36 nước thảo luận cách cung cấp hàng viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza

Theo đánh giá mới, khoảng 1,1 triệu người dân ở Gaza, tương đương khoảng một nửa dân số ở dải đất này, đang chịu nạn đói nghiêm trọng, đặc biệt ở phía Bắc Gaza.

Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống khu vực phía Bắc Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống khu vực phía Bắc Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 21/3, Cộng hòa Cyprus đã chủ trì hội nghị với sự tham gia của nhiều nước và tổ chức quốc tế, để thảo luận những biện pháp tăng cường cung cấp hàng viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza thông qua một hành lang trên biển.

Tham dự hội nghị diễn ra tại cảng Larnaca gồm đại diện của 36 nước gồm quan chức Israel, các cơ quan của Liên hợp quốc cùng các tổ chức cứu trợ nhân đạo.

Cảng Larnaca cũng là nơi mà con tàu chở hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên đã khởi hành hồi đầu tháng này mang theo 200 tấn hàng hóa viện trợ và đã đến Dải Gaza hôm 15/3.

Trong khi đó, một con tàu thứ hai chở hàng viện trợ đến Gaza đang cập tại cảng nói trên, chờ thời tiết thuận lợi để khởi hành.

Hoạt động của hai con tàu này tuân theo một dự án thí điểm nhằm mở một tuyến đường biển cung cấp hàng viện trợ khẩn cấp đến vùng đất ven biển Địa Trung Hải.

Dự án này được thực hiện dưới sự phối hợp giữa tổ chức từ thiện World Central Kitchen có trụ sở tại Mỹ cùng với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và tổ chức từ thiện Proactiva Open Arms của Tây Ban Nha, với sự hỗ trợ của Chính phủ Cộng hòa Cyprus.

Trước đó, tổ chức World Central Kitchen cho biết sáng kiến này không liên quan đến nỗ lực đa quốc gia nhằm thiết lập hành lang viện trợ bằng đường biển đến Gaza.

Ngoại trưởng Cộng hòa Cyprus Constantinos Kombos cho biết hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp đảm bảo được nguồn hỗ trợ tài chính cho việc vận hành tuyến đường vận chuyển hàng viện trợ bằng đường biển nói trên.

Ngoài ra, các đại diện tham dự cũng thảo luận cách thức để có thể gia tăng các chuyến tàu chở hàng ở số lượng nhiều nhất có thể.

Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Cộng hòa Cyprus, các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc đều sẵn sàng đóng góp tài chính cho hoạt động viện trợ theo hình thức này, đồng thời nhấn mạnh sự tham gia của các tổ chức viện trợ nhân đạo có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông Kombos nhấn mạnh đây là dịp để gắn kết nỗ lực của tất cả các quốc gia và tổ chức để có thể đạt được những hành động đồng bộ và thống nhất.

Những thảo luận nói trên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng cường nỗ lực để đưa hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza thông qua nhiều con đường khác nhau, bao gồm cả đường biển và đường hàng không. Hoạt động vận chuyển bằng đường bộ đến Gaza gặp khó khăn do xung đột vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, nhiều cơ quan viện trợ cho rằng vận chuyển bằng đường bộ vẫn hiệu quả hơn cả.

ttxvn-hang vien tro2.jpg
Hàng viện trợ từ Maroc cho Gaza được vận chuyển tới sân bay Ben Guiron ở Tel Aviv, Israel ngày 11/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, hôm 8/3, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết nước này sẽ hợp tác với Mỹ và các nước đối tác liên quan để mở hành lang trên biển chuyển hàng cứu trợ trực tiếp đến Gaza.

Theo đánh giá mới đây về tình hình an ninh năng lượng do một cơ quan của Liên hợp quốc tiến hành, khoảng 1,1 triệu người dân ở Gaza, tương đương khoảng một nửa dân số ở dải đất này, đang chịu nạn đói nghiêm trọng, đặc biệt ở phía Bắc Gaza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục