Nhiều năm qua, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh thuộc Bảo tàng Quân khu 7, Thành phố Hồ Chí Minh, là địa chỉ tin cậy của những người yêu lịch sử.
Nhiều người tìm đến đây để hiểu hơn về một quãng thời gian khói lửa hào hùng của dân tộc qua những kỷ vật, tài liệu về chiến công của quân và dân ta trong Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Các cán bộ, chiến sỹ Bảo tàng Quân khu 7 đã và đang nỗ lực gìn giữ “trái tim của bảo tàng” để những kỷ vật, tài liệu quý giá, sống mãi đến muôn đời sau.
Nơi lưu giữ ký ức lịch sử
Nằm ngay trung tâm thành phố, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập vào tháng 1/2021, kế thừa hoạt động của Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh thuộc Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam Bộ, Quân khu 7.
Với hai khu trưng bày ngoài trời và trong nhà, Bảo tàng giới thiệu khoảng 1.000 hiện vật, tài liệu trong tổng số hơn 6.000 hiện vật, tài liệu đã được sưu tầm và lưu giữ tại đây.
Khu trưng bày ngoài trời có diện tích 2.500m2, giới thiệu các loại vũ khí, khí tài sử dụng trong chiến dịch như máy bay, xe tăng, đại bác các loại.
Khu trưng bày trong nhà có diện tích 1.500m2 với những bộ sưu tập và hiện vật có nội dung khái quát tình hình chiến trường miền Nam từ sau Hiệp định Paris đến trước khi Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra; trong đó, trọng tâm là phần trưng bày về Chiến thắng Phước Long, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng; Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trung tâm khu trưng bày trong nhà là tấm sa bàn điện tử 60m2, tái hiện lại toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
[Đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975]
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7, trong số các hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh có một hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia (đó là sổ Trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, ở đây còn một số bộ sưu tập hiện vật quý hiếm rất có giá trị như bộ sưu tập cờ các Quân đoàn, Binh đoàn và các đơn vị; bộ sưu tập pháo phòng không, tên lửa; bộ sưu tập xe quân sự từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, Bảo tàng còn có một kho sưu tập đồ sộ những tài liệu, hình ảnh về không khí hào hùng, oanh liệt của những ngày tháng Tư năm 1975 lịch sử như bức ảnh chụp mũi tiến công của Sư đoàn 320, Quân đoàn 1 và Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 phối hợp với Đặc công, Biệt động Sài Gòn đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu của chế độ Việt Nam Cộng hòa; bộ quân phục, sổ nhật ký và kính lúp của Đại tướng Văn Tiến Dũng (người chỉ huy trực tiếp Chiến dịch Hồ Chí Minh) sử dụng trong những năm chiến tranh…
Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ với khối lượng hiện vật đa dạng, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh đã mang đến cho khán giả cái nhìn khái quát về một giai đoạn đặc biệt có ý nghĩa trong cả tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc. Đây đã trở thành địa chỉ đỏ cho những thế hệ trẻ hôm nay muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc, nhất là về Chiến dịch Hồ Chí Minh - một điểm son lịch sử của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của thế hệ cha ông đi trước.
Mỗi năm, Bảo tàng đón hàng chục nghìn lượt khách (chỉ tính các đoàn khách tham quan có đăng ký) từ khắp các địa phương trong cả nước và nước ngoài. Trong số khách tham quan đến với Bảo tàng, có rất nhiều sinh viên, học sinh; những thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Họ mong muốn được tận mắt chứng kiến những hiện vật quý giá tại Bảo tàng, minh chứng cho sự dũng cảm, trí thông minh, kiên cường bất khuất của quân và dân ta 50 năm về trước. Những trải nghiệm quý báu đó sẽ góp phần giáo dục lòng yêu nước, sự biết ơn với tổ tiên, cội nguồn và xây dựng ý thức trách nhiệm xã hội đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Là người đã nhiều lần đưa các khóa sinh viên đến tham quan Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Đặng Văn Khoa, giảng viên Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết các sinh viên rất hào hứng khi được tận mắt chứng kiến các kỷ vật, hình ảnh lịch sử, nghe kể về cuộc chiến đấu của cha ông cách đây nửa thế kỷ. Đó là một hoạt động ý nghĩa mang lại hiệu quả học tập thiết thực cho sinh viên qua sự kết hợp, tương tác giữa giáo dục tại giảng đường và bảo tàng.
“Không chỉ là kiến thức về nghệ thuật quân sự, sự thông minh, sáng tạo và dũng cảm trong chiến đấu của cha ông ta mà còn cả những nỗi đau vì mất mát, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông cho nền độc lập dân tộc, từ đó góp phần vun bồi lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng sống của các thế hệ trẻ," anh Đặng Văn Khoa chia sẻ.
Gìn giữ bảo vật của thời gian
Nói đến bảo tàng là nói đến hiện vật. Không có hiện vật thì không thể có bảo tàng và vì vậy có thể ví hiện vật là “linh hồn” của bảo tàng. Thời gian giúp làm tăng giá trị của những kỷ vật, tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng nhưng cũng chính thời gian mang lại nguy cơ cho sự tồn tại của hiện vật bảo tàng. Để những kỷ vật, hiện vật, tư liệu còn mãi đến mai sau đòi hỏi một sự nỗ lực hết mình vì công việc và tình yêu đối với kỷ vật của những người làm công tác bảo tàng.
Thiếu tá Mai Thị Ngọc Quy, cán bộ Bảo tàng Quân khu 7 cho biết so với nhiều bảo tàng khác, những hiện vật tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh là hiện vật “trẻ,” nhưng cũng luôn ở tình trạng tiềm ẩn nguy cơ bị ảnh hưởng, hủy hoại từ những tác động của thời gian nửa thế kỷ đã qua.
Với hàng nghìn hiện vật gốc đa dạng về chủng loại chất liệu, vấn đề bảo quản được coi là một trong những khâu quan trọng, khó khăn nhất của công tác bảo tàng. Mỗi một chất liệu khác nhau, hiện vật có yêu cầu khác nhau về quy trình, tiêu chí bảo quản.
Những hiện vật là chất liệu kim khí, súng đạn, xe tăng…; hiện vật có chất liệu vải như các cờ Quân giải phóng, quần áo, trang phục của tướng lĩnh, chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh… hay hiện vật giấy như tấm bản đồ Dự thảo kế hoạch Chiến dịch Hồ Chí Minh, các bản đồ tác chiến, nhật ký… đều đối mặt với những mối nguy cơ bị hủy hoại và đòi hỏi những quy trình kiểm kê, bảo quản đặc thù nghiêm ngặt.
Vừa quét dọn những lá cây rụng trên chiếc xe tăng T.54 mang số hiệu 848 của Lữ đoàn Tăng 203, từng tham gia đột kích vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 đang được đặt trong khuôn viên Bảo tàng, Thiếu tá Nguyễn Đức Được vừa nói “cả một khối sắt thép đạn bắn không thủng nhưng chỉ cần sao nhãng việc kiểm tra để sứt mẻ phần sơn chống gỉ thì chỉ một thời gian những vết gỉ sét sẽ âm thầm loang vào trong ăn mọt cả xe như mối ăn gỗ.”
Những hiện vật có khối lượng lớn như xe tăng, máy bay, ôtô, pháo… thường để ngoài trời và chịu tác động trực tiếp của mưa gió, nắng nóng nên phải liên tục được kiểm tra, bảo quản thường xuyên và bảo quản chuyên sâu.
Là bảo tàng chuyên ngành nên tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, các hiện vật như súng, pháo, xe tăng, thiết bị quân sự, các hiện vật là vật liệu kim loại là khá lớn và hiện được bảo quản theo quy trình của tiêu chuẩn quân khí (bảo quản vũ khí trang bị của quân đội). Cán bộ bảo tàng phải hàng ngày kiểm tra, hàng tuần tra dầu, cạo gỉ sét… để hạn chế tối đa sự ăn mòn, hủy hoại của môi trường đối với hiện vật và khi cần sẽ đề xuất phương án bảo quản chuyên sâu.
Trong khi đó, các hiện vật bằng giấy, vải qua thời gian dần bị giòn, mục, gãy, hiện chưa có điều kiện áp dụng phương pháp tẩy axit vẫn đang được bảo quản theo quy định của Cục Di sản bằng cách sử dụng các kệ, hộp lưu trữ, tủ chuyên dụng trong môi trường đảm bảo về độ ẩm, ánh sáng…
Các hiện vật quý, có giá trị như “Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh” là Bảo vật Quốc gia, được bảo vệ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt như được đặt trong tủ bảo quản chuyên dụng có thiết bị điều tiết môi trường kiểm soát về độ ẩm, nhiệt độ và được kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời các tác hại từ môi trường nếu có.
Hiện nay, chỉ có 4 cán bộ làm chuyên trách công tác bảo quản, quản lý một khối lượng hiện vật khổng lồ của cả Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Để làm tốt được nhiệm vụ, bên cạnh những nỗ lực bản thân, các cán bộ Bảo tàng Quân khu 7 phải thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức nghiệp vụ chuyên môn và tình yêu nghề nghiệp.
Thiếu tá Mai Thị Ngọc Quy cho biết do đặc thù công việc, ngoài đôi lúc được ngồi tỷ mẩn xử lý nấm mốc, bảo quản trị liệu hiện vật giấy, vải, tre…, các nữ cán bộ bảo tàng “không được làm con gái” bởi thường xuyên trong cảnh “khi hùng hục bê vác, di chuyển hiện vật trong kho, lúc nằm bò dưới nắng bên đống xe pháo sắt thép.” Công việc bộn bề bởi số lượng hiện vật vốn đã nhiều vẫn được bổ sung thêm và việc bảo quản các hiện vật lại càng thêm phức tạp, khó khăn theo dòng chảy thời gian.
“Anh chị em cũng quen rồi. Công việc này cũng đem lại cho chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, bởi với chúng tôi hiện vật như người bạn. Mỗi hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện, một cuộc đời, một kỷ niệm cùng những thế hệ tiền bối. Mỗi lần tiếp xúc với những kỷ vật ấy cũng là một lần chúng tôi được tiếp thêm nghị lực, tình yêu trong công việc để làm tốt hơn công tác gìn giữ, bảo tồn những kỷ vật lịch sử cho các thế hệ mai sau,” Thiếu tá Mai Thị Ngọc Quy hào hứng chia sẻ./.