40 năm và những ký ức không thể nguôi quên: Lời thề giữ đất

TTXVN trân trọng giới thiệu loạt 4 bài “40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot: Những ký ức không thể nguôi quên.”
40 năm và những ký ức không thể nguôi quên: Lời thề giữ đất ảnh 1Lễ giỗ tập thể cho 3.157 người dân vô tội của thị trấn Ba Chúc bị Pol Pot-Ieng Sary thảm sát. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ngày 7/1/1979 là ngày quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia chiến thắng Pol Pot.

Đó cũng là ngày những người lính tình nguyện vượt qua những dặm dài heo hút, núi rừng hiểm trở, truy quyét tàn quân của chế độ diệt chủng Pol Pot và để lại một phần máu thịt tuổi trẻ trên mảnh đất này.

Tình nguyện sang giúp hồi sinh đất nước Chùa Tháp, còn có hàng ngàn chuyên gia, cán bộ Việt Nam.

Vùng biên cương rền vang tiếng súng năm nào đã thay da đổi thịt. Trang sử mới giữa hai quốc gia, hai dân tộc cũng đã mở ra. Nhưng ký ức bốn mươi năm trước vẫn còn đó để giúp soi rọi quá khứ gây nên cuộc chiến tranh tàn bạo, nhìn vào hiện tại và hình dung tương lai để đấu tranh cho cuộc sống hòa bình, tình hữu nghị giữa các quốc gia.

TTXVN trân trọng giới thiệu loạt 4 bài “40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot: Những ký ức không thể nguôi quên.”

Bài 1: Lời thề giữ đất

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đóng ở tận cùng mảnh đất Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai, trấn giữ cửa ngõ quan trọng trên con đường dẫn ra cửa khẩu cùng tên. Cách không xa cổng Đồn uy nghiêm, vững chãi là Nhà bia tưởng niệm 10 liệt sỹ Bộ đội Biên phòng hy sinh năm 1978.

Am thờ những người lính đã nằm xuống, vấn vương khói hương thơm ngát quanh sắc hoa tươi. Tấm bia mới dựng cách đây một năm, chữ đỏ như máu: “Tại đây! Trong chiến tranh biên giới Tây Nam của Tổ quốc (từ tháng 4/197-5/1978), đỉnh cao là 9 ngày đêm, Đồn bị địch bao vây, một số đồng chí bị thương và hy sinh, song cán bộ, chiến sỹ Đồn vẫn kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu đánh trả và đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên, đánh bại một tiểu đoàn địch, tạo đà cho quân ta phản công. Bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc…”

Theo lời kể của Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai), trước khi mang tên hiện nay, phiên hiệu đơn vị là Đồn Biên phòng 649.

Cách đây bốn mươi năm, mảnh đất biên cương này rền vang tiếng súng giáng trả lại quân lính chế độ Pol Pot.

Như ở nhiều Đồn Biên phòng khác trên mảnh đất Tây Nam, ban đầu là những lập luận kiên trì, có lý, có tình đáp lại các toán lính Pol Pot ngang ngược cầm súng vào đồn khiêu khích, đòi bộ đội rút quân đi nơi khác vì “Cấp trên nói đất Campuchia kéo dài đến Đức Cơ.” Nhưng mọi thiện chí hòa bình từ những người lính bị phớt lờ.

Sau các cuộc kéo cả tiểu đoàn vào làng đốt nhà, cướp của, bắt người, chiếm đất, chế độ Pol Pot cho lính vây hãm, phục kích, tập kích, tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nhằm xóa sổ các Đồn, Trạm Biên phòng và các địa bàn đông dân cư của ta. Tại Gia Lai, đỉnh điểm là từ ngày 18 đến 27/6/1978, một tiểu đoàn lính chế độ Pol Pot với súng hạng nặng như cối, pháo 105mm đánh chiếm Đồn 649.

“Vòng vây kẻ địch như gọng kìm siết chặt. Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng vẫn ngoan cường dựa vào hệ thống hào công sự chiến đấu với kẻ địch. Họ quyết bám trụ, giữ Đồn cho tới khi lực lượng Quân khu V đến chi viện đánh bật kẻ thù ra khỏi lãnh thổ. Lời thề giữ đất được đánh đổi bằng 10 người lính mang quân hàm xanh. Năm 1979, Đồn Biên phòng 649 được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân,” Thượng tá Đinh Hữu Ninh nói.

[Quân đội nhân dân Việt Nam - Những chiến công mang tầm vóc thời đại]

Nhớ như in những hình ảnh giữ đất, giữ đồn, ông Rơ Châm Chiek, người lính trẻ Đồn Biên phòng 649 năm xưa, nay là một già làng ở xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bảo, làm sao có thể quên những ngày trên đầu là mưa đạn pháo, dưới chân là nước mưa ngập đến đầu gối, hệ thống giao thông hào nhầy nhụa, còn bên cạnh, những đồng đội cứ lần lượt ngã xuống.

Già làng người dân tộc Jrai sắp bước sang tuổi 70 chậm rãi nói: "Sự tàn bạo man rợ của lính Pol Pot ở khắp biên giới Tây Nam. Chúng đập chết đàn ông, người già bằng gậy gỗ mun. Phụ nữ có nhan sắc bị chúng cưỡng hiếp tại cánh đồng, cạnh các xác chết. Cưỡng hiếp xong cũng giết luôn bằng cây gậy xiên qua người. Chúng còn hành quyết trẻ em theo những kiểu man rợ nhất."

“Lính Biên phòng đã thề quyết tử. Ròng rã 9 ngày đêm, có đến hàng ngàn quả đạn pháo dội xuống Đồn. Những trận tập kích của lính chế độ Pol Pot cứ đến cấp tập. Chế độ Pol Pot còn cho trinh sát luồn sâu gài mìn phục kích nhằm chặn đường tiếp viện của quân ta, các tay súng bắn tỉa luôn tìm cách áp sát Đồn. Cái chết cận kề. Nhưng tất cả sẵn sàng đón nhận,” ông Rơ Châm Chiek nhớ lại.

Không riêng Ia Dom, trước các cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết hại người dân vô tội, đặc biệt dã man là vụ thảm sát Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) vào tháng 4 năm 1978, khi lính chế độ Pol Pot đã giết, hành quyết man rợ 3.157 dân thường, lời thề giữ đất đã vang lên khắp một dải biên cương Tây Nam.

Từ Gia Lai, Kon Tum, Đồng Tháp, Kiên Giang… đến Tây Ninh, An Giang, nhân dân vùng biên giới phẫn nộ trước tội ác của chế độ Pol Pot và biểu thị lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của vì biên giới thiêng liêng.

Phong trào “cắm chông giữ đất” được đồng bào Kinh, Jrai, Ba na và các dân tộc khác hưởng ứng, lan từ nội địa ra biên giới, thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quân-dân-chính.

Lịch sử cũng đã ghi lại: Máu người Việt chảy dọc biên giới Tây Nam những năm 1975 đến 1978, khiến hơn 3 vạn thường dân vô tội bị sát hại bởi chính sách diệt chủng người Việt, như đã làm với người Khmer, của Pol Pot.

Trong thời gian này, bốn mươi vạn thường dân Việt Nam phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng để tản cư sâu vào nội địa, sống chen chúc bên những hố bom B52 chưa kịp lấp; 6 vạn ha ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới phía Tây Nam bị bỏ hoang, hàng chục trường học, nhà thờ, chùa chiền.

Việt Nam cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao, nhưng chế độ Pol Pot từ chối đàm phán. Việt Nam phải chuyển sang sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột.

Nhưng cũng trong những năm tháng quân lính chế độ Pol Pot thực hiện những tội ác “trời không dung, đất không tha” đối với người dân Việt Nam, lại có những sâu nặng của ân tình, lương tri, tấm lòng nhân hậu dang tay giúp đỡ hàng trăm ngàn người dân Campuchia bỏ trốn khỏi “cánh đồng chết” Angkor.

Những làn sóng lánh nạn đó, chạy sang neo lại trên một dải 240km đất Việt, nương nhờ đồng bào biên giới để thoát khỏi một chính quyền đang thiết lập lại đất nước bằng "cải cách" khắc nghiệt, nông thôn hóa thành thị và “thanh lọc,” “diệt chủng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục