4 năm sau làn sóng chính biến, Libya vẫn chìm trong hỗn loạn

Trong 4 năm qua, Libya luôn là một trong những "điểm nóng" trên bản đồ khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Đất nước này đã trải qua nhiều lần thay đổi chính phủ kể từ sau khi ông Gaddafi bị sát hại.
Khói bốc lên tại một khu vực ở Libya trong ngày 16/10. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, bốn năm sau cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn chìm trong khủng hoảng.

Quốc gia Bắc Phi này rơi vào hỗn loạn kể từ sau khi chính quyền của Tổng thống Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011. Hiện tại ở Libya có hai chính phủ và hai quốc hội tồn tại song song. Chính phủ và quốc hội được quốc tế công nhận (HOR) do dân bầu hồi tháng 6/2014 theo kế hoạch chuyển tiếp ở Libya.

Tuy nhiên, Liên minh Hồi giáo vũ trang "Bình minh Libya" đã chiếm thủ đô Tripoli hồi tháng 8/2014 và cùng với Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC), tức cơ quan lập pháp cũ, lập nên một chính phủ tại đây, còn chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố cảng Tobruk ở miền Đông Libya.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho một loạt vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch, song những cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí.

Trong 4 năm qua, Libya luôn là một trong những "điểm nóng" trên bản đồ khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Đất nước này đã trải qua nhiều lần thay đổi chính phủ kể từ sau khi ông Gaddafi bị sát hại.

Các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc, đấu tranh bè phái vì quyền lực và dầu mỏ vẫn tiếp diễn.

Hiện nay, hai lực lượng chính tham gia đối thoại chính trị ở Libya là HOR và GNC vẫn đấu tranh gay gắt để nắm quyền lực và quân đội nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên năng lượng giàu có của đất nước Bắc Phi này.

Theo nhà phân tích Michael Nayebi-Oskoui, chuyên gia kỳ cựu về khu vực Trung Đông của mạng tin tình báo toàn cầu Stratfor (Mỹ), ông Gaddafi đã để lại đằng sau một "quốc gia bị đứt đoạn."

Chuyên gia này cho rằng sẽ phải mất vài năm thậm chí là hàng thập kỷ, Libya mới có thể tìm được lối đi riêng.

Những cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm thuyết phục các phe phái ký kết một thỏa thuận hòa bình và thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Lợi dụng sự hỗn loạn này, các nhóm Hồi giáo vũ trang đã tranh thủ giành "chỗ đứng" ở Libya, đặc biệt những kẻ buôn người lợi dụng tình cảnh loạn lạc để đưa những người di cư bất hợp pháp từ bờ biển Libya đến châu Âu, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng di cư và khiến hàng nghìn người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục