43 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: 'Về đây đồng đội ơi'
Hạnh Quỳnh
Ngày 17/2, tấp nập người đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, thắp nén tâm nhang tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Tấm bia đá khắc lại những câu chuyện, ký ức không quên của một thời lịch sử đã qua trong Đài hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 468 nằm ở lưng chừng núi Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Tháng Hai. Những bông đào rừng bung nở khoe sắc dọc biên giới Việt-Trung. Dưới bầu trời vùng biên ải của Tổ quốc là màu xanh của bình yên, là cuộc sống hiền hòa, êm đềm của người dân.
Nhưng cũng tại vùng sơn cước này đang khắc khoải nỗi niềm của những người trong hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội đã hòa vào đất mẹ.
Đồng đội của họ là những người đã "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử" để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, hy sinh vì độc lập-tự do, vì một biên cương hòa bình.
Kỷ niệm 43 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979-17/2/2022), phóng viên TTXVN thực hiện loạt bài "Về đây đồng đội ơi."
Bài 1: Những cái chết hóa đá bất tử
Ngày 17/2, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) tấp nập người đến viếng, thắp nén tâm nhang tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tưởng nhớ những đồng bào đã ngã xuống bởi đạn pháo của quân xâm lược 43 năm trước.
Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên có những cựu chiến binh đi thăm phần mộ đồng đội, vợ viếng mộ chồng, con thăm mộ cha và những đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc.
Lặng lẽ đặt bó hoa trước Đài Tổ quốc ghi công rồi thắp nén nhang thơm lên những phần mộ Anh hùng liệt sỹ, ông Vương Trung Thực, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 5 Vị Xuyên, đứng rất lâu như trò chuyện, nhắn nhủ với đồng đội của mình hãy yên lòng an nghỉ.
Bên phần mộ một liệt sỹ, ông Vương Trung Thực hồi nhớ: ngày 17/2/1979, đạn pháo của quân xâm lược dội vào toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam, suốt một dải 1.200km từ Pa Nậm Cúm-Lai Châu đến Pò Hèn-Quảng Ninh.
Thời điểm đó, mảnh đất Vị Xuyên cũng hứng chịu những đợt pháo kích dữ dội từ bên kia biên giới. Đã có nhiều người dân Vị Xuyên chết bởi đạn pháo quân thù.
"Rạng sáng 17/2/1979, tôi nằm ngủ trong nhà thì nghe thấy tiếng đạn pháo địch bắn vào Vị Xuyên. Chúng bắn cả ngày cả đêm, vô cùng ác liệt. Năm 1984, tôi nhập ngũ chiến đấu để bảo vệ mảnh đất này," ông Vương Trung Thực nhớ lại rồi trầm tư nói: Vị Xuyên là nơi "đi trước, về sau" trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Sau khi chịu thiệt hại nặng nề bởi sự kháng cự quyết liệt của dân và quân ta trên toàn tuyến biên giới, lúc này các quân đoàn chủ lực của Việt Nam từ Tây Nam cơ động lên biên giới phía Bắc, vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, ngày 5/3/1979, địch buộc phải rút quân. Nhưng Vị Xuyên vẫn là trận địa nóng bỏng, nhiều giai đoạn không ngớt đạn pháo từ bên kia biên giới dội sang.
Mảnh đất này trở thành một mặt trận trọng điểm, chiến trường khốc liệt nhất bởi các cuộc tiến công dai dẳng cho tới gần 10 năm sau đó của quân xâm lược.
"Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên hiện có hơn 1.800 mộ liệt sỹ, trong đó có 1 ngôi mộ tập thể, hàng trăm mộ chưa xác định được thông tin. Hầu hết mộ Anh hùng liệt sỹ là những người đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ mảnh đất này," ông Vương Trung Thực nói.
Nhắc tới thời điểm khốc liệt đó, Thượng úy Nguyễn Xuân Đệ, cựu chiến binh Sư đoàn 356, người tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại mặt trận nóng bỏng Vị Xuyên, hiện ở thành phố Hà Giang, kể: "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử."
Lời thề ấy của liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 khắc ghi trên báng súng đã trở thành phương châm sống, chiến đấu của những người lính Vị Xuyên.
Trên chiến trường, quân ta bám trụ từng điểm cao, từng tấc đất, mỏm đá. Có những quả đồi diễn ra hàng chục trận đánh giành đi, giật lại giữa ta và địch. Không một hòn đá, không một mét đất nào không thấm máu người lính Việt Nam. Quả đồi Đài do đạn pháo dội vào mà bị phạt sâu hơn 1m, trắng xóa như vôi nên còn có tên gọi là "Lò vôi thế kỷ."
Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống, nhiều người bỏ lại một phần cơ thể nơi rừng sâu núi thẳm, ông Nguyễn Xuân Đệ nhớ lại.
Tưởng nhớ đồng đội, ông Nguyễn Xuân Đệ đau đáu nói về "tâm nguyện đời người." Đó là tìm kiếm, quy tập hài cốt những đồng đội đang nằm dưới những khe núi, thung sâu, đã hòa mình vào mảnh đất Vị Xuyên.
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), có 1.782 anh hùng liệt sỹ và một mộ tập thể, trong đó có hơn 1.500 liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)
"Cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu với nhau nhưng mình may mắn còn sống mà đồng đội mình thì hy sinh. Nỗi đau đó như bản thân mất đi ngón tay, ngón chân. Xót thương vô cùng. Chưa khi nào chúng tôi nguôi quên đồng đội mình," ông Nguyễn Xuân Đệ day dứt nói.
Đã nhiều lần ông Nguyễn Xuân Đệ cùng những cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên và Sư đoàn 356 tìm vào cao điểm 468 ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy - trung tâm của mặt trận Vị Xuyên phía tây sông Lô, cũng là nơi có đài quan sát và trận địa pháo của bộ đội ta.
Họ cũng lần theo từng dấu vết ở bình độ 300, điểm cao 400 với mong muốn tìm lại được hài cốt đồng đội. Song như ông chia sẻ, đây là việc "hết sức khó khăn."
Khi cuộc chiến kết thúc, một số đơn vị rút quân về tuyến sau, có đơn vị đã giải thể theo yêu cầu nhiệm vụ, công tác bàn giao mộ liệt sỹ, danh sách liệt sỹ, sơ đồ mộ cho tỉnh có nhiều thiếu sót và chưa đầy đủ.
Hơn nữa, do đã nhiều năm, địa hình, địa vật của chiến trường xưa có nhiều thay đổi; nhân chứng lịch sử người còn, người mất, tuổi cao, hơn nữa địa hình đồi núi phức tạp, còn sót lại nhiều bom, mìn, vật cản.
"Dù vậy thời gian qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Hà Giang quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, đã đưa nhiều anh em về với đồng chí, đồng đội. Mới đây có 3 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập tại thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên," ông Nguyễn Xuân Đệ chia sẻ./.
Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia.
Pò Hèn là nơi ghi dấu trận chiến đấu ác liệt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc 42 năm trước và là nơi tưởng niệm 86 người con của đất nước đã anh dũng nằm xuống để giữ gìn cương vực lãnh thổ.
42 năm đã trôi qua, màu xanh đã phủ lên vết thương nơi mảnh đất địa đầu phía Bắc nhưng lịch sử vẫn mãi khắc ghi lòng yêu nước, quả cảm của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, hơn 9.000 người bị thương và hiện còn trên 2.000 hài cốt liệt sỹ vẫn chưa được tìm thấy và quy tập.