45 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất

Ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước, đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Công nhân Công ty Đường sắt 773 (Liên hiệp xí nghiệp cục Công trình 1-Bộ Giao thông Vận tải) đang xây dựng cầu Yên Xuân (Nghệ Tĩnh), tham gia bầu cử Quốc hội khóa VI tại công trường. (Ảnh: Lan Xuân/TTXVN)

Cách đây 45 năm, vào ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức đi bầu cử, bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Đây là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976-1981) - Quốc hội chung của cả nước đầu tiên sau thống nhất; là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước

Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xóa bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, dù non sông đã thu về một mối nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; chính quyền các cấp có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.

Ở miền Nam có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Ủy ban nhân dân cách mạng ở địa phương.

Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

[75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Những giá trị lịch sử]

Để thực hiện nhiệm vụ này, tháng 11/1975, đại biểu nhân dân hai miền Nam-Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị. Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định “cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất."

Trên cơ sở thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 3/1/1976, yêu cầu các cấp ủy đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo Tổng tuyển cử.

Theo Chỉ thị số 228-CT/TW, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam." Đây là những nguyên tắc cơ bản của một cuộc bầu cử dân chủ, được tiếp tục kế thừa từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam cách đó đúng 30 năm.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước diễn ra trong điều kiện hòa bình. Nguyện vọng tha thiết trước sau như một của nhân dân ta là nước nhà độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội đã thành hiện thực. Nhân dân ta bước vào cuộc Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được, với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, cuộc tổng tuyển cử cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nhân dân ta vừa phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, để lại những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống nhân dân.

Ở miền Nam, những tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, vẫn còn những hoạt động phá hoại của các thế lực phản động dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức vũ trang. Tình hình đó đòi hỏi phải ra sức phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác cách mạng, tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân, động viên tinh thần yêu nước, bảo đảm thắng lợi cho cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt

Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25/4/1976. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam.

Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước, đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%. Có nhiều xã, huyện, thị xã, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu.

Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Trong tổng số 492 đại biểu trúng cử, có 16,26% công nhân; 20,33% nông dân; 1,22% thợ thủ công; 28,66% cán bộ chính trị; 10,97% quân nhân cách mạng; 18,5% tri thức; 4,06% nhân sĩ dân chủ và tôn giáo; 26,21% đại biểu nữ; 14,28% đại biểu các dân tộc thiểu số.

Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không gì lay chuyển nổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà."

Xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”

Ngày 24/6/1976, Kỳ họp đầu tiên Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới.

Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Ðịnh là Thành phố Hồ Chí Minh. Sự ra đời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước.

Hội đồng bầu cử toàn quốc họp phiên thứ nhất, ngày 21-22/2/1976, tại Sài Gòn (từ 2/7/1976 được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN)

Với mục tiêu thể chế hóa đường lối chiến lược của Đảng, Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách xây dựng một bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất, Hiến pháp 1980, thể hiện một bước phát triển mới trong công tác lập hiến. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tổng kết và xác định những thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được qua nửa thế kỷ đấu tranh để giành độc lập, tự do; thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng; thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa Quốc hội trước, Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó, hoàn thành tốt các chức năng được giao theo quy định của Hiến pháp năm 1980 gồm lập hiến, lập pháp, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa, những quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, cùng với thắng lợi của các kỳ họp Quốc hội khóa VI đã tạo thêm điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn."

Như vậy, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (ngày 6/1/1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Đây là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng nước nhà.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI còn có ý nghĩa chính trị to lớn, tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975, mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam, trong vị thế của một Nhà nước độc lập, thống nhất.

Kỷ niệm 45 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976-25/4/2021) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại ngày lịch sử của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam.

Những kinh nghiệm trong các kỳ tổng tuyển cử bầu Quốc hội trước đây chính là những bài học quý giá để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đi đến thành công./.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đọc diễn văn khai mạc Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 15/11/1975 tại Sài Gòn (từ 2/7/1976 được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN)
Đồng chí Trường Chinh, Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc và đồng chí Phạm Hùng, Trưởng đoàn đại biểu miền Nam ký văn kiện chính thức sau Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 21/11/1975. (Ảnh: TTXVN)
Các đại biểu của hai đoàn Nam-Bắc trong giờ giải lao Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 21/11/1975. (Ảnh: TTXVN)
Hội đồng bầu cử toàn quốc họp phiên thứ nhất, ngày 21-22/2/1976, tại Sài Gòn (từ 2/7/1976 được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN)
Hội đồng bầu cử miền Bắc họp lần thứ nhất. (Ảnh: TTXVN)
Hội đồng bầu cử Quốc hội thống nhất miền Nam họp lần thứ nhất tại Sài Gòn (từ 2/7/1976 được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh), ngày 3/3/1976. (Ảnh: TTXVN)
Chiều 16/4/1976, Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội gặp mặt, nói chuyện thân mật với cử tri công nhân các nhà máy, xí nghiệp thuộc Khu công nghiệp Thượng Đình (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)
Ngày 23/4/1976, hàng vạn nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh míttinh diễu hành chào mừng ngày bầu cử Quốc hội thống nhất đất nước. (Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN)
Tối 22/4/1976, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội tổ chức mít tinh chào mừng cuộc Tổng tuyển cử, chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự. (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)
Công nhân Công ty Đường sắt 773 (Liên hiệp xí nghiệp cục Công trình 1 - Bộ Giao thông vận tải) đang xây dựng cầu Yên Xuân (Nghệ Tĩnh), tham gia bầu cử Quốc hội khóa VI tại công trường. (Ảnh: Lan Xuân/TTXVN)
Ông Nguyễn Hữu Đính (đeo kính) - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng thành phố Huế, ứng cử viên đại biểu Quốc hội nói chuyện thân mật với các đại biểu cử tri. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 25/4/1976, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến bỏ phiếu tại hòm phiếu số 30, khu vực 1, khu phố Ba Đình (Hà Nội). (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Nhân dân khối 35, khu phố 2, khu phố đông dân nhất thành phố Nam Định (Hà Nam Ninh) kiểm tra tên mình trong bảng danh sách cử tri. (Ảnh: Trần Phác/TTXVN)
Chủ tịch Tôn Đức Thắng bỏ phiếu tại hòm phiếu số 18, tiểu khu Lê Hồng Phong, khu phố Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Ông Hồ Vai, dân tộc Pa Kô, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Ủy ban Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội chung cả nước, tiếp xúc với cử tri xã Mỹ Thủy (Thừa Thiên cũ), tỉnh Bình Trị Thiên. (Ảnh: TTXVN)
Sinh viên trường Đại học Nông nghiệp 3 (Bắc Thái) bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI (25/4/1976). (Ảnh: Vũ Hanh/TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ hải quân Hạm đội 147 tham gia bầu cử Quốc hội thống nhất, ngày 25/4/1976 tại hòm phiếu 512, khu vực 4 Thành phố Sài Gòn (từ 2/7/1976 được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Ngọc Đản/TTXVN)
Giáo dân xã đạo Phát Diệm (Kim Sơn, Hà Nam Ninh) đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI (25/4/1976). (Ảnh: TTXVN)
Các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội bàn chương trình tiếp xúc với cử tri. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 25/4/1976, Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, Khu phố Hai Bà Trưng, khu vực bầu cử số 3 (Hà Nội). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Sáng 25/4/1976, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam, đại diện Đảng Lao động Việt Nam tại Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đi bỏ phiếu bầu Quốc hội thống nhất tại tổ 509 khu vực 2, Bến Nghé, Thành phố Sài Gòn (từ 2/7/1976 được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)
Sáng 25/4/1976, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng nói chuyện thân mật với cử tri sau khi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, khu phố Hai Bà Trưng, khu vực bầu cử số 3 (Hà Nội). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bỏ phiếu tại hòm phiếu 176 phường Bình Tây, quận 6, Thành phố Sài Gòn (từ 2/7/1976 được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN)
Sáng 25/4/1976, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến bỏ phiếu tại hòm phiếu số 30, khu vực 1, Khu phố Ba Đình (Hà Nội) và nói chuyện thân mật với cử tri. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bầu cử tại hòm phiếu 176, phường Bình Tây, quận 6, Thành phố Sài Gòn (từ 2/7/1976 được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN)
Sáng 23/4/1976, đồng chí Xuân Thủy, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử miền Bắc kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 2, Hà Nội. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Hòm phiếu lưu động tại cầu cảng Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)
Đúng 7 giờ ngày 25/4/1976, cử tri đã có mặt đông đảo ở phòng bỏ phiếu số 36, Khu phố Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Khanh/TTXVN)
Ngày 25/4/1976, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh nói chuyện thân mật với cụ Đặng Văn Đa, 79 tuổi, tại khu vực bỏ phiếu số 36, Khu Hoàn Kiếm, sau khi hoàn thành việc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI. (Ảnh: Ngọc Khanh/TTXVN)
7h15 ngày 26/4/1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 13, tiểu khu Phan Đình Phùng, Khu Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Cử tri khu phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm (Hà Nội) xem danh sách ứng cử viên trước khi bầu cử Quốc hội khóa VI. (Ảnh: TTXVN)
Công nhân Nhà máy dệt 8/3 đi bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu số 41, khu vực 3 ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục