Ngày 10/12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức lễ trao giải thưởng năm 2022 cho 37 công trình sưu tầm, nghiên cứu.
Kết quả, không có công trình nào được trao giải Nhất và giải Nhì A.
Ban tổ chức đã trao 4 giải Nhì B (trị giá 22 triệu đồng/giải) cho 4 tác phẩm. Trong đó, riêng tác giả Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Giáo dục Tiểu học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) có 2 tác phẩm được trao giải Nhì B gồm 2 bộ sử thi Bahnar “Giông, Giỡ tìm Bia Lũi” (Giông Giỡ chă Bia Lũi) và “Giông, Giỡ bán ghè thần Rang Blo” (Giông, Giỡ tech ge yang Rang Blo) phát hành song ngữ Việt-Bahnar.
Hai công trình được trao giải Nhì B khác là tác phẩm “Văn hóa vật chất và văn hóa xã hội thời kỳ Đại Việt” (2 quyển) do tác giả Nguyễn Xuân Kính chủ biên cùng nhóm tác giả Nguyễn Duy Hinh, Trần Bình và Vũ Hoàng Hiếu thực hiện; công trình “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền” của tác giả Bùi Xuân Đính.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 4 giải Ba A (18 triệu đồng/giải), 12 giải Ba B (14 triệu đồng/giải), 12 giải Khuyến khích (7 triệu đồng/giải) và 5 tặng phẩm (4 triệu đồng/tặng phẩm) cho các công trình, tác phẩm có chất lượng.
Đánh giá về chất lượng mùa giải năm nay, Giáo sư-tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết các công trình gửi tham dự giải giảm nhiều so với năm trước cả về số lượng và chất lượng.
“Không có công trình nào đủ tiêu chí xét giải Nhất và Nhì A. Sự sụt giảm này có thể do nguyên nhân từ dịch bệnh, khiến các tác giả gặp khó khăn trong việc điền dã,” giáo sư-tiến sỹ Lê Hồng Lý cho biết.
[Hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, chuẩn con người Việt Nam thời kỳ mới]
Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đặc thù của công việc nghiên cứu là các tác giả phải gặp gỡ nghệ nhân, cùng tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, tâm linh của đồng bào để điều tra, thu thập tư liệu rồi mới có thể ngồi tập trung viết công trình. Tuy nhiên, những quy định về giãn cách xã hội một thời gian dài do dịch bệnh rõ ràng đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc điều tra sưu tầm, nghiên cứu của các hội viên. Bốn công trình được giải cao nhất năm nay đều là những công trình đã tiến hành trong nhiều năm trước dịch bệnh.
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng, Giáo sư-tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho biết các công trình dự giải năm nay có mặt ở cả 5 chuyên ngành: Ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian; Phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Nghệ thuật tạo hình và kiến trúc; Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Xuân Đính cho hay tác phẩm “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) là kết quả sau 40 năm ông dày công nghiên cứu về văn hóa làng Việt.
Để bao quát được trọn vẹn các mặt khác nhau của văn hóa làng xã Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu của độc giả, các mục từ trong sách được gom lại theo các chủ đề lớn, bố trí thành 5 phần: “Các mục từ về chung về làng xã”; “Các mục từ về kinh tế, văn hóa vật chất”; “Các mục từ về cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội làng xã”; “Các mục từ về di tích, tín ngưỡng, lễ thức, phong tục, tập quán, lễ tiết”; “Các mục từ về văn hóa, văn nghệ, di văn Hán-Nôm.”
“Tôi mong muốn góp một tiếng nói để lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền của làng Việt đang dần mai một trong bối cảnh đô thị hóa, hiện đại hóa như hiện nay,” phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Xuân Đính bày tỏ.
Nhân dịp này, Hội Văn nghệ dân Việt Nam đã tổ chức lễ mừng thọ cho các hội viên cao tuổi, khen thưởng cho các hội viên có nhiều đóng góp trong năm 2022 và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2022 cho nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển của văn nghệ dân gian Việt Nam./.