Trong suốt quá trình 45 năm mang tên Bác, Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xem là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế của khu vực và cả nước.
Trong quá trình phát triển của mình, Thành phố đã và đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức phải vượt quả để duy trì đà tăng trưởng, cũng như đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.
Còn không ít trở lực
Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng tự hào, Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm đang gây ra những lực cản nhất định đối với sự phát triển của Thành phố.
Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế đặc biệt quan trọng của Thành phố, mức độ vượt trội về tăng trưởng kinh tế so với cả nước, giảm dần động lực tăng trưởng mới của Thành phố còn nằm trên định hướng chưa định hình rõ nét, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Khoa học công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu tính tiên phong.
[TP.HCM cần gần 686.000 tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn đến năm 2025]
Sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế, đặc biệt trong việc tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc, trở ngại khiến thị trường không thể phát huy hết vai trò của nó.
Cùng với đó là những khó khăn khách quan phát sinh khác như những tác động đa chiều của đại dịch COVID-19, do độ mở của nền kinh tế thành phố, những tác động gay gắt của biến đổi khí hậu.
Chia sẻ tại tại Hội thảo khoa học định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, được tổ chức vào đầu tháng 5/2021, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh đối với phía Nam và cả nước đã được xác định từ đầu thập niên 1980. Nhưng đến nay, dường như Thành phố Hồ Chí Minh đang “đuối tầm” ngay cả là vai trò của một đầu tàu tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, hiện Thành phố vẫn đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách của cả nước, nhưng tỷ trọng trong một số ngành và lĩnh vực đều giảm dần. Năng suất các nhân tố tổng hợp tuy có cải thiện nhưng chủ yếu tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư vốn, sau đó mới đến yếu tố năng suất và lao động.
"Khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh rất yếu, qua đó bộc lộ những bất cập và khả năng thích ứng của cơ cấu kinh tế trên địa bàn," Tiến sỹ Trần Du Lịch nhận định.
Từ thực tế trên, Tiến sỹ Trần Du Lịch nhấn mạnh thách thức đối với sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong 10 năm tới phải vượt qua những rào cản để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế. Sự bất cập trong mô hình quản lý đô thị “loại đặc biệt” như Thành phố Hồ Chí Minh đã được nêu ra từ nửa đầu thập niên 2000, đó là “Thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh."
Giữ vừng đầu tàu kinh tế của cả nước
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đó là thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra 4 chương trình phát triển với 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm.
Việc đề ra 4 Chương trình phát triển là một trong những điểm nổi trội đặc biệt nhất, thể hiện sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần quyết tâm cao, ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố, đưa Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo với khả năng cạnh tranh và đẳng cấp khu vực, quốc tế trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình Đổi mới quản lý Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội giai đoạn 2017-2022, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố giai đoạn sau 2022; xây dựng chính quyền số; thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế, đề cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, tạo sự thống nhất, đồng lòng chung tay xây dựng, bảo vệ, phát triển Thành phố.
Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI tổ chức vào tháng 10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) chỉ rõ Thành phố phải nắm bắt vận hội thời cơ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu là động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước trên cơ sở thực hiện tốt vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là việc thí điểm cơ chế, chế chính sách đặc thù phát triển thành phố. Tiếp đó, Thành phố tập trung làm tốt công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý cần xác lập vai trò hạt nhân phát triển của Thành phố, gắn kết chặt chẽ với vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cấp vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đông Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm kết nối hiệu quả, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Thành phố cần quyết liệt tháo gỡ những nút thắt đang cản trở sự phát triển hạ tầng giao thông, nhân lực chất lượng cao, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và hợp tác, liên kết vùng là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi và có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhất là vị trí địa lý, kinh tế biệt quan trọng.
Bên cạnh đó, Thành phố tập trung nguồn lực để xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các đô thị vệ tinh ven đô. Đồng thời, đề xuất thí điểm các mô hình mới phù hợp thực tiễn, tạo động lực mạnh mẽ triển khai Thành phố với tốc độ nhanh và bền vững.
Với truyền thống năng động, sáng tạo của mình, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Thành phố Hồ Chí đã đạt được những thành tựu to lớn trong suốt 45 năm qua, xứng danh thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là cơ sở, động lực để Thành phố tiếp tục phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới./.
45 năm thành phố mang tên Bác: Không ngừng nâng cao đời sống nhân dân
45 năm Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố nghĩa tìnhHành trình 45 năm thành phố mang tên Người: Vượt lên chính mình