đội hy sinh, mất tích trên các chiến trường năm xưa.

Nhà nghiên cứu về an ninh quốc tế David Johnson thuộc Đại học Luật Stanford, đánh giá: "Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ là một ví dụ về việc hàn gắn vết thương của quá khứ, mà còn là một minh chứng cho sức mạnh của sự thấu hiểu và hợp tác trong ngoại giao."

Những năm gần đây, việc giảng dạy về chiến tranh Việt Nam trong các trường học Mỹ đã được quan tâm và chú trọng nhiều hơn, giúp học sinh hiểu rõ hơn về sự kiện quan trọng này trong lịch sử hai nước, không chỉ về các diễn tiến chính của cuộc chiến, mà còn về những hậu quả và tác động xa hơn đến cả hai nước. Bài học từ chiến tranh Việt Nam mang những ý nghĩa sâu sắc về hòa bình, quyền con người và sự đa dạng văn hóa. Việc hiểu rõ về những sai lầm và hậu quả của cuộc chiến có thể giúp tránh những điều tương tự trong tương lai.

Việc đưa chiến tranh Việt Nam vào nội dung giảng dạy cũng giúp thế hệ trẻ ở Mỹ hiểu hơn về văn hóa và địa lý, con người Việt Nam, mở ra cánh cửa để hiểu biết sâu hơn về văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố quan hệ giữa hai nước. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người trẻ Mỹ đến Việt Nam để học và dạy tiếng Anh, góp phần xây dựng cầu nối nhằm thúc đẩy sự hiểu biết giữa hai nước.

Theo Tiến sỹ Andrew Wells-Dang, thế hệ trẻ của hai nước cần phải được biết rõ hơn về cuộc chiến tranh, sự tàn khốc và những mất mát từ cả hai phía, từ đó đóng góp nhiều hơn vào việc hòa giải và phát triển quan hệ hai nước.

Ông Ron Carver, Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Waging Peace in Vietnam, đã làm việc với một nhóm cựu chiến binh và nhà sử học tại Mỹ biên soạn hai cuốn sách, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Việt, nói về vai trò của những cựu chiến binh yêu hòa bình đã góp phần vào việc chấm dứt chiến tranh. Nhóm đã đưa tuyển tập này đi giới thiệu tại 19 trường đại học ở Mỹ và 8 trường đại học ở Việt Nam.

Ông Ron Carver cho biết đang cố gắng để tổ chức một hội thảo, nơi các nhà sử học Mỹ và Việt Nam có thể gặp gỡ và thảo luận về việc kết thúc chiến tranh và các chiến lược hợp tác trong tương lai. Sự kiện dự kiến tổ chức vào năm sau để kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh. Đây là một hình thức khác của sự hợp tác giữa nhân dân và nhân dân, tăng cường sự hiểu biết và ghi chép lại những ký ức của cuộc chiến tranh.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện phòng trưng bày về những nỗ lực chung của hai nước khắc phục hậu quả chiến tranh. Gian triển lãm chung này sẽ khai trương vào năm 2025.

Đáng chú ý, sẽ có một gian triển lãm cố định do các cựu chiến binh từ bang Kentucky biên soạn, trưng bày các tác phẩm của các nhiếp ảnh gia chiến tranh người Việt Nam và phương Tây.

Theo Giáo sư John Smith, Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Harvard, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã "trải qua một quá trình đáng kinh ngạc từ thời kỳ hậu chiến đến nay. Sự hợp tác và cùng nhau xây dựng lại mối quan hệ đã làm nền tảng cho một tương lai hứa hẹn."

Giáo sư chuyên nghiên cứu về ngoại giao và quan hệ quốc tế Sarah Brown, Đại học Columbia, đánh giá: "Việc Việt Nam và Mỹ xây dựng mối quan hệ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung đã tạo ra một điểm sáng trong bức tranh đa chiều của quan hệ quốc tế hiện đại."

Thời chiến tranh, ngay trong lòng nước Mỹ, làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam rầm rộ đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của những người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình. Sau chiến tranh, hoạt động đối ngoại nhân dân đã trở thành nhịp cầu giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển lên tầm cao mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục