Xuyên suốt trong quá trình phát triển, ngay từ trong thời kỳ còn khó khăn, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mục tiêu về dân sinh, đảm bảo công bằng xã hội.
Qua đó, nhiều chương trình, phong trào thi đua được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân Thành phố.
Đi đầu trong xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa
Là một trong những đô thị lớn của cả nước, có tốc độ phát triển kinh tế cao, tuy nhiên thực tế cũng phát sinh những vấn đề xã hội bức xúc như tình trạng đói nghèo và phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư.
Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền Thành phố mang tên Bác đã có những chủ trương sáng tạo, quyết liệt là mở cuộc vận động và triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá.
[Hành trình 45 năm thành phố mang tên Người: Vượt lên chính mình]
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo - một chương trình mang ý nghĩa vừa cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài, đã trở thành chương trình hành động của cả nước.
Chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá đang được triển khai và nỗ lực thực hiện để không ngừng nâng cao mức sống cho người dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của Thành phố.
Đến cuối năm 2018, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 bình quân 1%/năm.”
Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố còn dưới 0,5 % và tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 1,5%; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần (hộ nghèo từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống; hộ cận nghèo từ trên 28 triệu đến 36 triệu đồng/người/năm).
Giảm nghèo bền vững trở thành tiêu chí phấn đấu quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao đời sống nhân dân.
Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đã được Thành phố triển khai, huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng góp công, góp của như hỗ trợ vốn để kinh doanh, sản xuất, đào tạo nghề cho các hộ nghèo của ngành Lao động-Thương binh-Xã hội.
Trong những năm qua, Thành phố triển khai phương pháp giảm nghèo đa chiều nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững và tăng nhanh hộ khá, khắc phục những thiếu hụt về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, dịch vụ cơ bản tại nơi ở, nhu cầu về giải trí, tinh thần…
Một phong trào khác cũng được Thành phố phát động, triển khai có hiệu quả là phong trào “đền ơn đáp nghĩa” mà trọng tâm là “phong trào xây dựng nhà tình nghĩa” từ năm 1989.
Được liên tục duy trì, hợp với lòng dân nên phong trào đã nhanh chóng lan tỏa cả chiều rộng lẫn chiều sâu, số lượng đơn vị, địa phương tham gia tăng dần theo từng năm và huy động được sức đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời trở thành một phong trào chung của nhân dân cả nước.
Ngoài chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã thống nhất chủ trương huy động nguồn lực xây nhà tình thương tặng hộ nghèo.
Chủ trương được triển khai với căn nhà tình thương đầu tiên được trao tặng hộ bà Lê Thị Ú ở xã Phước Hiệp (Củ Chi) vào năm 1998. Chỉ 3 năm sau, hơn 6.500 căn nhà tình thương đã ra đời, ưu tiên trao tặng những gia đình khó khăn về nhà ở.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thông qua nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo, 20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp của Thành phố đã góp phần xây dựng hơn 30.208 căn nhà và sửa chữa hơn 17.327 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; tặng hơn 11.020 phương tiện đi học, hơn 2.000 phương tiện làm ăn cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Giai đoạn 2001-2020, Quỹ Vì người nghèo Thành phố chăm lo nhà ở, bảo hiểm y tế; trao tặng phương tiện sinh kế, phương tiện sinh hoạt; trao tặng học bổng, học nghề, hỗ trợ khó khăn thường xuyên, đột xuất… với tổng số tiền hơn 2.135 tỷ đồng.
Những việc làm đó đã góp phần thiết thực vào thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa,” Thành phố đã vận động phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với đất nước.
Hệ thống Mặt trận Tổ quốc không chỉ quan tâm về mặt vật chất, tổ chức tặng quà các dịp lễ, tết; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí mà còn đặc biệt quan tâm về mặt tinh thần.
Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội phân công đoàn viên, hội viên, người lao động định kỳ hàng tháng tổ chức đoàn đến thăm hỏi, nấu cơm, tổng vệ sinh, chăm sóc các Mẹ; chăm sóc thương binh nặng và đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn.
Theo thống kê cuối năm 2020, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp Thành phố đã phụng dưỡng đến cuối đời 208/208 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống với mức hỗ trợ từ 2-8 triệu đồng/mẹ/tháng; hỗ trợ thường xuyên cho 37/37 thương binh đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn và 42/42 thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 2 triệu đồng trở lên/thương binh/tháng.
Nâng cao chất lượng an sinh xã hội
Cùng với nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, để hướng đến sự phát triển đồng bộ, bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chăm lo đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, có các chương trình, đề án nâng cao chất lượng đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần.
Thành phố đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tăng cường trang thiết bị dạy-học hiện đại; mạnh mẽ đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, phương pháp dạy-học; triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh quốc tế.
Thành phố triển khai giáo dục toàn diện, các hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, lý tưởng sống, phẩm chất công dân… đa dạng, hiệu quả. Thành phố đã thực trở thành một trung tâm giáo dục của cả nước.
Trên địa bàn Thành phố hiện có 54 trường đại học, học viện với hơn 500.000 sinh viên đang theo học, trong đó có nhiều cơ sở, chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thành phố tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển đồng bộ hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh theo định hướng chuyên sâu tại các bệnh viện. Các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của Thành phố triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước. Đồng thời, hình thành mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh bao phủ địa bàn thành phố.
Hiện Thành phố đạt chỉ tiêu 42 giường bệnh/10.000 dân, trong đó bình quân diện tích đạt 45m2/giường bệnh, đạt 20 bác sỹ/10.000 dân và hiện gần 100% các bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm thực hiện mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm.
Bước đầu, mô hình này đã phát huy hiệu quả khi công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thống nhất một đầu mối, xây dựng được hệ thống thực phẩm sạch thông qua phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, nông sản sạch, kiểm tra truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng và xây dựng mô hình chợ thực phẩm an toàn.
Thành phố mang tên Bác cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra việc làm.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015-2020, đã có hơn 1,54 triệu lượt lao động được giải quyết việc làm, trong đó có gần 659.000 chỗ làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị giảm dần qua hàng năm, đến năm 2020 chỉ còn dưới 3,7%.
Thành phố thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; hoạt động của hệ thống an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần chăm lo cho những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn; vận động toàn dân tham gia bảo hiểm xã hội đạt kết quả tốt với với gần 2,5 triệu người tham gia, chiếm gần 55% lực lượng lao động.
Những kết quả đạt được của Thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần đảm bảo an dân, tạo niềm tin trong nhân dân, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
45 năm Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố nghĩa tình
Hành trình 45 năm thành phố mang tên Người: Vượt lên chính mình