3SI có phải là câu trả lời của EU dành cho BRI của Trung Quốc?

Dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, 3SI giống như câu trả lời của Trung Âu dành cho sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, một trong những sáng kiến đang tìm cách “thâm nhập” vào khu vực này.
Hội nghị thượng đỉnh của 'Sáng kiến Ba Biển' tại Romania, hồi năm 2018. (Nguồn: Reuters)

Trong bài nghiên cứu đăng tải trên trang Interpreter của Viện Lowy Australia, Giáo sư David Morris thuộc trường Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh, nhận định sáng kiến cơ sở hạ tầng mới ở Trung Âu đang trở thành tâm điểm cho một cuộc cạnh tranh địa chính trị mới nhất.

Một nhóm đa dạng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong “vùng đệm” truyền thống, nằm giữa các nước Tây và Đông Âu, từ lâu đã là những nền kinh tế yếu hơn, với mức sống tụt hậu hơn so với các nước khác trong cùng khu vực.

Cơ sở hạ tầng giao thông và kết nối năng lượng nghèo nàn của các nước này phản ánh những gì đã diễn ra trong lịch sử, đặc biệt là khi họ bị tách biệt khỏi các quốc gia Tây Âu do “Bức màn Sắt” trong suốt nhiều thập kỷ của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ít nhất là cho đến khủng hoảng đại dịch COVID-19, các quốc gia Trung và Đông Âu lại là một vài trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại “Lục địa già.”

Đáng tiếc là tất cả đều bị hạn chế bởi những “thâm hụt” cơ sở hạ tầng quan trọng.

[Mega Story] Italy tham gia BRI: Cái bắt tay nhiều toan tính

Nhưng thay vì coi mình là đối thủ trong một cuộc đua cơ sở hạ tầng, 12 quốc gia Trung Âu, thuộc khu vực biển Adriatic, Baltic và Biển Đen, đã tập hợp lại với nhau trong “Sáng kiến Ba Biển” (3SI) để tìm kiếm cách thức thúc đẩy kết nối an ninh năng lượng, nền kinh tế kỹ thuật số và giao thông vận tải chung.

Dưới sự hậu thuận của Mỹ, 3SI giống như câu trả lời của các nước Trung Âu dành cho sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, một trong những sáng kiến cũng đang tìm cách “thâm nhập” vào khu vực này.

Vậy liệu 3SI có trở thành đối thủ cạnh tranh của BRI hay không? Mỹ chắc chắn đã nhìn nhận theo cách đó, mặc dù không phải tất cả thành viên EU đều đồng ý như vậy.

Mục tiêu của 3SI

Chính thức ra mắt vào năm 2016 do Croatia và Ba Lan khởi xướng, 3SI đã được Mỹ, đối tác chiến lược của EU, tán thành nhiệt tình.

Thật vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa hội nghị thượng đỉnh khối Hiệp ước Warsaw vào hành trình chuyến thăm chính thức châu Âu năm 2017.

Ban đầu EU tỏ ra thận trọng hơn một chút, mặc dù vẫn thừa nhận tầm quan trọng của 3SI, sáng kiến bao trùm 1/3 quốc gia thành viên EU và gồm khoảng 100 triệu trong tổng số 445 triệu cư dân EU.

Sự hỗ trợ của Mỹ phản ánh mục đích địa chính trị cơ bản đằng sau 3SI. Cơ hội “chèo lái” mối quan hệ giữa Nga và khu vực trước đây thuộc Liên Xô cũ ở Trung Âu không chỉ hấp dẫn Mỹ, mà còn hứa hẹn sẽ bổ sung lợi thế trong việc tăng cường thương mại của Mỹ và các lợi ích khác trong khu vực.

Giờ đây, Mỹ đã trở thành một nhà xuất khẩu dầu và khí đốt lớn. Nước này muốn bán nguồn cung năng lượng và công nghệ cho Trung Âu.

Điều đó đòi hỏi một hệ thống đường ống dẫn phân phối tốt hơn, không chỉ đơn giản là chạy từ Nga sang Đức, như trong trường hợp của dự án Nord Stream 2 hiện đang được xây dựng.

Trọng tâm của 3SI cho đến nay là một hệ thống hạ tầng đường ống dẫn khí đốt Nam-Bắc mới, với kế hoạch nối liền đảo Krk trên biển Adriatic ở Croatia đến Swinoujście ở Ba Lan và Klaipėda, Lithuania, trên Biển Baltic.

Cảng Swinoujscie của Ba Lan. (Nguồn: maritime-executive.com)

Nga được cho là mục tiêu chính để các quốc gia Trung Âu thúc đẩy kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế (và các lĩnh vực khác) đối với các vùng lãnh thổ từng thuộc Liên Xô cũ.

Tuy nhiên, kể từ khi 3SI được thành lập, Mỹ đã chuyển hướng sự chú ý sang đối thủ cạnh tranh địa chính trị mới là Trung Quốc. Vậy 3SI có ý nghĩa như thế nào cho sự cạnh tranh của Mỹ đối với BRI?

3SI - giải pháp để đẩy lùi BRI

Mặc dù Trung Quốc tỏ ra không hứng thú (hoặc không có khả năng) xuất khẩu năng lượng sang Trung Âu, nhưng nước này lại có lợi ích đáng kể trong hai trụ cột khác của 3SI. Đó là hạ tầng giao thông và chương trình số hóa.

Trung Quốc sở hữu một số công ty xây dựng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng đường bộ và đường sắt.

Tuy tồn tại nhiều tranh cãi, nhưng các công ty công nghệ của Trung Quốc đã trở thành “người đứng đầu” trong một số công nghệ nền tảng thuộc “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,” trong đó gồm các kết nối không dây nhanh chóng, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và máy tính lượng phân tử - một công nghệ dự kiến sẽ là nền tảng cho các ngành công nghiệp trong tương lai.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Washington, vốn đã khẳng định mục tiêu cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, muốn ủng hộ Trung Âu hướng đến một tầm nhìn kết nối cơ sở hạ tầng tương lai của riêng khu vực này, nhiều hơn là một tầm nhìn từ Bắc Kinh.

Tại Hội nghị An ninh Munich tổ chức vào tháng 2/2020, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cam kết cung cấp 1 tỷ USD tài trợ cho các dự án hạ tầng của 3SI.

Khi vốn bắt đầu được rót, sẽ tạo ra đòn bẩy hữu ích cho sự tập trung thương mại vào Quỹ Đầu tư do các thành viên 3SI thiết lập.

Quỹ này do Ba Lan khởi động với khoản đóng góp 200 triệu euro và hiện đã nhận được thêm các khoản góp vốn nhỏ hơn từ phần lớn các quốc gia thành viên khác.

Nhờ đó, Quỹ này cho phép 3SI hoạt động độc lập mà không cần tới sự hỗ trợ từ Trung Quốc.

Danh sách 48 dự án kết nối ưu tiên đã được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh 3SI năm 2018 ở Bucharest, trên cơ sở ba trụ cột là năng lượng, giao thông vận tải và kỹ thuật số.

EU dự kiến sẽ cung cấp tài trợ cho khoảng một nửa số dự án, với mức tài chính cao nhất mà khối này dành cho các dự án năng lượng và giao thông đa phương. Các dự án đầu tiên của Quỹ dự kiến sẽ được công bố trước cuối năm nay.

3SI hướng tới sự bổ sung thay vì độc quyền

Động lực của các thành viên 3SI là hỗn hợp, gồm cả chính trị và thực dụng. Ba Lan, các nước Baltic và một số nước khác chủ yếu bị thúc đẩy bởi một mệnh lệnh địa chính trị lịch sử là phải củng cố khu vực đối trọng lại Nga và giờ đây là cả Trung Quốc, nước đang ngày càng bị nhìn nhận thông qua một lăng kính địa chính trị tương tự.

Phần đông dân chúng của các quốc gia Trung Âu nghi ngờ mục đích của các công ty Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng chính trị từ cường quốc lớn nhất châu Á.

Tuy nhiên, Hungary, Áo và một số quốc gia thành viên khác lại không chú trọng nhiều đến điều đó.

Những nước này, một mặt tham gia 3SI, nhưng mặt khác vẫn mong muốn tìm kiếm lợi ích từ bất kỳ cường quốc nào, bao gồm cả Trung Quốc, để có thể cung cấp các nguồn vốn tài trợ cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của mình.

Dù có sự bất đồng nhất định trong nội bộ 3SI, nhưng tất cả các thành viên trong khu vực đều dựa vào sự hiện diện của Mỹ để ngăn chặn sự xâm lược, và chỉ có hai nước là Phần Lan và Estonia tuân thủ mục tiêu cam kết của NATO là dành 2% GDP cho lĩnh vực quốc phòng. Khía cạnh này càng khẳng định hơn nữa sự phụ thuộc của khu vực vào Mỹ.

Trong khi, EU vẫn phân cực xung quanh các giá trị chính trị, thường bị chia rẽ dọc theo ranh giới rằng liệu tài chính cơ sở hạ tầng của Trung Quốc nên được hoan nghênh hay là điều đáng quan ngại.

Một đặc điểm đáng chú ý của các quốc gia thành viên Trung Âu thuộc EU là tất cả đều đã gia nhập vào khối này trong vòng hai thập kỷ vừa qua.

Các thành viên Trung Âu thường có xu hướng giữ lập trường bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa hơn nhiều so với các đối tác tự do và quốc tế hóa ở Tây Âu. Sự phân chia như vậy có lẽ sẽ trở thành một đặc điểm nổi bật của EU trong tương lai.

Điều này cũng lý giải cho vấn đề một số thành viên Trung Âu đã bực bội khi nhận sự “khuyên răn” từ Brussels rằng không được thỏa thuận với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh dường như đã giữ rất nhiều lời hứa hẹn cung cấp các khoản vốn đầu tư để tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhưng trên thực tế, rất ít lời hứa đã được thực hiện. Vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào EU tập trung chủ yếu vào các nền kinh tế lớn và tiên tiến hơn như Đức.

Trong khi đó, Hungary cũng gây chú ý với cách tiếp cận của mình. Quốc gia này duy trì sự miễn cưỡng đồng ý với EU, trong khi vẫn theo đuổi chính sách “hướng Đông,” nhằm thu hút sự hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc cũng như các nền kinh tế lớn khác của châu Á.

Một số chuyên gia Hungary đã xác định những rủi ro mà cả Trung Quốc và Mỹ sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đối với 3SI, bao gồm việc tác động vào các dự án theo hướng lợi ích kinh tế của riêng họ và có khả năng đặt ra các điều kiện về tài chính không hấp dẫn đối với các nước tiếp nhận.

Các quốc gia thành viên như Hungary sẽ muốn để ngỏ lựa chọn của mình, bao gồm cả việc thu hút sự hỗ trợ từ EU và 3SI cũng như BRI của Trung Quốc khi thích hợp.

Đối với các thành viên 3SI, điểm mấu chốt là sự bổ sung chứ không phải là độc quyền. Điều này có thể không làm hài lòng Washington, hoặc thậm chí cả Brussels.

Cạnh tranh gây ảnh hưởng

Một mối quan tâm nữa về 3SI là liệu các chính phủ quốc gia có thực hiện các dự án lớn, chẳng hạn như đường cao tốc Bắc-Nam, hay “Via Carpathia,” ý tưởng hoành tráng nhằm nối cảng Thessaloniki của Hy Lạp với Klaipéda ở Lithuania.

Dự án đầy tham vọng như vậy sẽ đòi hỏi hàng loạt các quốc gia thành viên phải đầu tư nâng cấp mạng lưới đường hiện không đạt tiêu chuẩn của họ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh 3SI tổ chức ngày 19/10/2020, nước chủ nhà Estonia đã nâng cao danh tiếng là quốc gia kỹ thuật số hàng đầu thế giới bằng cách phát trực tiếp cuộc họp, cho phép mọi người có thể quan sát “sắc thái” trong cách mà các nhà lãnh đạo quốc gia định hình sáng kiến.

Phần lớn trong số đó tập trung rõ ràng vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhằm hội tụ với Tây Âu.

Tuy nhiên, Chủ tịch 3SI sắp tới, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, lưu ý rằng cơ sở hạ tầng cũng có ý nghĩa an ninh quan trọng. Điều đáng chú ý là “số lần” các diễn giả đề cập đến các “đối tác” của khu vực, bao gồm EU, Đức và Mỹ.

Đức đã báo hiệu sự quan tâm của mình trong việc gia nhập 3SI trong suốt hai năm qua, nhưng chưa có kết quả. Trong khi đó, Mỹ đã có mặt ở khắp nơi.

Ngôn ngữ tại Hội nghị chuyển sang vấn đề địa chính trị một cách công khai, khi thảo luận về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Mỹ đã và đang tăng cường ảnh hưởng của mình lên các quốc gia thành viên để cấm Huawei và các nhà cung cấp khác của Trung Quốc được tham gia vào hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại các quốc gia này, bằng cách đề ra trong kế hoạch về “Mạng lưới sạch” gồm các nước và “nhà cung cấp đáng tin cậy.”

Nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Estonia có lẽ rất muốn trao cho Mỹ cơ hội sau kinh nghiệm của chính nước này về các cuộc tấn công mạng (từ Nga năm 2007).

Mỹ dưới thời của Ngoại trưởng phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Keith Krach đã thúc đẩy một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện xuyên suốt bài hùng biện sôi nổi của mình và mới đây nhất Ngoại trưởng Mike Pompeo, cũng giống như người tiền nhiệm, đã tạo ra một cuộc chiến đề cập tới tự do và chủ nghĩa độc tài, thông qua đó nêu lên yêu cầu phải “đóng băng” công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên 3SI đều đồng ý với luận điểm này. Đối với một nước như Hungary, nơi tập đoàn công nghệ Huawei thiết lập trung tâm hậu cần ở Trung Âu, sẽ khó có thể nhìn thấy lợi ích trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, Hungary đã tiến hành dự án nâng cấp tuyến đường sắt kết nối với Serbia bằng nguồn vốn tài chính của Trung Quốc và tuyến đường sắt tốc độ cao từ Belgarde đến Budapest, cho dù rất nhiều ý kiến trong khu vực đã tỏ ra nghi ngờ về việc ra quyết định thiếu rõ ràng đối với dự án này.

Vậy 3SI có tiếp tục đảm bảo tiến độ mở rộng tuyến đường sắt tốc độ cao đến Warsaw (Ba Lan)? Bulgaria đã có thỏa thuận khung với Trung Quốc để xây dựng bốn đường cao tốc và một đường hầm.

Vẫn chưa rõ là bằng cách nào mà các dự án có sự tham gia của Trng Quốc lại được đưa vào 3SI, hay liệu chúng sẽ được tách biệt ra sao. Tuy nhiên, điều này có nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Cuối cùng, một vài sự cạnh tranh lành mạnh là tin tốt cho một khu vực đang “khát” vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. EU, Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn tăng cường đầu tư.

Duy trì một cách tiếp cận chiến lược hơn đối với việc lập kế hoạch dài hạn và tính liên kết chắc chắn có thể khuyến khích mức độ bổ sung cho 3SI.

Trên thực tế, EU đã thảo luận trong nhiều năm về việc phối hợp hơn nữa trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, thông qua Nền tảng kết nối EU-Trung Quốc.

Tuy nhiên, sẽ là không thực tế nếu đánh giá những cuộc thảo luận như vậy dựa trên mặt giá trị.

Lần đầu tiên, khi một công ty Trung Quốc thắng thầu trong một dự án của EU để xây dựng cây cầu ở Croatia, đã có nhiều lời phàn nàn công khai rằng giá thầu của Trung Quốc bị định giá thấp, mặc dù việc kháng cáo không thành công.

Chủ nghĩa bảo hộ của EU không có gì là mới và các công ty Trung Quốc có thể sẽ thấy rằng những hướng dẫn cho việc đấu thầu trong tương lai sẽ khó đáp ứng hơn nhiều.

Nếu 3SI có thể cung cấp cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông đường bộ Nam-Bắc lớn hơn, thì điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Trung Quốc, cung cấp cho cả hai nước các điểm tiếp cận mới để giao thương và đầu tư vào một phần EU, với tiềm năng chưa được khai thác.

Tuy nhiên, cuối cùng thì cơ sở hạ tầng công nghệ trong tương lai của khu vực có thể vẫn được xác định bởi Brussels, trên cơ sở toàn EU và theo các nguyên tắc quản lý rủi ro. Điều này có khả năng làm cho hai siêu cường thất vọng.

Trong bối cảnh đó, người thua cuộc hoàn toàn trên cả ba trụ cột của 3SI: Năng lượng, vận tải và công nghệ, dường như là Nga, nước sẽ trở nên ít liên quan hơn đến các nền kinh tế Trung Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục