40 năm đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ, độ sinh, vận động tăng ni, phật tử cả nước sống trong chính tín, thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, gắn bó đoàn kết giữa "đạo với đời."
Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2021), phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết về sự trưởng thành của tổ chức Giáo hội cũng như những đóng góp to lớn của Phật giáo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài 1: Đồng hành cùng dân tộc
Trong lịch sử 2.000 năm, Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, hòa quyện với văn hóa dân tộc, góp phần bảo vệ văn hóa Việt Nam, trở thành thành tố văn hóa của dân tộc.
Giai đoạn Lý-Trần, Phật giáo đã góp phần định hình quốc gia dân tộc, định đô Thăng Long và đóng góp quan trọng vào bang giao quốc tế của các triều đại Việt Nam trong lịch sử.
Sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập có thể nói là sự thống nhất các hệ phái đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tinh thần nhập thế, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp công sức làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng, giành độc lập của dân tộc.
Sau ngày 30/04/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, giang sơn nối liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà. Đây là bối cảnh thuận lợi, là động lực để chư tôn giáo phẩm, tăng ni, phật tử các tổ chức giáo hội, hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo, mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng.
Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội đã quy tụ 9 tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Kể từ đó đến nay đã tròn 40 năm, trải qua 8 nhiệm kỳ, tổ chức Giáo hội ngày càng trưởng thành.
Từ chỗ thời kỳ đầu có 2 Hội đồng gồm Hội đồng Chứng minh 50 thành viên, Hội đồng Trị sự 49 thành viên, 6 ban, ngành Trung ương và 28 Ban Trị sự tỉnh, thành hội, đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, 224 ủy viên Hội đồng Trị sự và 45 ủy viên dự khuyết.
Hệ thống tổ chức Giáo hội gồm 13 ban, viện Trung ương hoạt động chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục Phật giáo, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế Tài chính, Phật giáo quốc tế, Từ thiện xã hội, Pháp chế, Kiểm soát, Thông tin Truyền thông, Viện Nghiên cứu Phật học. Hệ thống tổ chức Giáo hội thống nhất từ Trung ương đến các địa phương.
Thành tựu nổi bật sau 40 năm về công tác tổ chức là Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời kiện toàn và nâng tầm hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Giáo hội quản lý 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả đều hoạt động theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài với gần 55.000 tăng ni, trên 18.000 ngôi chùa và tự viện cơ sở Phật giáo, hàng chục triệu tín đồ Phật tử.
[Phật giáo Việt Nam - 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước]
Giáo dục và đào tạo tăng ni có trình độ Phật học căn bản và nâng cao là một trong những Phật sự trọng tâm của Giáo hội, được lãnh đạo các cấp Giáo hội quan tâm, chú trọng.
Đến nay, Giáo hội có 4 học viện mà tiền thân là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam: Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ.
Các Học viện đã đào tạo trên 10.000 tăng ni tốt nghiệp cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 3.000 tăng ni sinh. Hệ cao đẳng Phật học có 9 lớp, đã đào tạo hơn 4.000 tăng ni sinh tốt nghiệp và đang đào tạo hơn 1.000 tăng ni sinh.
Cả nước có 35 trường trung cấp Phật học, đã đào tạo trên 12.000 tăng ni sinh tốt nghiệp, đang đào tạo gần 5.000 tăng ni sinh.
Giáo hội đã chủ động giới thiệu hơn 500 tăng ni sinh đi du học tại Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka…
Gần 300 tăng ni sinh đã tốt nghiệp trình độ thạc sỹ, tiến sỹ về nước phục vụ công tác Giáo hội các cấp. Đây là nguồn nhân lực của hệ thống đào tạo giáo dục Phật giáo của Giáo hội trong thời hiện đại.
Với đội ngũ giảng viên hùng hậu, có trình độ ngang bằng các trường đại học trong nước và quốc tế, Giáo hội đã được Nhà nước cho phép đào tạo hệ cao học thạc sỹ, tiến sỹ Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế.
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho phép Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Viện Trần Nhân Tông cũng là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho Phật giáo trong tương lai, góp phần thúc đẩy công tác đào tạo tăng ni của Giáo hội.
Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo kể từ khi mới ra đời, Phật giáo Việt Nam qua nhiều thời đại đều cùng hướng tới sứ mệnh cao cả là “xương minh phật pháp, lợi ích tha nhân và phát triển giáo hội."
Nhìn lại trang sử Phật giáo Việt Nam qua từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử, dù trong thời đại nào, hoàn cảnh nào, hoạt động phật sự nào cũng đều thể hiện lý tưởng giác ngộ giải thoát của đạo Phật và không ra ngoài hai mục tiêu then chốt là “trưởng dưỡng đạo tăng, trang nghiêm giáo hội," “hoằng dương chính pháp, hộ quốc an dân."
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử mấy nghìn năm của Phật giáo Việt Nam, hình thức tổ chức giáo hội chung của chức sắc, tín đồ Phật giáo trên cả nước mới được thành lập.
Chưa ở đâu các hệ phái, tổ chức Phật giáo với những truyền thống tu hành đặc trưng lại có thể tập hợp và gắn bó trong ngôi nhà chung mang tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam."
Đó không chỉ là kết quả của việc thực hành “hạnh lục hòa” mà còn là tâm nguyện, mong ước chung của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Giáo hội ra đời đã thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thống nhất việc thực hành giáo lý và quản lý hành chính đạo.
Trong lịch sử, truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc luôn được Phật giáo Việt Nam phát huy, nhưng chỉ tới khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập thì đường hướng hành đạo “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” mới được khẳng định trong Hiến chương của Giáo hội.
Việc thống nhất Phật giáo cả nước trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều kiện quan trọng để Phật giáo được củng cố và phát triển, các tổ chức tôn giáo trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được kiện toàn ở 63/63 tỉnh, thành phố, song song với đó là việc tu học, hoằng pháp, xây dựng cơ sở thờ tự, hoàn thiện hệ thống đào tạo... cũng được thúc đẩy thực hiện.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập còn là kết quả hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước với Phật giáo, thể hiện sự đúng đắn trong chính sách của Đảng, Nhà nước và sự phù hợp với nguyện vọng chính đáng của chức sắc, tín đồ Phật giáo Việt Nam.
“Với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước có cơ sở vững chắc để đoàn kết, chung tay cùng nhân dân cả nước huy động và tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước," Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhận định./.